Thoái hóa khớp gối có thể gây tàn phế

Nếu không được điều trị đúng cách thoái hóa khớp gối có thể gây tàn phế. Ảnh minh họa

Thoái hóa khớp chữa khỏi được không?

Thoái hóa khớp gối ở người cao tuổi – Phải làm sao?

Đối phó với bệnh thoái hóa khớp khi trời lạnh

Hơn 78% bệnh nhân thoái hóa khớp gối là người béo phì

Vì sao khớp gối có gai?

Cô Trần Thị Sao (55 tuổi, Văn Giang, Hưng Yên) bị đau nhức khớp gối khoảng một năm trước. Đau nhói ở khớp gối làm cô đi lại khó khăn và không làm được việc đồng áng. “Từ ngày bị đau chân tôi không làm được việc nặng mà chỉ giúp đỡ chồng con làm việc nhẹ trong nhà. Uống và đắp thuốc lá đủ kiểu mà bệnh không đỡ nên tôi đi bệnh viện để khám và điều trị. Sau khi thăm khám bác sỹ bảo tôi bị khô khớp gối và cho tôi tiêm dịch vào khớp. Nhưng tình trạng bệnh chỉ thuyên giảm được khoảng 3 – 4 tháng rồi lại đau trở lại. Những ngày gần đây trời lạnh nên bệnh có dấu hiệu đau nặng hơn. Không chịu được nữa tôi đành đi khám lại tại Bệnh viện Bạch Mai và bác sỹ kết luận tôi bị thoái hóa khớp gối, ở 2 khớp gối có gai…”, cô Sao chia sẻ.

Theo các bác sỹ chuyên khoa, bắt đầu từ khoảng 30 tuổi trở đi các sụn khớp, trong đó có khớp gối bắt đầu bị thoái hóa. Quá trình thoái hóa này ban đầu rất âm thầm nên ít người để ý đến. Khi lớp sụn bị ăn mòn, bề mặt trở nên lởm chởm, cử động sẽ nghe tiếng lạo xạo. Cơ thể phản ứng lại bằng cách mang calci đến đắp vào và tụ thành những ụ nhỏ, mà trên hình ảnh chụp X – quang bác sỹ gọi là “gai xương”.

Thoái hóa khớp gối được chia thành 2 loại: Thoái hóa khớp gối nguyên phát (thoái hóa không có nguyên nhân) hay gặp ở độ tuổi trên 50 và thoái hóa khớp gối thứ phát, gặp sau chấn thương (gãy xương đùi, can lệch xương, tổn thương sụn chêm...), do bệnh lý xương sụn (hoại tử xương, viêm khớp dạng thấp) hoặc do các bệnh lý nội tiết (đái tháo đường, cường giáp, cường cận giáp).

Khớp gối bắt đầu có dấu hiệu thoái hóa từ sau 30 tuổi. Ảnh minh họa

Người bị thoái hóa khớp gối thường có cảm giác đau vùng khớp gối, lúc đầu đau nhẹ, đau chủ yếu về đêm. Đau có tính chất cơ học, đau nhiều khi đi lại, dần dần đau tăng lên ngay cả khi nghỉ ngơi. Đôi khi cảm giác cứng khớp khi không vận động (hay gặp vào buổi sáng). Khi cử động, đi lên xuống có tiếng lạo xạo trong khớp, sờ thấy phì đại xương, không có biểu hiện viêm tấy đỏ vùng gối. Nếu không được điều trị sớm, thoái hóa khớp gối gây đau và biến đổi cấu trúc của khớp, ảnh hưởng chức năng vận động, dần dần dẫn đến tàn phế.

Phòng và chữa trị gai khớp gối

Mục đích chính của điều trị thoái hóa khớp gối là giảm đau, cải thiện chức năng vận động khớp gối. Khởi đầu bao giờ cũng điều trị bằng thuốc như: Các thuốc giảm đau, chống viêm, bổ sung glucosamin, chondroitin, tiêm thuốc acid hyaluronic… Đồng thời, kết hợp với các bài tập phục hồi chức năng. Các phương pháp vật lý trị liệu không chỉ giảm đau, giảm phù nề, tăng lực cơ, tăng tầm vận động khớp gối mà còn phục hồi các chức năng sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.

Đối với trường hợp thoái hóa khớp gối nặng, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị ngoại khoa bằng các phương pháp như: Đục xương sửa trục, nội soi gối, thay khớp gối nhân tạo…

Giữ cân nặng ở mức hợp lý để phòng thoái hóa khớp gối. Ảnh minh họa

PGS.TS Nguyễn Vĩnh Ngọc, Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo: “Mọi người cần nghĩ đến việc chăm sóc sụn khớp để phòng ngừa thoái hóa khớp, đừng để đến khi khớp có các triệu chứng thoái hóa mới bắt đầu chạy chữa. Với người bị thoái hóa khớp gối thì việc giữ cân nặng cơ thể hợp lý, thay đổi lối sống như tránh ngồi xổm, tránh ngồi xếp bằng, hạn chế leo cầu thang hay leo dốc, hạn chế khiêng vác nặng là chuyện cần làm suốt đời. Có thể mang nẹp gối trong giai đoạn đang bị đau, nhưng sau đó cần phải tập vận động để có một khớp gối vững khi đi đứng”.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng giàu calci và vitamin D để tăng cường sức khỏe xương khớp. Thực phẩm ăn uống nên đa dạng, giàu protein, vitamin, khoáng chất, đặc biệt là calci (trứng, sữa, tôm, cua, lươn và các loại nhuyễn thể, các loại quả chín và rau có màu xanh đậm hoặc màu vàng...). Đồng thời, kết hợp tập luyện thường xuyên và vừa sức giúp cơ bắp khỏe mạnh, không nên tập vận động quá mạnh hoặc quá lâu. Với người cao tuổi, tốt nhất nên tập thể dục nhẹ nhàng, dưỡng sinh, bơi lội, đạp xe, đi bộ nhẹ nhàng trong khoảng thời gian 20 - 30 phút/ngày.

Dấu hiệu cảnh báo thoái hóa khớp gối
- Đau mặt trước hoặc trong khớp gối, đau tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi, đặc biệt khi chuyển tư thế từ ngồi sang đứng.
- Hạn chế vận động, khó khăn khi thực hiện động tác gập và duỗi gối. Có thể có tiếng lạo xạo trong khớp gối khi cử động.
- Khớp cứng và khó cử động sau khi bất động lâu, hoặc vào buổi sáng khi bắt đầu vận động, thường cải thiện nhanh sau khi người bệnh cố gắng cử động.
- Khớp gối có thể sưng to, có nước nhưng hiếm khi có dấu hiệu viêm nặng (sưng nóng đỏ đau).
- Teo cơ ở mặt trước đùi do không vận động.
- Chân bị lệch trục kiểu vòng kiềng.



Linh Ly H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Cơ xương khớp