Các chuyên gia y tế chia sẻ quan điểm về trào lưu lọc máu để phòng ngừa bệnh tật trên mạng xã hội.
Suy thận độ mấy phải chạy thận?
Dự báo nguy cơ đột quỵ dựa trên sức khoẻ đường ruột
Chế độ ăn cho người suy thận không lọc máu chu kỳ
"Mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu lọc máu của bệnh nhân suy thận"
Đây là chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Bộ môn Nội tổng hợp Trường Đại học Y Hà Nội, Khoa Nội Thận - Tiết niệu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở Hoàng Mai trước tình trạng thời gian gần đây, mạng xã hội liên tục xuất hiện quảng cáo về các phương pháp lọc máu có khả năng phòng ngừa đủ loại bệnh như: thải độc, loại bỏ mỡ máu hay ngăn ngừa đột quỵ...
Chỉ cần tìm kiếm cụm từ "lọc mỡ máu" trên mạng xã hội, có thể thấy hàng loạt quảng cáo với những lời tung hô tác dụng thần kỳ như: "giúp giảm mỡ máu, cải thiện cholesterol, ngăn ngừa đột quỵ, tiểu đường, gan nhiễm mỡ".
Thậm chí, một số cơ sở y tế còn tổ chức dịch vụ đưa khách hàng ra nước ngoài như Đức, Nhật Bản, Singapore để thực hiện "lọc máu". Việc này đặt ra nhiều câu hỏi về tính khoa học, an toàn và hiệu quả thực sự của phương pháp này trong việc phòng ngừa đột quỵ.
Trong bài đăng mới đây trên trang cá nhân, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ, gần đây ông thấy nhiều người rủ nhau đi lọc máu để loại bỏ mỡ máu và nhiều bệnh khác. Nhiều cơ sở "nổ" rằng chỉ cần lọc máu không những xóa bỏ mỡ máu mà còn loại bỏ máu xấu sẽ ngăn ngừa đột quỵ, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ... Thậm chí còn đi sang Singapore, sang Nhật để lọc máu.
"Nếu chỉ cần 2-3 giờ với chi phí chưa đến chục triệu đồng mà phòng ngừa được đột quỵ, hết cả mỡ máu, tiểu đường... thì chắc bác sĩ tim mạch như tôi thất nghiệp" - BS Nguyễn Lân Hiếu lên tiếng phản bác.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, một phương pháp thực sự hiệu quả sẽ được đưa vào hướng dẫn điều trị của các hội chuyên ngành. Tuy nhiên, cho đến nay, không có bất kỳ khuyến cáo nào về việc lọc máu như một phương pháp dự phòng đột quỵ hay thanh lọc cơ thể.
Trên thực tế, lọc máu chỉ được chỉ định khi cần điều trị bệnh lý có chẩn đoán xác định, chẳng hạn như suy thận, suy tim, nhiễm khuẩn nặng, viêm tụy cấp. Đây là phương pháp đã được chứng minh cứu sống nhiều bệnh nhân, nhưng hoàn toàn không có tác dụng phòng ngừa nếu áp dụng tùy tiện.
PGS. Hiếu cũng đặt ra một câu hỏi quan trọng: "Nếu các bạn đi sang nước ngoài để thanh lọc cơ thể, hãy tự hỏi liệu nước sở tại có chi trả bảo hiểm cho phương pháp này không? Câu trả lời chắc chắn là không".
Điều này cho thấy, ngay cả những quốc gia có hệ thống y tế tiên tiến cũng không công nhận lọc máu là biện pháp phòng ngừa bệnh. Việc bỏ tiền để thực hiện một thủ thuật xâm lấn mà hiệu quả chưa được chứng minh là vô ích, thậm chí tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe.
Vậy lọc máu là gì? Người bình thường có thể phòng bệnh bằng phương pháp này được không?

Bệnh nhân suy thận mạn đang lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai - Ảnh: Sức Khỏe+.
Liên quan vấn đề áp dụng kỹ thuật lọc máu trong điều trị bệnh, Tạp chí Sức Khỏe+ dẫn lời bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, khoa Nội thận - tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (cơ sở Hoàng Mai) khẳng định, lọc máu là kỹ thuật “làm sạch máu” trong cơ thể nhằm mục đích điều trị những rối loạn bệnh lý mà không thể điều trị bằng các biện pháp thông thường như dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Mục đích của lọc máu nhằm loại bỏ trực tiếp và nhanh chóng các độc tố, những thành phần dư thừa hoặc những tác nhân gây bệnh ra khỏi máu của người bệnh.
Theo bác sĩ Thanh, nguyên lý chung của kỹ thuật này là máu của bệnh nhân được đưa ra khỏi cơ thể thông qua các kim hoặc ống thông vào tĩnh mạch, dẫn máu qua một hệ thống ống dẫn (dây lọc), đến hệ thống màng lọc. Sau đó máu được trao đổi chất và "làm sạch" tại màng lọc (quả lọc) và được trả lại cơ thể người bệnh.
Kỹ thuật lọc máu được áp dụng với 3 lĩnh vực lâm sàng chính là: lọc máu cho người bị ngộ độc, hỗ trợ cho những bệnh nhân bị suy chức năng các cơ quan như lọc máu cho bệnh nhân bị suy thận cấp và suy thận mạn tính, lọc máu cho bệnh nhân bị suy gan; điều chỉnh các rối loạn chuyển hóa và miễn dịch, như các bệnh tự miễn dịch. Như vậy lọc máu là kỹ thuật chuyên sâu và hiện đại được chỉ định cho những trường hợp mắc các bệnh lý nghiêm trọng thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Nhiều người cho rằng mỡ máu cao có thể gây đột quỵ, nên cứ nghĩ bị mỡ máu cao chỉ cần đi lọc máu sẽ giúp phòng ngừa đột quỵ, bác sĩ Thanh cho rằng đây là "quan điểm hết sức sai lầm". Theo chuyên gia Nội thận - tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, quan điểm mỡ máu cao có thể gây đột quỵ cũng đúng nhưng chưa đầy đủ. Rối loạn mỡ máu kéo dài là yếu tố nguy cơ tim mạch cần phải can thiệp do nguy cơ gây xơ vữa mạch máu và tổn thương thành mạch, gia tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, có thể gây các biến chứng như nhồi máu cơ tim và nhồi máu não (tắc mạch não).

Quảng cáo phương pháp lọc máu giúp loại bỏ mỡ máu, ngăn ngừa đột quỵ...trên mạng xã hội - Ảnh: Chụp màn hình
Nếu chỉ bị mỡ máu cao nhưng người bệnh được phát hiện, điều trị và kiểm soát tốt sẽ giảm thiểu khả năng dẫn đến đột quỵ. Tuy nhiên, rối loạn mỡ máu hay mỡ máu cao chỉ là một trong rất nhiều nguy cơ khác của đột quỵ như tăng huyết áp, tiểu đường, thừa cân và béo phì, hội chứng chuyển hóa, xơ vữa và hẹp động mạch nội sọ hoặc các động mạch cấp máu cho não, dị dạng mạch máu não, nghiện thuốc lá, lạm dụng rượu bia, mỡ máu cao, người cao tuổi, người bị suy thận mạn.
Vì vậy, theo bác sĩ Thanh, mỡ máu cao có thể dẫn đến đột quỵ hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, và để phòng ngừa đột quỵ cần phải kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ chứ không chỉ điều chỉnh mỡ máu.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, hiện Việt Nam chưa có hướng dẫn và chỉ định lọc mỡ máu để điều trị hay dự phòng đột quỵ. Kỹ thuật lọc mỡ máu hiện tại chỉ được chỉ định và áp dụng cho những trường hợp viêm tụy cấp kèm theo một chỉ số mỡ máu là triglycerid tăng cao.
Đối với những người bình thường, chỉ số mỡ máu tăng cao nhưng chưa có biểu hiện về mặt lâm sàng cũng không cần phải lọc máu. Lọc máu để phòng ngừa đột quỵ như thông tin quảng cáo hay tư vấn của một số cơ sở y tế là không hợp lý và chưa có đủ căn cứ khoa học. Vì vậy, người dân cần thận trọng, không nên tin vào quảng cáo hay lạm dụng lọc mỡ máu sẽ rất nguy hiểm.
Việc lạm dụng lọc máu có thể gặp những biến chứng đe dọa đến tính mạng của người bệnh do nguy cơ xảy ra các biến chứng liên quan đến lọc máu như: chóng mặt, đau đầu, buồn nôn và nôn, tụt huyết áp, đau ngực, đau lưng, chuột rút, sốt, dị ứng dây quả lọc, sốc phản vệ, mất máu do chảy máu, rối loạn nhịp tim và ngừng tim, tắc mạch do khí đi vào hệ thống tuần hoàn, chảy máu do sử dụng thuốc chống đông, tai biến mạch máu não trong và sau lọc máu, nhiễm trùng đường vào mạch máu,…
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng đột quỵ, ung thư hay các bệnh lý mạn tính khác thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm rối loạn chuyển hóa, lối sống không lành mạnh hoặc yếu tố bẩm sinh. Không có phương pháp đơn lẻ nào có thể phòng ngừa hoàn toàn những bệnh này.
Thay vì tìm kiếm các liệu pháp "thần kỳ", mọi người nên tập trung vào chăm sóc sức khỏe toàn diện: duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, không hút thuốc, hạn chế rượu bia và tập thể dục thường xuyên...Người dân cũng cần đi khám bệnh định kỳ để sớm phát hiện các rối loạn và cần được tư vấn bởi các bác sĩ có chuyên môn trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị bệnh nào để tránh "tiền mất tật mang".
Bình luận của bạn