Bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo hội chứng tử vong đột ngột ở trẻ nhỏ

Liệu có biện pháp nào dự phòng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ? - Ảnh minh họa

Mách mẹ những mẹo xử trí khi trẻ sơ sinh bị đầy hơi

6 mẹo để chăm sóc trẻ sơ sinh trong mùa Đông

Bé ngủ ở tư thế nằm sấp có an toàn?

Thai phụ và trẻ sơ sinh mắc COVID-19 xử trí thế nào?

Hội chứng tử vong đột ngột ở trẻ nhỏ là gì?

Hội chứng tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh (SIDS) là cái chết bất ngờ và không tiên lượng được ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ trong khoảng từ 2 tuần đến 1 năm tuổi mà không thể tìm ra nguyên nhân chính xác.

Hội chứng này thường gặp ở trẻ từ 2 - 4 tháng tuổi, hầu hết đều xảy ra khi trẻ đang ngủ trong khoảng thời gian giữa 10 giờ tối và 10 giờ sáng. SIDS có thể xảy ra mà không có bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo trước, khiến đột tử ở trẻ nhỏ trở thành nỗi ám ảnh lớn đối với nhiều gia đình.

Những nguyên nhân có thể dẫn tới hội chứng tử vong đột ngột ở trẻ nhỏ

Nguyên nhân chính xác dẫn tới SIDS hiện vẫn chưa được làm rõ. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng hội chứng này có thể do một số điều sau:

- Rối loạn các cơ chế kiểm soát của thần kinh và tim phổi.

- Trẻ có khuyết tật nghiêm trọng ở hệ hô hấp, tim mạch.

- Sự kiểm soát nhịp thở của não bộ chưa phát triển hoàn thiện.

- Đường thở bị chèn ép khi ngủ trong tư thế nằm sấp, nằm nghiêng - sấp. Ngủ trên giường có quá nhiều vật dụng hay giường ngủ mềm, ngủ cùng với bố mẹ cũng có thể là tác nhân gây đột tử ở trẻ.

- Tăng thân nhiệt do nhiệt độ phòng quá nóng hoặc quấn quá nhiều quần áo, chăn to, trẻ ngủ sâu dẫn đến mất kiểm soát nhịp thở.

- Nhiều trẻ sơ sinh tử vong vì SIDS có mức serotonin trong não thấp hơn so với bình thường. Serotonin giúp điều hòa nhịp thở, nhịp tim và huyết áp trong khi ngủ.

Một nguyên nhân gây SIDS có thể do đường thở bị chèn ép khi trẻ ngủ trong tư thế nằm sấp, nằm nghiêng - sấp

Một nguyên nhân gây SIDS có thể do đường thở bị chèn ép khi trẻ ngủ trong tư thế nằm sấp, nằm nghiêng - sấp

Các yếu tố nguy cơ của hội chứng tử vong đột ngột ở trẻ nhỏ

- Các bé trai có nguy cơ bị SIDS cao hơn bé gái.

- Trẻ sinh non, cân nặng khi sinh thấp, chậm tăng trưởng.

- Tư thế ngủ nằm sấp, không có núm vú giả.

- Mẹ sinh con khi dưới 20 tuổi; Mẹ sử dụng chất kích thích, hút thuốc lá, uống rượu bia trong thai kỳ và sau sinh.

- Khoảng cách ngắn giữa các lần mang thai.

- Trẻ thường tiếp xúc với khói thuốc lá sau sinh.

- Trẻ nằm chung giường với cha mẹ, người chăm sóc.

- Trẻ có anh/chị em ruột từng tử vong vì SIDS cũng có nguy cơ tử vong do SIDS cao gấp 5 lần.

- Nhiệt độ môi trường quá thấp hoặc quá cao.

- Cũi, nôi, gối không an toàn; Trẻ nằm đệm nước, giường mềm.

Các biện pháp dự phòng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Theo BSCKII Phạm Thị Thanh Tâm, Phó Trưởng khoa Cấp cứu & Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo tử vong ở trẻ nhỏ do SIDS là vấn đề liên quan đến giấc ngủ, do đó cần nâng cao cảnh giác, tạo môi trường an toàn cho giấc ngủ của trẻ. Cụ thể như sau:

 

- Cho trẻ nằm ngửa khi ngủ. Thường xuyên quan sát trẻ.

- Sử dụng núm vú giả cho trẻ dưới 1 tuổi giúp mở thông đường thở.

- Để nhiệt độ phòng phù hợp, cho trẻ mặc quần áo thông thoáng. Không trùm chăn quá đầu trẻ.

- Cho trẻ ngủ trên đệm ít bị trũng xuống, không quá mềm. Không sử dụng gối, đồ chơi nhồi bông, chăn có nhiều lông hoặc quá lớn ở khu vực cũi/giường của trẻ.

- Trẻ sơ sinh, trẻ dưới 6 tháng tuổi cần nằm cũi, giường riêng, bên cạnh giường ngủ của người chăm sóc. Không sử dụng miếng đệm phụ trong cũi.

- Tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch để nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêm phòng có thể giảm 50% nguy cơ bị hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

- Chăm sóc thai nghén sớm và thường xuyên. Nuôi con bằng sữa mẹ.

- Không hút thuốc lá, uống rượu hoặc sử dụng các chất kích thích trong thai kỳ và thời gian nuôi con nhỏ. Các nhà nghiên cứu cho rằng hút thuốc lá có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương trước khi sinh và tiếp tục ảnh hưởng sau khi sinh, làm tăng nguy cơ bị hội chứng đột tử ở trẻ.

Vi Bùi (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ