Trẻ đã mắc tay chân miệng có bị lại không?

Trẻ có thể bị tay chân miệng lần 2, mức độ nặng nhẹ phụ thuộc vào chủng virus gây bệnh

Phòng bệnh tay chân miệng trong trường mầm non như thế nào?

6 điều cha mẹ nên biết về bệnh tay chân miệng

Công văn khẩn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh tay chân miệng

Biến chứng của bệnh tay chân miệng nguy hiểm thế nào?

Tại sao bệnh tay chân miệng có thể bị lại?

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm phổ biến do siêu vi, có thể lây lan dễ dàng qua đường hô hấp và đường tiêu hóa. Bất cứ ai tiếp xúc với người bệnh đều có thể mắc tay chân miệng, tuy nhiên bệnh phổ biến nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Virus gây bệnh tay chân miệng chủ yếu là nhóm virus đường ruột Enterovirus, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71).

Trong đó, virus Coxsackie A16 ít gây ra các biến chứng về thần kinh, người bệnh có thể tự khỏi trong vài ngày. Trái lại, chủng EV71 gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong.

Mỗi lần nhiễm bệnh, cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định. Do đó, trẻ em có thể bị tay chân miệng lần 2 nếu nhiễm virus khác thuộc nhóm Enterovirus.

Trẻ nhỏ hay ngậm, mút đồ chơi dễ lây bệnh tay chân miệng

Trẻ có nguy cơ tái nhiễm virus gây bệnh tay chân miệng nếu tiếp xúc với:

- Dụng cụ, đồ chơi có dính virus.

- Chất dịch từ mũi, miệng hoặc cổ họng của người bệnh khi ăn uống chung, ho, hắt hơi, nói chuyện.

- Dịch của mụn nước, bọng nước, phân của người bệnh.

Mức độ nguy hiểm bệnh sẽ tùy thuộc vào độc lực của siêu vi gây bệnh và cơ địa của từng bệnh nhân. Biểu hiện rõ nhất để chẩn đoán bệnh là tình trạng loét miệng, mọc mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân. Nhiều trường hợp trẻ nhiễm virus A16 không có biểu hiện sốt cao, do đó khiến nhiều cha mẹ chủ quan, cho rằng trẻ không bị tay chân miệng.

Dịch bệnh tay chân miệng trong mùa nóng

Số ca mắc bệnh tay chân miệng tại miền Trung tăng mạnh - Ảnh: Nhân Dân

Tính từ đầu năm đến ngày 12/4, cả nước ghi nhận 18.436 trường hợp mắc tay chân miệng với 4 ca tử vong, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2020. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, Hà Nội đã ghi nhận 82 trường hợp mắc ở 28 quận, huyện, thị xã, số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới.

Tình hình dịch bệnh tay chân miệng tại miền Trung cũng đang diễn biến phức tạp. Theo bác sỹ Nguyễn Hải Thịnh - Trưởng Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, có hơn 40 bệnh nhân mắc tay chân miệng đang được điều trị tại khu vực cách ly, hồi sức của bệnh viện. Trong đó, có 2 ca ở độ 2B1 buộc phải theo dõi thường xuyên và sử dụng các biện pháp hồi sức hô hấp, gắn các máy móc theo dõi nghiêm ngặt.

Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vaccine dự phòng. Để bảo vệ sức khỏe trẻ em, cha mẹ cần lưu ý những biện pháp phòng bệnh:

- Cả gia đình, người chăm sóc trẻ đều cần thường xuyên rửa tay với xà phòng.

- Vệ sinh, làm sạch đồ chơi của trẻ ở nhà và ở trường.

- Luôn lau dọn nhà cửa, trường học và khu vui chơi của trẻ.

- Cho trẻ nghỉ học, cách ly với trẻ khác khi có dấu hiệu bệnh tay chân miệng.

- Che miệng và mũi khi hắt hơi, ho.

- Phụ huynh cần theo dõi sức khỏe của bé hàng ngày, khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt nhẹ hoặc sốt cao, xuất hiện các vết đỏ, mụn nước ở họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối… cần đưa tới cơ sở y tế để được chẩn đoán kịp thời.

Quỳnh Trang H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ