Đường ruột và não bộ có mối liên hệ mật thiết, ảnh hưởng lẫn nhau
8 thói quen có hại với sức khỏe nhận thức
Lợi ích tuyệt vời của nước ép củ dền với não bộ
Tập thể dục vào cuối tuần: Liệu có đủ tốt cho não bộ?
Ăn nhiều rau xanh giúp làm chậm quá trình lão hóa não bộ
Mối liên hệ giữa hệ vi sinh vật và đột quỵ
Hệ vi sinh vật trong khoang miệng tương tự như hệ vi sinh vật đường ruột. Chúng kết hợp và tạo thành một hệ sinh thái phức tạp và có mối quan hệ tương tác chặt chẽ. Sự cân bằng tinh tế giữa các chủng vi khuẩn trong hai hệ thống này có thể ảnh hưởng lẫn nhau. Khi một hệ thống bị xáo trộn, hệ thống còn lại cũng dễ bị tác động, tạo thành một vòng luân chuyển mất cân bằng.
Có nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa hệ vi sinh vật đường ruột và tình trạng viêm mạn tính, một yếu tố nguy cơ hàng đầu của nhiều bệnh lý không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường và ung thư. Điều đáng chú ý là đột quỵ, cũng được cho là có liên quan đến sự mất cân bằng của hệ vi sinh vật đường ruột. Các nghiên cứu trước đây đã ghi nhận sự thay đổi đáng kể trong cấu trúc cộng đồng vi khuẩn đường ruột ở những bệnh nhân đột quỵ. Điều này đã mở ra một hướng nghiên cứu mới, tập trung vào vai trò của hệ vi sinh vật ngoài não bộ trong quá trình phát sinh và phục hồi sau đột quỵ.
Tại Hội nghị đột quỵ quốc tế năm 2025 của Hiệp hội Đột quỵ Mỹ (American Stroke Association’s International Stroke Conference 2025), các nhà khoa học đã trình bày những phát hiện ban đầu về mối liên hệ giữa hệ vi sinh vật đường ruột và miệng với nguy cơ đột quỵ. Những kết quả này hứa hẹn mở ra những hướng nghiên cứu sâu hơn, góp phần làm sáng tỏ cơ chế bệnh sinh của đột quỵ và tìm ra các phương pháp điều trị mới hiệu quả.
Cơ thể con người là nơi sinh sống của hàng nghìn tỷ vi sinh vật, bao gồm cả vi khuẩn có lợi và có hại. Cộng đồng vi sinh vật này, được gọi là hệ vi sinh vật, cư trú chủ yếu ở đường ruột và khoang miệng. Mặc dù không thể loại bỏ hoàn toàn các vi sinh vật gây hại nhưng mục tiêu chính là duy trì sự cân bằng hệ vi sinh vật, ưu tiên sự phát triển của các chủng vi khuẩn có lợi.
![Hệ vi sinh vật đường ruột là một tập hợp nhiều vi khuẩn trong đó có 2 loại chính là lợi khuẩn và hại khuẩn.](https://media.suckhoecong.vn/Images/2025/02/14/he-vsv-10511014-250214105110.jpg)
Hệ vi sinh vật đường ruột là một tập hợp nhiều vi khuẩn trong đó có 2 loại chính là lợi khuẩn và hại khuẩn.
Kết quả của nghiên cứu
Theo đó, nghiên cứu đã tiến hành phân tích hệ vi sinh vật đường ruột và miệng của 250 người Nhật Bản, trung bình 70 tuổi, trong đó 40% là nữ. Các đối tượng được chia thành 2 nhóm: nhóm bệnh nhân đột quỵ cấp tính (200 người) và nhóm đối chứng khỏe mạnh (50 người).
Các mẫu phân và nước bọt được thu thập trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 2020 đến tháng 7 năm 2021. Nhóm nghiên cứu đã so sánh thành phần vi sinh vật giữa hai nhóm và theo dõi các đối tượng trong 2 năm để đánh giá mối liên quan giữa hệ vi sinh vật và nguy cơ tử vong hoặc các biến cố tim mạch khác.
Kết quả nghiên cứu cho thấy vi khuẩn Streptococcus anginosus (liên quan tới tình trạng abcess miệng và áp xe thuỳ trán não) có tỷ lệ xuất hiện cao hơn đáng kể ở cả khoang miệng và đường ruột của nhóm bệnh nhân đột quỵ so với nhóm đối chứng. Cụ thể:
- Vi khuẩn S. anginosus trong đường ruột liên quan đến nguy cơ đột quỵ cao hơn 20% ngay cả sau khi điều chỉnh các yếu tố nguy cơ mạch máu khác.
- Ngược lại, vi khuẩn Anaerostipes hadrus và Bacteroides plebeius, 2 loại vi khuẩn đường ruột có lợi, lại có liên quan đến việc giảm nguy cơ đột quỵ lần lượt là 18% và 14%.
- Trong giai đoạn theo dõi, bệnh nhân đột quỵ mang vi khuẩn S. anginosus có nguy cơ tử vong và các biến cố tim mạch lớn cao hơn đáng kể so với những bệnh nhân không mang vi khuẩn này.
- Trong khi đó, bệnh nhân đột quỵ mang vi khuẩn A. hadrus và B. plebeius lại có kết quả dự báo tốt hơn, cho thấy tác dụng bảo vệ của các loài vi khuẩn có lợi này.
Vậy có thể áp dụng như thế nào trong thực tế?
Tác giả chính của nghiên cứu, TS. Shuichi Tonomura, BS Trung tâm Tim mạch và Thần kinh quốc gia (Osaka, Nhật Bản) đã chia sẻ, trong tương lai gần, con người hoàn toàn có thể sở hữu một công cụ chẩn đoán nhanh, đơn giản và hiệu quả để phát hiện các chủng vi khuẩn gây hại cư trú trong khoang miệng và đường ruột. Công cụ này được hình dung như một loại tăm bông lấy mẫu dịch miệng, sẽ đóng vai trò then chốt trong việc đánh giá nguy cơ đột quỵ ở mỗi cá nhân. TS. Tonomura tin rằng bằng cách nhắm mục tiêu vào những vi khuẩn gây bệnh kể trên, y học có thể tiến một bước dài trong công cuộc phòng ngừa đột quỵ.
Trước khi kết quả nghiên cứu này được công bố rộng rãi, việc duy trì hệ vi sinh vật đường ruột và khoang miệng khỏe mạnh là điều vô cùng quan trọng. Bằng cách bổ sung thường xuyên các thực phẩm lên men như sữa chua, kefir, kim chi, dưa cải bắp, miso và tempeh, đường ruột sẽ nhận được lượng lớn các lợi khuẩn. Ngoài ra, một trong những biện pháp hữu hiệu là đảm bảo vệ sinh răng miệng đúng cách. Cụ thể, mỗi người nên đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa 1 lần mỗi ngày. Bên cạnh đó, việc uống đủ nước và hạn chế đồ uống có đường cũng góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn sức khỏe răng miệng. Cuối cùng, nên thăm khám nha khoa định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện và điều trị sớm các vấn đề răng miệng.
Bình luận của bạn