Mất ngủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2 ở phụ nữ

Đái tháo đường và giấc ngủ có một mối liên hệ mật thiết với nhau.

Vì sao người bị đái tháo đường cần kiểm soát việc ăn muối?

Ngày Đái tháo đường Thế giới: Cần thúc đẩy tiếp cận chăm sóc bệnh

Podcast: Người bệnh đái tháo đường có nên kiêng hoa quả ngọt?

Hậu quả khó lường do mất ngủ

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia ở New York (Mỹ) đã lựa chọn 38 phụ nữ khỏe mạnh, trong đó có 11 người đã ở thời kỳ hậu mãn kinh. Tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu, những người phụ nữ này thường ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm.

Nghiên cứu bao gồm hai giai đoạn kéo dài 6 tuần và được thực hiện ngẫu nhiên. Ở giai đoạn đầu tiên, những người phụ nữ này được yêu cầu tiếp tục ngủ đủ giấc và đều đặn. Trong giai đoạn còn lại, họ được yêu cầu trì hoãn việc đi ngủ 90 phút trong khi vẫn duy trì thời gian thức dậy bình thường.

Sau thời gian theo dõi, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc trì hoãn thời gian ngủ 90 phút trong 6 tuần đã làm tăng tình trạng kháng insulin ở phụ nữ khỏe mạnh lên gần 15%. Trong khi đó, ở những phụ nữ hậu mãn kinh, tình trạng kháng insulin đã tăng hơn 20%.

Các nghiên cứu trước đây cũng đã chỉ ra rằng, thiếu ngủ toàn bộ hoặc một phần trong thời gian ngắn sẽ làm suy yếu quá trình chuyển hóa glucose. Ngoài ra, cũng có nhiều nghiên cứu cho rằng giấc ngủ kém có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe chuyển hóa tim mạch của phụ nữ so với nam giới.

Nhưng đây là phát hiện đầu tiên cho thấy tình trạng thiếu ngủ nhẹ chỉ trong 6 tuần cũng có thể gây ra những thay đổi trong cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường ở phụ nữ.

Tiến sĩ Marie-Pierre St-Onge, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Trong suốt cuộc đời của mình, phụ nữ phải đối mặt với nhiều thay đổi trong thói quen ngủ như do sinh con, nuôi con và mãn kinh. Nếu tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài thì những căng thẳng này sẽ tác động lên các tế bào sản xuất insulin, có thể khiến chúng ngừng hoạt động, cuối cùng dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2. Để hạn chế tình trạng này, điểm mấu chốt vẫn là ngủ đủ giấc mỗi đêm có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, đặc biệt là ở phụ nữ sau mãn kinh”.

Ngủ bao nhiêu là đủ?

Thời gian ngủ cần thiết của mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và hoạt động thể chất. Theo Tiến sĩ Richard Castriotta, chuyên gia về giấc ngủ tại Đại học Nam California (Mỹ), thời gian ngủ tối ưu cho người trưởng thành là từ 7 - 9 giờ mỗi đêm.

Thời lượng giấc ngủ của một người rất quan trọng nhưng chất lượng giấc ngủ của họ cũng vậy. Ngủ đủ giấc, khỏe mạnh, chất lượng tốt có rất nhiều lợi ích, bao gồm ít bị ốm hơn, giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh, giúp đưa ra quyết định tốt hơn, giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng. Chất lượng giấc ngủ được đánh giá dựa trên các yếu tố như:

- Thời gian ngủ sâu và ngủ mơ.

- Cảm giác tỉnh táo sau khi ngủ dậy.

- Mức độ mệt mỏi trong ngày.

Để có giấc ngủ đáp ứng đủ về cả lượng và chất, bạn nên thực hiện các biện pháp sau:

- Duy trì giờ đi ngủ và thức dậy đều đặn, ngay cả vào cuối tuần.

- Tạo môi trường ngủ thoải mái, yên tĩnh, tối và mát mẻ.

- Tránh sử dụng caffeine, rượu và các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.

- Tập thể dục thường xuyên nhưng tránh tập quá gần giờ đi ngủ.

- Thư giãn trước khi đi ngủ bằng cách đọc sách, nghe nhạc nhẹ hoặc tắm nước ấm.

 
Việt An (Theo Medical News Today)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp