- Chuyên đề:
- Ngăn ngừa vẩy da
Chế độ ăn của người bệnh vảy nến nên hạn chế thực phẩm là chất xúc tác cho phản ứng viêm
Tìm hiểu về vảy nến thể mủ
Người bị vảy nến nên ăn gì để phục hồi làn da?
Những ai có nguy cơ mắc bệnh vảy nến da đầu?
Cách dùng tinh dầu tràm trà cho người bệnh vảy nến
Vảy nến là một bệnh lý viêm mạn tính dẫn đến tăng sinh và biệt hóa bất thường của tế bào sừng. Các đợt cấp tái phát gây ra các mảng da dày, có màu đỏ và đóng vảy.
Vảy nến còn có liên quan tới một số rối loạn chuyển hóa như bệnh lý viêm ruột, hội chứng ruột kích thích… Vì vậy, chiến lược dinh dưỡng phù hợp có thể giúp người bệnh hạn chế triệu chứng vảy nến cũng như ngăn bệnh tái phát.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Annie Scott – Bệnh viện Swedish (Chicago, Mỹ), cắt giảm một số nhóm thực phẩm không lành mạnh khỏi chế độ ăn có thể giúp người bệnh vảy nến cải thiện triệu chứng ngoài da. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo bác sĩ điều trị để có chế độ ăn kiêng cá nhân hóa, phù hợp nhất với thể trạng.
Giai đoạn “ăn kiêng” với người bệnh vảy nến có thể kéo dài khoảng 30-90 ngày, hoặc tới khi các triệu chứng thuyên giảm. Sau đó, khi được bác sĩ cho phép, bạn có thể từ từ ăn lại các thực phẩm, đồ uống đó để tránh nguy cơ suy dinh dưỡng, thiếu hụt vi chất. Quá trình này đòi hỏi người bệnh kiên nhẫn, phối hợp với chuyên gia để tìm ra thực phẩm nào là nguyên nhân khiến các đợt cấp bùng phát.
Dưới đây là những nhóm thực phẩm dễ kích hoạt phản ứng viêm nhất, thường được khuyến nghị hạn chế để kiểm soát vảy nến:
Đồ chiên rán
Các món chiên ngập dầu như gà rán, khoai chiên thường chứa nhiều calo cũng như chất béo. Tăng cân sẽ khiến tình trạng viêm ở các mô mỡ kéo dài, tăng nguy cơ bùng phát vảy nến. Bạn nên lựa chọn các món ăn được chiên không dầu, nướng hoặc hấp trong quá trình “ăn kiêng” kiểm soát bệnh.
Thịt đỏ
Các acid béo bão hòa và sắt heme trong thịt đỏ có thể góp phần thúc đẩy phản ứng viêm. Bạn nên ưu tiên bổ sung protein từ thịt gà, cá, sản phẩm từ đậu, trứng, các loại hạt an toàn mà bản thân không bị dị ứng.
Chế phẩm từ sữa
Sữa, sữa chua hay phô mai đều chứa lượng acid béo bão hòa đáng kể, cùng casein – protein khó tiêu với một số người. Đặc biệt, đối tượng bất dung nạp lactose nên hạn chế sản phẩm từ sữa trong chế độ ăn nhằm giảm kích ứng đường tiêu hóa cũng như cải thiện triệu chứng vảy nến.
Đồ uống có cồn
Lạm dụng rượu, bia khiến triệu chứng vảy nến trở nặng. Đồ uống có cồn cũng làm tổn thương hệ vi sinh đường ruột, diệt các lợi khuẩn vốn tạo nên hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân kích thích hệ miễn dịch.
Đường phụ gia và carb tinh chế
Chế độ ăn chứa quá nhiều đường phụ gia và các loại bột mì tinh chế (qua tẩy trắng, loại bỏ chất xơ) cũng góp phần gây ra viêm mạn tính. Nếu là người “hảo ngọt”, bạn hãy ăn trái cây (tươi hoặc sấy khô đều được). Khi dùng đồ ăn vặt và nước xốt chế biến sẵn, hãy chọn sản phẩm ít đường.
Một số loại rau củ ưa bóng râm
Hoạt chất solanine có trong một số loại rau ưa bóng râm như cà chua, cà tím, ớt, khoai tây… có thể kích hoạt phản ứng viêm trong cơ thể của một số người. Tuy chưa có kết luận chính xác về tác động của nhóm rau củ này với bệnh vảy nến, nhưng bạn vẫn nên thận trọng khi sử dụng.
Thực phẩm chứa gluten
Người mắc vảy nến cũng có nguy cơ mắc bệnh Celiac – không dung nạp gluten. Gluten là protein có trong bột mì và sản phẩm làm từ bột mì. Nghiên cứu cho thấy một vài người bệnh thấy các đợt bùng phát bớt dần khi kiêng gluten. Bạn nên chọn ngũ cốc nguyên hạt như gạo, ngô và thực phẩm không chứa gluten.
Bình luận của bạn