Trẻ bị nóng trong người ăn gì cho mát?

Trẻ thường biếng ăn khi bị nóng trong người

Trà sả lá dứa giải nhiệt ngày Hè

3 công thức làm món salad từ dưa hấu thanh mát

Giải nhiệt ngày Hè với món salad dưa hấu tươi mát

Salad Nga giải nhiệt nắng Hè

Nóng trong người là tình trạng vô cùng phổ biến ở tất cả mọi người, bao gồm cả trẻ em. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị nóng trong người như hệ miễn dịch suy giảm, chế độ ăn uống không hợp lý, tác động từ môi trường bên ngoài, chức năng gan hoạt động kém, bổ sung quá ít nước, rối loạn dị ứng bên trong...

 

Triệu chứng khi trẻ bị nóng trong thường gặp là ra mồ hôi trộm, nổi mụn nhọt, nhiệt miệng, nổi mẩn ngứa, mề đay, đêm ngủ không ngon giấc, biếng ăn, khi sờ tay vào cảm thấy rất nóng...

Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu nóng trong người, các mẹ thường lo lắng và thắc mắc trẻ nên uống thuốc gì hay ăn gì cho mát? Trẻ nhỏ được khuyên chỉ sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết theo chỉ định của bác sỹ. Vậy nên, khi bị nóng trong người cha mẹ cần bổ sung thực phẩm có tính mát để giúp giải nhiệt cho trẻ.

Cụ thể, cha mẹ nên tăng cường ăn các loại rau củ có tính mát như: Rau mồng tơi, rau ngót, dưa chuột, bí đao, mướp đắng (khổ qua), cà chua, rau diếp cá, rau má...

Một số loại trái cây như xoài, đu đủ, chuối, táo, dưa hấu, kiwi đều có tính thanh nhiệt. Ăn trực tiếp trái cây là tốt nhất, ngoài ra mẹ cũng có thể ép lấy nước, xay làm sinh tố để trẻ uống mỗi ngày.

Bột sắn dây cũng là một lựa chọn tuyệt vời cho trẻ bị nóng trong. Bởi theo Đông Y sắn dây vị ngọt, tính mát, có công dụng giải cơ thoái nhiệt, phát biểu thấu chẩn, sinh tân chỉ khát, thăng dương chỉ tả, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như sốt do ngoại cảm, đau cổ gáy, đau đầu, sởi, sốt cao khát nước, đái tháo đường, thiếu máu cơ tim... Mẹ có thể mua bột sắn dây về pha với nước sôi để nguội hoặc khuấy lên như bột loãng rồi cho trẻ ăn. Ngoài ra, bột sắn dây cũng được sử dụng nhiều để pha thành nước uống trực tiếp giúp giải nhiệt cơ thể hiệu quả.

Bên cạnh các thực phẩm nên ăn, cha mẹ cần hạn chế cho trẻ ăn các loại thực phẩm như đồ ăn cay nóng, cà phê, rượu bia, nước có gas, đồ ăn chế biến sẵn, thức ăn đông lạnh, đồ ăn vặt...

Liên quan đến lượng nước cần bổ sung, theo khuyến cáo của của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lượng nước cung cấp hàng ngày cho cơ thể thay đổi tùy theo từng khu vực và theo từng lứa tuổi. Ở Việt Nam, là một nước nhiệt đới, mùa nắng nóng lượng mồ hôi thải ra lớn nên lượng nước mất đi mỗi ngày ra ngoài cơ thể nhiều. Mỗi ngày trẻ em cần uống khoảng 50 - 60ml nước cho mỗi kg trọng lượng cơ thể, ăn thêm nhiều canh rau. Cha mẹ cần chú ý tăng nhu cầu nước uống khi trẻ ra mồ hôi quá nhiều sau khi hoạt động thể lực, vận động hoặc mới di chuyển dưới trời nắng. 

* Thông tin bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, để có chế độ ăn phù hợp với từng trẻ cha mẹ nên gặp bác sỹ để được tư vấn cụ thể hơn. 

Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ