Trà đen: Trà đen hay hồng trà là dòng trà làm từ lá cây chè Camellia sinensis có thời gian lên men lâu nhất. Khi pha, trà cho hương vị đậm, mạnh và màu nước đỏ hồng. Hàm lượng caffeine khá cao, một cốc 240ml chứa tới 47mg caffeine. Trà đen giàu dưỡng chất thực vật như theaflavin, giúp bảo vệ sức khỏe tim, tốt cho huyết áp lẫn mỡ máu.
Trà gừng và nghệ: Hai gia vị quen thuộc này có thể dùng để pha trà, tạo nên sự kết hợp tốt cho sức khỏe. Nghệ chứa nhiều curcumin giúp chống viêm, trong khi gingerol trong gừng hỗ trợ giảm đau, cải thiện tiêu hóa. Đây cũng là thức trà phù hợp cho người nhạy cảm với caffeine, có thể pha cùng mật ong.
Trà xanh: Trà xanh được sấy khô và làm nóng ngay sau khi thu hoạch để giảm hiện tượng oxy hóa. So với trà đen, hàm lượng caffeine trong trà xanh thấp hơn, dù hương vị vẫn đậm đà. Đây là thức trà chứa nhiều hoạt chất sinh học tốt cho sức khỏe như quercetin, kaempferol, catechins và epigallocatechin gallate (EGCG).
Trà chanh: Gọi là trà, nhưng thực chất đây là thức uống pha chế bằng cách pha vỏ chanh và nước cốt vào nước nóng. Trái chanh bổ sung một lượng vitamin C giúp tăng cường miễn dịch, giảm viêm. Trái cây có múi còn chứa terpene limonene – chất có khả năng an thần. Ngoài chanh, bạn còn có thể dùng lá trà ướp cùng trái cây có múi như orange pekoe.
Trà trắng: Trà trắng (hay bạch trà) không trải qua công đoạn lên men như trà đen hay hấp như trà xanh. Trà trắng được làm héo bằng phương pháp sấy chậm và quạt khô, giúp giữ được nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Trà trắng có hàm lượng caffeine thấp hơn trà xanh 15%, tùy vào nguyên liệu và cách pha chế.
Trà bụp giấm: Làm từ hoa của cây Hibiscus sabdariffa, trà bụp giấm tạo nên thức uống có vị chua thanh cùng màu đỏ hồng đẹp mắt. Trà bụp giấm không chứa caffeine, trái lại, đây là nguồn rutin và quercetin tốt cho hệ miễn dịch. Nghiên cứu còn cho thấy, uống trà bụp giấm giúp điều hòa đường huyết và cholesterol.
Trà bá tước (Earl Grey): Đây là dòng trà đen được tẩm ướp tinh dầu cam bergamot – một loại trái cây giúp kích thích sản sinh enzyme tiêu hóa, hỗ trợ cải thiện tình trạng đầy hơi, chướng bụng.
Trà bạc hà: Có nhiều giống bạc hà khác nhau như bạc hà Á, bạc hà Âu, nhưng có chung công dụng như giảm ho, thông mũi, giảm đầy bụng. Trà bạc hà còn giúp cải thiện chức năng nhận thức như khả năng ghi nhớ, tập trung.
Trà ô long: Trà ô long nằm giữa trà xanh và trà đen về cả mức độ oxy hóa, hàm lượng caffeine lẫn độ đậm. Thức trà này cũng chứa nhiều dưỡng chất thực vật có lợi cho não bộ, tim mạch, chức năng chuyển hóa và miễn dịch.
Trà hoa cúc: Cúc La Mã (chamomile) nổi tiếng với công dụng an thần, thư giãn và cải thiện giấc ngủ. Tuy nhiên, chúng không chứa các thành phần khiến bạn ngủ rũ vào ban ngày. Uống trà cúc La Mã thường xuyên giúp cải thiện triệu chứng lo âu, giúp chống viêm, tăng cường miễn dịch.
Dù thưởng thức trà mạn hay trà thảo mộc, bạn cần mua các loại trà sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Người đang dùng thuốc điều trị, có bệnh lý nền, đang mang thai và cho con bú… cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng trà có chứa caffeine hoặc thảo dược.