ĐT Việt Nam: Khôn đâu đến trẻ

Các ngôi sao trẻ chưa thể cáng đáng vai trò chính ở ĐT Việt Nam

HLV Troussier có lẽ cần phải thay đổi rồi

ĐT Việt nam có đủ bản lĩnh để "vượt bão"?

Công Phượng trở lại ĐT Việt Nam

Trong một tình huống vô cùng quen thuộc, với “vũ khí ném biên” vào vòng cấm, các cầu thủ cao to bật cao chuyền bóng, các cầu thủ khác nhanh chân kết liễu đối thủ từ bóng 2. U23 Việt Nam đã “lĩnh trọn” 2 bàn thua trước đối thủ này hồi SEA Games 32, nay ĐT Việt Nam cũng dưới thời Troussier lại nhận thêm bàn thua và chính xác là trận thua nữa từ tình huống ném biên. Điều này cho thấy mọi bài học từ thất bại của ĐT Việt Nam dù được nghiêm túc rút kinh nghiệm vẫn không có tác dụng thực tế, kể cả thầy lẫn trò như đã thấy trong cả loạt trận thua vô cùng tức tưởi gần đây.

Những tưởng sau trận thua Indonesia ở ASIAN Cup, ông Troussier sẽ thay đổi triệt để nhằm “trả nợ” đối thủ sòng phẳng nhưng ông thầy người Pháp đã không đi đến tận cùng mọi yêu cầu cần thiết, đã không thể “đọc” trận đấu và có phương cách thay đổi phù hợp. Ông Troussier bố trí hàng tiền vệ gồm Hùng Dũng, Hoàng Đức, Thái Sơn là đúng đắn và chính điều này đã khiến chủ nhà Indonesia không thể tạo áp lực dồn dập như ở ASIAN Cup vừa qua. Nhưng cái chính là ông quá tin dùng các nhân tố trẻ như Tuấn Tài, Minh Trọng, nhất là khi họ chơi ở vị trí phòng ngự trong một trận đấu cân não. Các nhân tố trẻ như Thái Sơn hay Đình Bắc chơi tốt trong trận đấu này nhưng không thể nói điều tương tự với Tuấn Tài hay Minh Trọng, mà bàn thua là minh chứng đau lòng nhất không thể không nói đến.

Các cầu thủ Việt Nam đã không thể làm nên chuyện trước một Indonesia đồng đều và kinh nghiệm hơn - Ảnh: Danviet

Các cầu thủ Việt Nam đã không thể làm nên chuyện trước một Indonesia đồng đều và kinh nghiệm hơn - Ảnh: Danviet

Kỳ lạ thay, ông Troussier dùng Tuấn Tài ở vị trí trung vệ lệch trái, như một cầu nối luân chuyển cho tấn công từ sân nhà nhưng thực tế hàng thủ ĐT Việt Nam đã không thể thực hiện được một lần nào suôn sẻ, có nét. Nguyễn Filip thường xuyên phát bóng dài, ra biên để lên bóng, nghĩa là hoàn toàn từ bỏ lối chơi kiểm soát mà ông thầy mong muốn? Vì sao, vì áp lực quá lớn từ đối thủ hay sự thiếu nhất quán trong chỉ đạo, vận hành đội bóng?

Công bằng mà nói, ĐT Việt Nam đã chơi ổn trong hiệp 1 khi ép đối thủ về phần sân nhà của họ, bằng số đông và sự cơ động của tuyến giữa. Nhưng cái chính là khi đối thủ chủ động “đổi bài”, thay một lúc 3 cầu thủ, trong đó có cặp bài trùng “ném biên-ghi bàn” nói trên để xoay chuyển cục diện, thì ĐT Việt Nam đứng yên chịu trận và bị dội ngay gáo nước lạnh vốn không xa lạ gì? Sau trận đấu, ông thầy người Pháp tỏ ra không hiểu nổi khi cả đội đã đề phòng, đã luyện tập chống bóng bổng, chống ném biên mà cuối cùng vẫn thua?

Thua trận thứ 2 liên tiếp trước ĐT Indonesia, thầy trò ông Troussier đang bị dồn vào chân tường trong trận lượt về ngày 26/3 trên sân Mỹ Đình. ĐT Indonesia sẽ có sự trở lại của đội trưởng Asnawi, nghĩa là được tăng thêm sức mạnh trong phòng ngự lẫn tấn công. Đối thủ lại đang trong đà thăng hoa tột độ nên sẽ rất khó khăn để ngăn cản mọi bài vở, đường hướng tấn công của họ. Ông Troussier rõ ràng đang đứng giữa “bão tố” nghìn trùng khi gặp Indonesia, khi mọi thứ đang đi trượt ra ngoài mong muốn?

Minh Trọng chưa xứng đáng vượt mặt các đàn anh để đá chính ở ĐTQG - Ảnh: vnexpress

Minh Trọng chưa xứng đáng vượt mặt các đàn anh để đá chính ở ĐTQG - Ảnh: vnexpress

Thiển nghĩ, trước hết, ông Troussier cần tổ chức lại hàng thủ, nhất là 3 trung vệ, nên để Tuấn Tài dự bị, đưa trở lại Thành Chung hoặc Thanh Bình, Đức Chiến để củng cố “bờ đê” này. Bộ đôi hậu vệ biên tấn công nên giữ lại Xuân Mạnh và người chơi đối diện cũng nên là một cầu thủ trưởng thành như Tấn Tài hay Văn Thanh, đưa Minh Trọng về ngồi dự bị. Quang Hải nên được vào sân từ đầu, làm sao không “dẫm chân” với Hoàng Đức trong vai trò cầm nhịp. Tiếp tục sử dụng Hùng Dũng, Thái Sơn như những tiền vệ trụ, nhằm tạo sức mạnh từ giữa sân, vừa đủ sức ngăn chặn đối thủ vừa tạo cơ hội chuyển trạng thái sang tấn công. Tiến Linh cùng Văn Toàn nên được xung trận từ đầu, để tạo nên một đội hình tấn công thực sự? Trong một trận đấu cân não cuối cùng, ông Trousier nên thuộc bài rằng, “khôn đâu đến trẻ” là trong ý nghĩa đó chăng?

Đã không thấy bài vở tấn công rõ nét ở trận lượt đi. Đã không thấy vai trò truyền cảm hứng trước hết từ ông thầy đối với các tuyển thủ. Vì vậy, ở trận lượt về, hy vọng các khán đài rực lửa sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các chiến binh sao vàng. Trên sân, ĐT Việt Nam sẽ có một nhân tố kết nối và lan tỏa tinh thần quyết chiến, quyết thắng để nhân lên sức mạnh Việt Nam. Nhân tố đó là Quang Hải hay Hùng Dũng hay ai khác? Khó nhưng hơn lúc nào hết, ĐT Việt Nam lúc này cần một nhân tố như vậy để cứu vãn một trận đấu, một giải đấu và cao hơn là một niềm hy vọng lớn của bóng đá Việt Nam?

Niềm tin còn lại với ông thầy người Pháp đang cạn dần. Phải tìm cách “vượt bão” để lấy lại danh dự sau trận đấu trên sân Mỹ Đình. Hãy đừng bao giờ để xảy ra tình huống ĐT Việt Nam phải “dỡ ra, làm lại” bằng một “chiến lược gia” nói ít, làm nhiều, làm thật, làm hay, khi mọi việc tiếp tục đi theo chiều hướng không mong muốn như những trận thua tức tưởi, đau đớn gần đây./.

 
Hoa Bùi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe