Sân Mỹ Đình từ là bộ mặt của thể thao Việt Nam, là niềm tự hào của người Việt thành nỗi thất vọng - Ảnh: tuoitre
Rõ ràng mọi thứ là không đơn giản như cách nghĩ của Ban Quản lý sân Mỹ Đình. Họ có lẽ về cơ bản chỉ xem đây là một cái sân vận động đơn thuần để tổ chức trận bóng đá hay các giải thể thao. Trong khi trên thực tế, cái danh Sân vận động Quốc gia đã nói lên nhiều điều hơn thế, đó là bộ mặt, là hình ảnh tầm cỡ đại diện cho cả Quốc gia, khác xa với những sân vận động khác như Hàng Đẫy, sân Lạch Tray hay Thống Nhất…
Sân vận động Quốc gia, chỉ cái tên thôi người ta cũng hiểu đây là sân để tổ chức những sự kiện lớn tầm cỡ quốc tế hay sự kiện trang trọng tầm quốc gia. Thế nhưng nếu nhìn vào sân Mỹ Đình hiện tại, người ta phải ngán ngẩm cảm thán rằng bộ mặt Quốc gia gì mà nhếch nhác thế, xuống cấp thế. Mặt sân cỏ vốn là niềm tự hào thì nay chẳng khác nào thửa ruộng cằn, khán đài thì bẩn bụi, bậc cầu thang nứt nẻ, khán đài C và D sụp lún, dột nước ở nhiều chỗ, nhà vệ sinh bốc mùi hôi thối... … Ngay đến cả những người dễ tính nhất cũng không chấp nhận nổi cái thực tế ấy chứ đừng nói CĐV đội khách.
Suốt nhiều ngày qua, có không ít bài viết phản ánh về sự xuống cấp này và đáng buồn là BTC sân Mỹ Đình chẳng có động thái nào rõ ràng để cải thiện tình hình, thậm chí còn kiếm cớ thoái thác hay chấp nhận sự xuống cấp đó và cho rằng không có chuyện gì lớn. Ban quản lý Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp cho chất lượng sân vận động thậm chí còn từ chối trả lời các câu hỏi của phóng viên.
Chuyện không còn là nhỏ nữa khi ngay đến cả Thủ tướng Phạm Minh Chính vốn bận trăm công nghìn việc cũng phải than thở sau chuyến “vi hành” đến Mỹ Đình xem trận Việt Nam - Myanmar. Tại hội nghị tổng kết Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Thủ tướng thậm chí cũng phải có lời chỉ đạo BTC sân phải có kế hoạch rà soát, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các công trình phục vụ thi đấu thể thao.
Liên quan đến vấn đề này, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản 74/VPCP-KGVX ngày 5/1/2023 về việc báo cáo về thực trạng hệ thống cơ sở thi đấu thể thao. Cụ thể, thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày ngày 18/6/2022, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống cơ sở thi đấu thể thao, nhất là các cơ sở thuộc quyền quản lý của Bộ; khuôn khổ pháp lý và tình hình thực hiện đầu tư nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng chất lượng công trình hằng năm, làm rõ những khó khăn, vướng mắc.
Đề xuất giải pháp phù hợp bảo đảm thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, yêu cầu thực tế cho các hoạt động thi đấu thể thao và các hoạt động văn hóa, thể thao khác; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 01 năm 2023.
Thực tế là Thủ tướng mượn chuyện sân vận động Mỹ Đình để bàn về công tác xây dựng thể chế của Bộ KH&ĐT, trong đó có việc sửa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư. Nhưng rõ ràng Thủ tướng nhận xét rõ về chuyện Ban Quản lý sân Mỹ Đình đã không có phương án để quản lý và khai thác một cách hợp lý nhất và chỉ chăm chăm đợi ngân sách hỗ trợ của nhà nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ: “Ngồi ở Sân vận động Mỹ Đình, tôi nói Giám đốc sân Nguyễn Trọng Hổ làm đề án đi (đề án hợp tác công tư - PV), khai thác cả sân vận động lớn mà không khai thác được, cứ trông chờ vào tiền Nhà nước, một trận bóng đá mất nhiều tiền thì mình phải khai thác hợp tác công tư, đó là vấn đề nghiên cứu kỹ”.
Thủ tướng cho rằng: "Hợp tác công tư không chỉ ở lĩnh vực giao thông vận tải, hạ tầng mà cần nhân rộng ra. Hợp tác công tư rất phong phú, như quản lý công viên, trụ sở, sân vận động, quản lý nhà khách, quản lý bảo tàng…. đều có thể hợp tác công tư được”.
Khu liên hợp thể thao quốc gia là đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính 100%. Thế nhưng do quản lý lỏng lẻo từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao đã để lãnh đạo khu liên hợp giai đoạn từ 2009 - 2018 mắc nhiều sai phạm. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tổng số tiền nợ thuế của khu liên hợp đến thời điểm này đã lên tới 855 tỉ đồng.
Là đơn vị tự chủ tài chính nhưng cơ chế cho khu liên hợp tự chủ có nhiều bất cập. Điều đó dẫn đến việc khu liên hợp không có nguồn thu, lương trả cho nhân viên không đủ khiến nhiều người phải nghỉ việc. Trả tiền điện, nước, vệ sinh... cũng là áp lực đối với khu liên hợp lúc này. Việc sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở vật chất tại đây vì vậy hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. (theo Tuoitre.vn).
Chỉ đạo cụ thể đã được đưa ra, Ban Quản lý sân Mỹ Đình chắc chắn chẳng có lý do gì để ngồi yên nữa cả. Việc cải tạo, duy tu hay bảo dưỡng sân có thể không hoàn thành trong ngày một, ngày hai nhưng đó là việc cần làm. Năm 2023 đã bắt đầu và chắc chắn có nhiều sự kiện thể thao, đại hội lớn cấp Quốc gia sẽ được tổ chức. Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình dĩ nhiên là nơi được lựa chọn và nếu không nhanh chóng bắt tay vào duy tu, cải tạo, để sân không kịp đưa vào khai thách thì đó chắc chắn sẽ là lỗi lớn của Ban Quản lý sân.
Sân vận động quốc gia Mỹ Đình là một sân vận động đa năng ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội với sức chứa gần 42.000 chỗ ngồi và là trung tâm của Khu liên hợp thể thao quốc gia Việt Nam. Sân chính thức khánh thành vào tháng 9/2003 và là địa điểm thi đấu chính của SEA Games 2003 vào cuối năm đó, bao gồm tổ chức lễ khai mạc, bế mạc cũng như các nội dung thi đấu môn điền kinh và các trận đấu môn bóng đá nam. Đây cũng là sân nhà chính của các ĐT bóng đá Việt Nam tại các giải đấu quốc tế kể từ năm 2003.
Tháng 12/2020, sau hơn 17 năm được đưa vào sử dụng, sân vận động quốc gia Mỹ Đình đã chính thức được nâng cấp, sửa chữa với khoản tiền lên đến 150 tỷ nhằm phục vụ SEA Games 31 diễn ra vào năm sau. Tuy nhiên từ đó tới nay, mọi thứ đã xuống cấp. Mặt cỏ sân Mỹ Đình được nhắc đến nhiều nhất khi không có sự chăm sóc tốt dẫn đến cỏ chết, nền đất lộ ra từng ô khiến việc thi đấu trở nên khó khăn. Điều này được thể hiện rõ ở 2 trận đấu gần nhất của ĐT Việt Nam tại AFF Cup.
Bình luận của bạn