Thực phẩm giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường

Ăn nho có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường

Ăn thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2

Người bệnh đái tháo đường nên ăn trái cây thế nào mới tốt?

Vì sao người bị đái tháo đường cần kiểm soát việc ăn muối?

Mất ngủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2 ở phụ nữ

Theo The Sun, hơn 5 triệu người Anh đang sống chung với bệnh đái tháo đường. Số ca mắc bệnh đã tăng gấp đôi trong 15 năm qua. Dịch vụ y tế Quốc gia (NHS) phải chi trả ít nhất 10 tỷ bảng Anh mỗi năm cho căn bệnh này.

Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường ở trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả 2, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng. Nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Tuy nhiên, một số thực phẩm quen thuộc có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Cụ thể:

Quả nho

Một nghiên cứu cho thấy, ăn nho có thể làm giảm 10% nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), việc tăng lượng trái cây hàng ngày là một cách để quản lý nguy cơ mắc bệnh này. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận thấy không phải tất cả các loại trái cây đều có tác dụng như nhau khi xét đến bệnh đái tháo đường.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Gia đình Hàn Quốc, đã theo dõi thói quen ăn uống ở người lớn từ 40 đến 69 tuổi. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, ăn một khẩu phần nho mỗi tuần giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, nhưng ăn bất kỳ loại trái cây nào khác lại làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên 2%.

Hojun Yu, làm việc tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul và là tác giả nghiên cứu, cho biết: “Phát hiện của chúng tôi cho thấy mối liên hệ giữa việc ăn một số loại trái cây và nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 2. Việc ăn nho có liên quan đáng kể đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh này".

Gạo lức

Theo Hội Đái tháo đường tại Anh (Diabetes UK), bánh mì trắng, gạo trắng và ngũ cốc ăn sáng có đường được gọi là carbs tinh chế có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2. Tuy nhiên các loại ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, mì ống nguyên hạt, bánh mì nguyên hạt và yến mạch lại có thể giúp ngăn ngừa bệnh. Vì vậy, hãy chọn những loại thực phẩm này để thay thế.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y học British Medical Journal (BMJ) cho thấy ăn hai khẩu phần gạo lứt trở lên mỗi tuần giúp giảm 12% nguy cơ mắc bệnh so với việc chỉ ăn một khẩu phần mỗi tháng.

Đậu xanh

Các loại đậu như đậu xanh có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường bằng cách tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống. Bên cạnh đó, chúng còn chứa nhiều protein, giúp bạn no lâu hơn và giảm nguy cơ béo phì - yếu tố nguy cơ chính của bệnh tiểu đường.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thực phẩm cho thấy, những phụ nữ ăn đậu xanh có lượng đường trong máu thấp hơn tới 36% so với những người ăn bánh mì trắng. Các nhà nghiên cứu cho biết họ cũng ít đói hơn sau bữa ăn.

Tasleem Zafar, thuộc Đại học Kuwait, cho biết: “Việc ăn đậu xanh có lợi cho việc kiểm soát đường huyết và có thể giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể thông qua việc ngăn chặn sự thèm ăn và lượng năng lượng nạp vào”.

Sữa chua

Theo Diabetes UK, sữa chua và phô mai là những sản phẩm từ sữa lên men, chúng có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng cho thấy ăn 80-125gr sữa chua mỗi ngày giúp giảm 14% nguy cơ mắc bệnh so với những người không ăn.

Salas-Salvado Jordi, thuộc Trung tâm nghiên cứu sức khỏe Pere Virgili ở Tây Ban Nha, cho biết: “Thêm sữa chua vào chế độ ăn uống lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 ở người khỏe mạnh và người lớn tuổi có nguy cơ tim mạch cao”.

 
Lê Tuyết (Theo The Sun)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nội tiết