Thể thao Việt Nam cần hoạch định lại chiến lược để đi đến thành công

Thể thao Việt Nam cần phấn đấu thật nhiều và chọn hướng đi đúng đắn để có những bước tiến mạnh mẽ

Thắng sát nút Myanmar, U23 Việt Nam thẳng tiến vào VCK U23 châu Á 2022

ĐT nữ Việt Nam tập trung: Sẵn sàng cho mục tiêu SEA Games 31

Thua sát nút Nga, ĐT Việt Nam chia tay VCK World Cup Futsal 2021

1. Muốn biết một nền thể thao đang đứng ở đâu, hãy nhìn vào những giải đấu tầm thế giới. Mặt trận lớn đầu tiên của thể thao Việt Nam (TTVN) trong năm 2021, phải kể đến Olympic Tokyo, Nhật Bản. Đoàn TTVN có 18 VĐV tham gia thi đấu 11 môn và chỉ phấn đấu có huy chương. Tuy nhiên, chúng ta không đạt một tấm huy chương nào, dịch bệnh COVID-19 chỉ là một trong những lý do. Đây là một kết quả đáng thất vọng bởi Thế vận hội 4 năm trước, những tưởng đã thấy “cánh én báo mùa xuân” cho TTVN khi lần đầu tiên giành tấm HCV. Đáng nói hơn khi cũng tại Olympic Tokyo, Indonesia giành 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ; Thái Lan và Philippines đều có 1 HCV; Malaysia cũng có 1 HCĐ.

Nhìn lại quá trình hơn 4 thập kỷ qua, TTVN đã tham dự 9 kỳ Olympic, với 152 VĐV tham gia tranh tài, mới giành vỏn vẹn 5 tấm huy chương, bao gồm 1 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ. Đây là những chỉ dấu ngành thể thao cần “thức tỉnh”, tư duy tìm hướng đi sáng sủa hơn cho TTVN. Đã đến lúc ta nên kết thúc chiến lược đi tắt, đón đầu, chú trọng đến những thành tích mang tính nhỏ lẻ. Thay vào đó, phải hội nhập sâu rộng hơn với thể thao thế giới, đầu tư có trọng điểm cho các môn thể thao thuộc hệ thống Olympic. Các VĐV tài năng cần được nâng cấp chế độ đãi ngộ, được đi tập huấn dài hơi ở các môi trường thể thao tiên tiến. Với việc xã hội hóa thể thao, kinh phí không phải là vấn đề quá khó, khi không ít doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ cho các nhân tài một khi có lộ trình rõ ràng.

Một điểm kém sáng nữa của TTVN là giải bóng đá vô địch quốc gia (V-League) đã phải dừng giữa đường (hiếm quốc gia nào chọn giải pháp này). Vấn đề nằm ở chỗ V-League đã đi qua hơn 2/3 chặng đường, còn các đội cũng đều đã đầu tư rất nhiều tiền bạc lẫn tâm lực. Tuy nhiên, lấy lý do vì dịch COVID-19, vì các ĐTQG thi đấu nên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã quyết định hủy giải. Quyết định hủy giải ấy có lẽ là quá vội vàng bởi giờ đây, khi vaccine đã phủ rộng, nhiều hoạt động đã trở lại bình thường, những nhà làm bóng đá mới nhận ra việc tổ chức tiếp để giải về đích là hoàn toàn có thể làm được.

Trong bức tranh chung không sáng sủa của thể thao đỉnh cao, rất may có sự tỏa sáng của một vài cá nhân. Võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi đã xuất sắc đánh bại đối thủ kỳ cựu người Nhật Bản Etsuko Tada với điểm số 96-94 sau 10 hiệp đấu, trở thành tay đấm Việt Nam đầu tiên đoạt chức vô địch thế giới WBO.

Lực sĩ Nguyễn Văn Công giành HCB tại Paralympic Games

Lực sĩ Nguyễn Văn Công giành HCB tại Paralympic Games

Lực sĩ Lê Văn Công đã mang lại tấm HCB vô cùng quý giá cho TTVN tại Paralympic. Anh chính là một biểu tượng của chiến thắng nghịch cảnh, là tấm gương để nhiều VĐV “lành lặn” soi vào để suy ngẫm về sứ mệnh của mình.

Công bằng mà nói, bóng đá nam cũng đã mang lại nhiều niềm vui cho người hâm mộ thể thao. Đội tuyển futsal Việt Nam lần thứ 2 liên tiếp giành quyền dự VCK World Cup Futsal 2021, lọt vào đến vòng 1/8. Đây là sự kiện chấn động làng futsal thế giới.

Tương tự, lần đầu tiên trong lịch sử, đội tuyển quốc gia đã lọt vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Dù đang thua cả 6 trận, nhưng đấy là chiến tích đáng mừng.

 

 

Việc đội tuyển U23 giành vé dự VCK U23 châu Á 2022 cũng đáng ghi nhận. Nhưng, xin nhớ rằng, một nền thể thao lớn mạnh không chỉ dựa vào bóng đá, chỉ đầu tư tập trung vào mỗi vào bóng đá.

2. TTVN năm 2022 có khá nhiều sự kiện lớn. Kỳ vọng hơn cả về mặt thành tích vẫn là SEA Games được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 5/2022. Lâu nay đã thành cái lệ, nước nào đăng cai thì coi như dẫn đầu về số lượng huy chương. Vô địch bóng đá nam SEA Games cũng là niềm mong mỏi rất lớn của người hâm mộ. Chúng ta chỉ mới một lần lên đỉnh vinh quang đấu trường này, và cơ hội nâng cúp lần nữa không phải là xa vời. Tất nhiên, bài học AFF Cup vẫn còn đó, không thể chủ quan.

Mong sao, ngành thể thao nên chú trọng về chất lượng thành tích, tạo dựng hình ảnh về một Việt Nam tươi đẹp, thân thiện và phát triển trong lòng bạn bè quốc tế. Đấy mới là tấm huy chương cao quý nhất!

Ngay sau khi kết thúc SEA Games, đội tuyển U23 Việt Nam sẽ lên đường sang Uzbekistan để tham dự VCK U23 châu Á 2022. Đây là lần thứ 4 liên tiêp U23 Việt Nam giành quyền tham dự giải đấu này. Năm 2018, thầy trò ông Park từng làm ngây ngất hàng triệu người Việt với chuỗi thành tích ấn tượng, lọt vào chung kết và đoạt ngôi á quân. Tuy thế năm 2020, U23 Việt Nam đã bị loại sớm. Lần này dự báo sẽ khó khăn cho U23 Việt Nam khi lực lượng không còn tinh nhuệ như thế hệ Quang Hải, Công Phượng…

Lứa U23 này chưa thể hiện được nhiều điều để người hâm mộ có thể tin tưởng hoàn toàn vào cơ hội đăng quang tại SEA GAmes 31

Lứa U23 này chưa thể hiện được nhiều điều để người hâm mộ có thể tin tưởng hoàn toàn vào cơ hội đăng quang tại SEA GAmes 31

Vào tháng 9/2022, TTVN sẽ bước vào một giải đấu lớn hơn, ASIAD tại Hàng Châu (Trung Quốc), dành cho các quốc gia châu Á. Đấu trường này cũng rất quyết liệt, đòi hỏi TTVN phải đầu tư dài hơi, nỗ lực rất lớn mới hy vọng vượt giới hạn. Thành tích tại ASIAD 2018 là đáng ghi nhận khi thể thao Việt Nam giành được 4 HCV, 16 HCB, 18 HCĐ tạm xếp thứ 17/45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Đại hội. Tuy thế, từ việc trắng tay ở Olympic mới đây liệu có đủ thời gian để TTVN phục hồi.

Năm 2021, phải thừa nhận dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi lĩnh vực của đất nước, thể thao không là ngoại lệ. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu, hứa hẹn sẽ mạnh mẽ, trưởng thành hơn sau khi đã trải qua “khổ nạn”. Năm 2022 mở ra với nhiều thuận lợi cho TTVN, chúng ta đang hy vọng tràn đầy thành công ở SEA Games được tổ chức trên "sân nhà" vào tháng 5 này. Mong sao tại các giải đấu khác, nhất là ở đẳng cấp cao hơn, TTVN cũng sẽ tiến lên những bước mạnh mẽ.

 

Nỗi buồn AFF Cup

Cho đến giờ phút này, nhiều người vẫn không hiểu và không thể tin nổi ĐT Việt Nam lại trắng tay ở AFF Cup như vậy. Một đoàn quân quá tinh nhuệ, giàu kinh nghiệm, cùng chơi bóng nhiều năm, nhiều cấp độ, nhưng lại thua Thái Lan 2 bàn quá dễ dàng ở trận bán kết lượt đi. Dù lượt về, đội có chơi hay hơn, nhưng tất cả đều hiểu rằng quá khó để lật ngược tình thế.

Một thất bại đau đớn nhưng cần thiết để chúng ta đánh giá lại thực lực, quy hoạch lại lộ trình phát triển. Nền bóng đá Thái Lan đã 5 lần vô địch AFF Cup, 9 lần vô địch SEA Games, nhưng vẫn chưa thể vượt giới hạn. Vậy thì, bóng đá Việt Nam liệu có hướng đi nào tốt hơn. Chẳng lẽ những tín hiệu vui đã gây dựng trong 5 năm qua vẫn chưa đủ là nền tảng tốt cho những mơ mộng? Những tín hiệu BĐVN bước vào một chu kỳ thoái trào?

 

Thảo Uyên
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe