Thoái hóa khớp chữa khỏi được không?

Thoái hóa khớp không có thuốc chữa khỏi hẳn, chỉ có thể làm chậm lại quá trình thoái hóa

Thoái hóa khớp gối ở người cao tuổi – Phải làm sao?

Gia tăng tình trạng thoái hóa khớp khi dùng thuốc giảm đau

Đối phó với bệnh thoái hóa khớp khi trời lạnh

Chữa thoái hóa khớp bằng cách nào?

Hơn 78% bệnh nhân thoái hóa khớp gối là người béo phì

Thoái hóa khớp là gì?

Thoái hóa khớp có biểu hiện lâm sàng bởi đau khớp và cột sống mạn tính, không có biểu hiện viêm. Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa của sụn khớp và đĩa đệm, những thay đổi ở phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch. Nguyên nhân chính của bệnh là quá trình lão hóa và tình trạng chịu áp lực quá tải và kéo dài của sụn khớp. Tuy không gây tử vong như tăng huyết áp, đái tháo đường nhưng bệnh ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt do triệu chứng đau, tê, hạn chế cử động...

Thoái hóa khớp là căn bệnh đang được quan tâm với số liệu đáng báo động. Liên Hợp Quốc ước tính hiện có khoảng 10% dân số thế giới độ tuổi trung niên có các dấu hiệu lâm sàng của thoái hóa khớp. Đến năm 2050, thế giới sẽ có 130 triệu người bị thoái hóa khớp, và 1/3 trong số này gánh chịu mức độ tàn phế nghiêm trọng. Riêng tại Việt Nam, hiện có khoảng 3,8 triệu người mắc bệnh thoái hóa khớp gối.

Thoái hóa khớp không phải là bệnh của riêng người lớn tuổi. Nó có thể phát triển từ những tháng đầu tiên của cuộc đời. Khoảng 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên 65 và 85% người trên tuổi 80 có nguy cơ mắc bệnh. Khoảng 2/3 số bệnh nhân là phụ nữ. Sau tuổi 45, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn nam giới (gấp khoảng 1,5 - 2 lần). Thoái hóa khớp hay tấn công phụ nữ trẻ sau thời kỳ mang thai và sinh nở, gây ra các cơn đau đớn kéo dài.

Liên Hợp Quốc ước tính hiện có khoảng 10% dân số thế giới độ tuổi trung niên có các dấu hiệu lâm sàng của thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp thường tiến triển chậm

Vào giai đoạn khởi phát, người bệnh chỉ cảm thấy đau nhức sau một vài động tác nhỏ. Một số trường hợp còn không cảm thấy đau đớn ở giai đoạn này. Chỉ có khoảng 1/3 bệnh nhân có biểu hiện bệnh trên phim X-quang. Cũng có nhiều trường hợp thoái hóa khớp trong giai đoạn sớm nên hình ảnh khớp trên X-quang vẫn còn bình thường. Nhưng đừng vì thế mà chủ quan không điều trị, vì đây là giai đoạn điều trị và phòng ngừa cho kết quả tốt nhất.

Thông thường, bệnh nhân có các biểu hiện sau: Đau âm ỉ ở phần tiếp nối giữa hai đầu xương và cứng khớp (xảy ra theo định kỳ như khi vừa ngủ dậy hoặc đứng lên), sưng tấy tại một hoặc nhiều khớp, có tiếng lạo xạo, lụp cụp khi co duỗi khớp gối, càng vận động càng đau nhiều. Nếu có cảm giác nóng, đỏ và sưng tại các khớp nghĩa là thoái hóa khớp đi kèm một căn bệnh khác.

Thoái hóa khớp thường xảy ra ở những vị trí sau:

- Ngón tay: Tỷ lệ thoái hóa khớp ngón tay ở phụ nữ cao hơn đàn ông (đặc biệt là phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh). Các cục bướu nhỏ, cứng xuất hiện tại điểm cuối của các đốt ngón tay, khiến ngón tay bị to và biến dạng, thô thiển, đi kèm cơn đau.

- Cột sống, thắt lưng: Hay gặp từ đốt sống thắt lưng trở xuống, đôi khi ảnh hưởng đến thần kinh tọa, khiến người bệnh có cảm giác đau rất mạnh từ lưng xuống chân, như có luồng diện chạy từ trên xuống.

- Đốt sống cổ: Biểu hiện bằng cảm giác đau mỏi ở phía sau gáy, lan đến cánh tay ở bên có dây thần kinh bị ảnh hưởng.

- Gót chân: Bệnh nhân có cảm giác bị thốn ở gót chân vào buổi sáng, lúc bước chân xuống giường và đi vài bước đầu tiên. Sau khi đi được vài chục mét, cảm giác đau giảm nhiều, bệnh nhân đi đứng bình thường.

- Khớp gối: Người bệnh ngồi xổm và đứng dậy rất khó khăn, nhiều khi phải níu vào một vật khác để đứng dậy, nặng hơn sẽ thấy tê chân, biến dạng nhẹ khớp gối.

Thoái hóa khớp gối

- Khớp háng: Người bệnh đi lại khó khăn ngay từ đầu vì khớp háng chịu sức nặng cơ thể nhiều nhất.

Điều trị thoái hóa khớp

Hiện có hai phương pháp điều trị là dùng thuốc và không dùng thuốc. Trong điều trị không dùng thuốc (thường được chỉ định cho trường hợp nhẹ), bác sỹ áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu như chườm nóng, chiếu đèn hồng ngoại, dùng máy phát sóng ngắn hay siêu âm, xung điện giảm đau. Vận động liệu pháp cũng có hiệu quả trong giai đoạn cơn đau đã thuyên giảm. Lúc đau nhiều, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, tránh cho khớp phải hoạt động.

Các thuốc thường dùng trong điều trị thoái hoá khớp:

- Thuốc giảm đau, chống viêm (paracetamol, aspirin, meloxicam, diclofenac): Dùng các thuốc giảm đau, chống viêm từ nhẹ đến nặng (các thuốc này chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng tạm thời). Nói chung nên hạn chế dùng kéo dài vì những tác dụng không mong muốn của thuốc như loét dạ dày - tá tràng...

- Thuốc bổ sung chất nhày cho khớp: Sử dụng những chế phẩm có cấu trúc phân tử gần giống như dịch khớp tiêm vào ổ khớp. Chỉ tiêm khi có hiện tượng đau, khô khớp, khó vận động và thường tiêm vào khớp gối.

- Thuốc dinh dưỡng sụn khớp như glucosamin sulfat. Gần đây chất này được nghiên cứu để điều trị thoái hóa khớp do có tác dụng tăng cường tái tạo sụn, ức chế các men phá hủy sụn, giảm dần quá trình viêm đau khớp, làm chậm quá trình thoái hóa khớp.

- Các thuốc bôi, xoa ngoài: Tùy theo thành phần hoạt chất trong đó có tác dụng giãn mạch, tăng tuần hoàn tại chỗ, giãn cơ.

- Các thuốc bổ: Các thuốc bổ gân, bổ xương... (có giá trị về mặt tâm lý hơn là giá trị thực tế).

Hiệu quả điều trị của thuốc sẽ tốt hơn nếu được kết hợp với vật lý trị liệu và các liệu pháp vận động khác. Khi khớp bị tổn thương quá nặng, mất khả năng vận động phải thay khớp.

Thoái hóa khớp không có thuốc chữa khỏi hẳn, chỉ có thể làm chậm lại quá trình này bằng tập luyện, vận động đúng mức, phù hợp với tình trạng sức khỏe. Tuyệt đối không nên tăng cân (vì nếu tăng lên 1kg thì khớp phải chịu đựng sức nặng tăng gấp 5 lần), tránh các động tác có hại cho khớp và chỉnh các dị dạng bất thường của khớp. Nên xin tham vấn ý kiến chuyên gia về việc bổ sung thêm vitamin C và D bằng các loại thực phẩm bổ sung nếu cần thiết.
Bảo Nhi H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Cơ xương khớp