Trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng, nhanh khỏi nhưng vẫn còn nỗi lo hậu COVID

Các bác sỹ khuyến cáo các bậc phụ huynh tuyệt đối không nên chủ quan khi con mắc COVID-19

Infographic: Cảnh giác với các triệu chứng hậu COVID-19

Địa chỉ các bệnh viện khám di chứng hậu COVID-19 trên cả nước

Nhóm F0 khỏi bệnh nào nên khám hậu COVID-19?

Cảnh giác với hội chứng “sương mù não” hậu COVID-19

Hiện nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận một số trường hợp trẻ đến khám hậu COVID-19. Phần lớn trẻ đến khám hậu COVID-19 đều là những bé đã khỏi COVID-19 nhưng vẫn bị ho dai dẳng, hoặc có các biểu hiện như mệt mỏi, khó thở kéo dài… Với những trường hợp này, các bác sỹ cho biết có thể tự theo dõi tại nhà.

Tuy nhiên, một vài trường hợp trẻ chỉ mắc COVID-19 thể nhẹ, không triệu chứng, nhưng vẫn có di chứng hậu COVID-19 nghiêm trọng. Hiện Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho một bé mắc COVID-19 thể nhẹ như vậy, nhưng sau khi khỏi bệnh 2 tuần lại có những biểu hiện như đau họng, sốt cao liên tục...

Bé được chuyển vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy đa tạng, nhiễm trùng huyết, được các bác sỹ chẩn đoán mắc hội chứng viêm đa hệ thống, một trong những biến chứng nặng, hiếm gặp sau khi trẻ nhiễm COVID-19.

Dưới đây là một số di chứng hậu COVID-19 ở trẻ mà cha mẹ nên cảnh giác:

Các vấn đề về hô hấp

COVID-19 có thể gây ra nhiều tổn thương tới phổi

COVID-19 có thể gây ra nhiều tổn thương tới phổi

COVID-19 thường ảnh hưởng tới phổi nhiều nhất, do đó các vấn đề về hô hấp kéo dài không phải là hiếm gặp. Các triệu chứng có thể bao gồm đau ngực, ho và khó thở tăng lên khi tập thể dục. Một số triệu chứng này có thể kéo dài tới 3 tháng hoặc lâu hơn. Trẻ em từ 6 tuổi trở lên với các triệu chứng kéo dài có thể cần xét nghiệm chức năng phổi. Về lâu dài, trẻ có vấn đề về hô hấp khi gắng sức có thể cần kiểm tra tim để loại trừ các biến chứng như cục máu đông.

Các vấn đề về tim mạch

Viêm cơ tim có thể tiến triển sau COVID-19. Các triệu chứng của viêm cơ tim có thể bao gồm đau ngực, khó thở, nhịp tim không đều và mệt mỏi. Trẻ em và thanh thiếu niên có các triệu chứng từ trung bình tới nghiêm trọng kéo dài trong vòng 6 tháng cần đi khám, kiểm tra tim.

Khứu giác và vị giác

Thay đổi khứu giác và vị giác có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen ăn uống và tâm trạng của trẻ sau khi mắc COVID-19. Các triệu chứng này thường biến mất sau vài tuần.

Hội chứng “sương mù” não

Hậu COVID-19, trẻ có thể gặp phải hội chứng sương mù não bộ

Hậu COVID-19, trẻ có thể gặp phải hội chứng "sương mù" não bộ

Trẻ có thể trở nên đãng trí, khó duy trì sự chú ý hơn. Trẻ cũng có thể đọc chậm hơn và hay lặp từ, cần ngắt quãng nhiều hơn khi đọc.

Bệnh COVID-19 có thể ảnh hưởng tới hệ thần kinh, dẫn tới những thay đổi nhỏ về khả năng chú ý, lời nói, khả năng vận động và ảnh hưởng tới tâm trạng của trẻ sau khi khỏi bệnh.

Cha mẹ nên đảm bảo con ngủ đủ giấc, giúp trẻ kiểm soát căng thẳng để cải thiện hội chứng “sương mù” não hậu COVID-19.

Mệt mỏi về thể chất

Sau khi khỏi COVID-19, trẻ có thể hay thấy mệt mỏi, sức chịu đựng kém hơn, ngay cả khi trẻ không có các triệu chứng về tim hoặc phổi do virus gây ra. Tình trạng này thường được cải thiện theo thời gian.

Nhức đầu

 

Nhức đầu cũng là một triệu chứng phổ biến trong và sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Chú ý cho trẻ ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, ăn uống đúng bữa và kiểm soát căng thẳng có thể giúp cải thiện cơn đau đầu.

Một vài vấn đề tâm thần

Mắc COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Thăm khám hậu COVID-19 có thể giúp các bác sỹ phát hiện dấu hiệu trầm cảm, lo âu… ở trẻ.

Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C)

Đây là một biến chứng hiếm gặp, thường xảy ra trong vòng 2 - 6 tuần sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Nếu trẻ có triệu chứng sốt không rõ nguyên nhân hậu COVID-19, bạn nên đưa con đi khám ngay. Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em có thể trở nên tồi tệ hơn một cách nhanh chóng.

Theo TS.BS. Đậu Việt Hùng, Phó Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương: “Nói về viêm đa hệ thống, di chứng này sẽ làm tổn thương rất nhiều cơ quan. Tuy nhiên, bản chất về bệnh lý giờ vẫn chưa rõ, có thể là một phản ứng miễn dịch không hợp lý, có thể tăng miễn dịch quá mức làm tổn thương nhiều cơ quan".

Từ thực tế trên, các bác sỹ khuyến cáo với trẻ đã từng mắc COVID-19, các gia đình không được chủ quan. Sau khi trẻ âm tính 2 - 6 tuần, nếu có biểu hiện như sốt cao trở lại, phát ban, phù nề, rối loạn tiêu hoá, da tái, nhịp tim nhanh… cần cho trẻ đi khám và điều trị kịp thời.

Vi Bùi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ