Ông Vũ Văn Nhân, nguyên là cán bộ nhà nước đã nghỉ hưu, nhà ở phố Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), năm nay đã gần 80 tuổi nhưng nước da vẫn sáng hồng và dáng đi nhanh nhẹn. Ít ai biết thời thanh niên, ông chỉ nặng trên 40 kg. Năm 1999, ông phải nhập viện điều trị các bệnh: suy nhược thần kinh, viêm đại tràng, đau thần kinh tọa, đau nửa đầu…Trong thời gian điều trị, có người bạn cùng phòng giới thiệu với ông tập sách viết về Yoga của người Ấn Độ. Ông đọc và thấy cuốn hút với những điều trong sách viết và bắt đầu vừa đọc, vừa học, rồi tập
luyện.
Một tư thế của bài tập Yoga.
Hiện, sau gần 10 năm tập luyện, các chứng bệnh trước đây không còn hành hạ ông nữa. Cũng từ đó, ông không hề bị ốm đau, bệnh tật và không phải dùng bất cứ loại thuốc gì. Chia sẻ về kinh nghiệm luyện tập Yoga, ông Nhân cho biết, trước hết, hãy loại bỏ hẳn tư tưởng tập Yoga là quá khó. Hãy bắt đầu với những tư thế đơn giản, nhưng phải tập đúng. Ngoài tập luyện cần có thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, điều độ.
Trong luyện tập, quan trọng nhất không phải là chú ý tới động tác, mà là việc điều tâm và chú ý đến hơi thở. Khi tham gia một lớp tập Yoga, cần theo dõi sau một thời gian tập luyện, sức khỏe có tốt lên không. Nếu tốt lên thì mới nên tiếp tục theo học. Đối với các trường hợp tự tập luyện, nên mua các sách hướng dẫn của các nhà xuất bản uy tín như Thể dục thể thao, Y học. Phòng tập phải thoáng đãng. |
Tập Yoga cũng có “chống chỉ định”
Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, vừa là nhà nghiên cứu, đồng thời cũng là người kiên trì thực hành Yoga. Theo bác sĩ Toàn, Yoga là một trong những phương pháp tập luyện của y học cổ truyền phương Đông, có lịch sử lâu đời và bắt nguồn từ Ấn Độ.
Theo y học cổ truyền, cơ thể sinh bệnh khi mất cân bằng âm - dương. Tập Yoga giúp điều hòa các tạng phủ trong cơ thể, giúp cơ thể tự điều chỉnh và điều hòa âm - dương. Khi âm - dương cân bằng, cơ thể sẽ khỏe mạnh, sức đề kháng tốt hơn, nhiều loại bệnh được đẩy lùi.
Còn theo nhiều công trình nghiên cứu của y học hiện đại, tập Yoga thường xuyên giúp cơ thể cân bằng trạng thái hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh; đem lại lợi ích cho hệ tim mạch, tiêu hóa, hệ cơ và toàn bộ cơ thể.
Tuy có nhiều lợi ích, nhưng người tập vẫn phải hết sức lưu ý, khi tập phải chọn những bài vừa sức. Tuyệt đối không tập bất kỳ asana (tư thế) nào nếu phải gắng sức hay căng thẳng. Tránh tập trong thời gian phục hồi sau chấn thương, kỳ kinh nguyệt, những người bị bệnh tim mạch, tổn thương cột sống. Tốt nhất là nên tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên, vì có nhiều động tác phù hợp với người này nhưng không phù hợp với người khác.
Tập Yoga không phải là liệu pháp thần kỳ. Đây chỉ là biện pháp hỗ trợ điều trị và phát huy tác dụng khi người luyện tập đều đặn. Với các trường hợp bị bệnh cấp tính, bệnh nhân vẫn phải đến các cơ sở y tế để điều trị và kết hợp với tập Yoga. Thành quả của việc tập luyện không thể tính bằng ngày, bằng tháng mà phải tính bằng năm và nhiều năm.
Bình luận của bạn