TP.HCM: 79 ổ dịch sốt xuất huyết, báo động dịch tay chân miệng

Bé trai bị sốt xuất huyết mức độ nặng dẫn đến suy hô hấp đang được điều trị tích cực tại bệnh viện - Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM.

“Nóng” dịch tay chân miệng, cách phân biệt với sốt xuất huyết?

Dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng gia tăng báo động tại TP.HCM

Sốt xuất huyết có thể bùng phát thành dịch trong năm 2022

Làm sao phòng ngừa các dịch bệnh mùa Hè cho trẻ?

Đây không phải lần đầu tiên trong một tháng qua TP.HCM cảnh báo về dịch sốt xuất huyết năm nay diễn biến phức tạp. Từ cuối tháng 4, HCDC đã cảnh báo sốt xuất huyết vào mùa và nguy cơ bùng phát theo sau COVID-19.

Theo báo cáo của HCDC, TP.HCM đang có 3 dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành đáng quan tâm là sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19. Đáng chú ý, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng trên địa bàn có xu hướng tăng cao báo động.

7 ca tử vong do sốt xuất huyết ở TP.HCM

Thống kê của HCDC cho thấy, chỉ trong vòng 1 tuần qua, thành phố ghi nhận có 943 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 596 ca nội trú và 347 ca ngoại trú, tăng 19,7% so với trung bình 4 tuần trước (788 ca). Như vậy, mỗi ngày thành phố có thêm 134-135 ca mắc sốt xuất huyết mới. 

Tổng số ca mắc bệnh từ đầu năm đến nay là 8.481 ca, tăng 28% với cùng kỳ năm 2021 (6.639). Đặc biệt chú ý, có 175 ca nặng và tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2021 (26 ca). Số tử vong tích lũy đến tuần 20 là 7 ca, tăng 5 ca so với cùng kỳ năm 2021.

Do địa bàn dân cư đông đúc phức tạp, kênh rạch chằng chịt, nên số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước đó là phường Tân Thới Hiệp, Thạnh Xuân (quận 12); phường Phú Thạnh, Sơn Kỳ (Tân Phú); xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn).

Trong tuần 20, toàn thành phố ghi nhận 79 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 51 phường, xã thuộc 17/22 quận huyện, TP.Thủ Đức. Số ổ dịch tích luỹ đến tuần 20 là 446, theo laodong.vn.

HCDC TP.HCM cho biết, ngành y tế đã xử lý phun hoá chất, diệt lăng quăng tại các ổ dịch, nhiều điểm nguy cơ. Các chuyên gia dịch tễ dự báo cứ theo vòng lặp 4-5 năm thì bệnh sốt xuất huyết Dengue lại gây ra trận dịch lớn.

Năm 2019, trận dịch sốt xuất huyết với số mắc hơn 300.000 ca (riêng TP.HCM khoảng 65.000 ca) gây nhiều khó khăn, tổn thất. Vì vậy HCDC TP.HCM khuyến cáo, người dân nên có những biện pháp phòng tránh muỗi, làm sạch nơi ở của mình và không để những vật chứa nước nhằm tạo môi trường cho muỗi lưu trú, khiến dịch sốt xuất huyết bùng lên nhanh hơn.

Ông Tâm cho biết, trước tình hình trên, ngành y tế TP.HCM thường xuyên kiểm tra, giám sát các địa bàn trọng điểm, các điểm nguy cơ, giám sát ổ dịch và việc xử lý dịch của các địa phương. HCDC cũng tổ chức tập huấn cách xử lý, ngăn ngừa dịch cho nhân viên y tế các quận huyện, phường xã.

Tác nhân gây sốt xuất huyết là virus Dengue, bệnh không lây trực tiếp từ người qua người, muỗi vằn là trung gian truyền bệnh. Sốt xuất huyết nguy hiểm ở chỗ chưa có vaccine phòng ngừa hay thuốc đặc trị. Bệnh dễ dẫn đến tử vong khi cơ thể chảy máu, gây sốc. Ba biện pháp tốt nhất để dự phòng bệnh là diệt loăng quăng, diệt muỗi và không cho muỗi đốt.

Trẻ mắc tay chân miệng ở TP.HCM tăng gấp ba

Các bác sỹ đang điều trị cho trẻ mắc tay chân miệng mức độ nặng. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM

Các bác sỹ đang điều trị cho trẻ mắc tay chân miệng mức độ nặng. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM

Theo VnEpress, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) ghi nhận 628 ca tay chân miệng trong tuần qua, tăng gần gấp ba lần so với trung bình một tháng trước.

Bốn tháng đầu năm, thành phố ghi nhận gần 1.600 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với 96% trẻ bệnh ở độ tuổi 1-5. Số ca tăng ở cả trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.

BS Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, gần đây mỗi ngày viện tiếp nhận khoảng 100-120 trẻ đến khám mỗi ngày, tăng gấp đôi so với đầu tháng. Đa số trẻ đến khám mắc bệnh nhẹ, một số ít phải nhập viện, trong đó một số trường hợp nặng phải thở máy.

Trong khi đó, Bệnh viện Nhi đồng 2, hai tuần đầu tháng 5 ghi nhận gần 500 ca khám ngoại trú và 40 trường hợp nhập viện và có xu hướng tăng dần. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sỹ Trương Hữu Khanh, cho biết mỗi ngày Khoa Nhiễm - Thần kinh có khoảng hơn 30 trẻ mắc tay chân miệng nằm viện. Số ca mắc nhập viện gia tăng gấp khoảng 1,5 lần so với đầu tháng, cách đây hơn hai tháng không có trường hợp nào.

Hầu hết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt nhiều ngày liên tục, kèm theo các mụn nước nổi đỏ ở tay, chân, thậm chí vết loét ở họng làm cản trở việc ăn uống. Hiện tại, tỷ lệ trẻ bị tay chân miệng nhập viện hầu hết ở mức độ nhẹ, còn mức độ 2B (mức độ nặng) chiếm khoảng 5-6%.

Theo HCDC, số ca bệnh tay chân miệng có sự gia tăng báo động ở hầu hết các quận huyện. Trong đó, quận 8, Bình Tân, khu vực 2 và 3 của TP Thủ Đức, Bình Chánh, Tân Phú có số ca tăng cao so với trung bình 4 tuần trước.

 
Hiệp Nguyễn (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin