Ung thư không phải cửa tử: "Tôi như được sinh ra lần nữa"

Chị Đinh Thị Liễu đang kể lại hành trình điều trị thành công căn bệnh ung thư vú (ảnh: giadinh.net.vn)

Tỷ lệ tử vong cao khi “mày râu” bị ung thư vú

Sắp có vaccine ung thư vú

Châm cứu làm giảm đau cho bệnh nhân ung thư vú

10 kết luận gây sốc về ung thư vú

Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú ở chị em

Tăng chất xơ - Đẩy lùi ung thư vú

"Tỉnh dậy sau ca mổ quyết định sinh tử cuộc đời, nhìn thấy gương mặt chồng con, chị ứa nước mắt hạnh phúc, rồi lại thiếp đi. Cho đến khi được thông báo tủy đã mọc, ca phẫu thuật cấy ghép tế bào gốc thành công, chị và gia đình vỡ òa trong hạnh phúc”, vui vẻ kể lại khi tiếp phóng viên trong căn nhà rộn rã tiếng cười vui, chị Liễu vẫn không ngờ được nửa năm qua mình đã trải qua những biến cố lớn lao đến thế!

Bệnh nhân đầu tiên được điều trị bằng phương pháp mới

Đầu năm 2013, chị Liễu phát hiện có cục u nhỏ ở vú bên phải, sờ vào khá cứng, nhưng không thấy đau. Gia đình nhiều lần khuyên đi khám nhưng công việc kinh doanh bận rộn, chị lần lữa không chịu đi. Mãi đến tháng 9/2014, chị mới đến Bệnh viện Ung bướu Nghệ An khám, tại đây các bác sĩ chẩn đoán chị bị u vú ác tính cần phải phẫu thuật ngay.

Tin sét đánh ngang tai, chị Liễu suy sụp, không khí gia đình nặng nề. Chồng, các con chị hoang mang không kém. “Lúc đó, tôi có ý định đưa vợ ra Bệnh viện K  ngoài Hà Nội, nhưng sau đó nghĩ đến cảnh đường sá xa xôi, sức khỏe vợ tôi lúc đó rất yếu, lại thêm tinh thần suy sụp. Trong khi thấy Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cơ sở vật chất đầy đủ, tôi quyết định để vợ nhập viện ở đây”, anh Bùi Duy Ba, chồng chị Liễu kể.

Kết quả xét nghiệm cho thấy có tế bào ung thư, các bác sỹ quyết định mổ cho chị Liễu. Ngày 13/9, ca mổ bắt đầu. Sau ca mổ, chị Liễu tiếp tục chịu 2 đợt truyền hóa chất, làm thêm một số xét nghiệm… Cơ thể yếu ớt, sức khỏe giảm sút trầm trọng, lại thêm suy nghĩ, lo lắng, chị gầy rộc đi, tóc rụng hết.

Đầu tháng 11/2014, chị Liễu được PGS.TS.BS Nguyễn Trung Chính (nguyên Chủ nhiệm khoa Ung bướu Bệnh viện 108) cố vấn cao cấp Bệnh viện Ung bướu Nghệ An tư vấn về phương pháp điều trị bằng cách ghép tế bào gốc tạo máu tự thân có hiệu quả cao. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có bệnh nhân nào được điều trị bằng phương pháp này.

Nghe bác sĩ tư vấn, chị Liễu xung phong là người đầu tiên thử nghiệm phương pháp mới. Lúc ấy, ca mổ phẫu thuật cắt bỏ khối u đã thành công, nhưng nếu tiếp tục điều trị theo phương pháp cũ, chị vẫn sẽ phải thường xuyên đến bệnh viện kiểm tra, vẫn phải tiếp tục các đợt hóa trị, xạ trị làm suy kiệt sức khỏe, trong lòng luôn nơm nớp lo sợ đến một ngày tế bào ung thư lại tái phát. Chính chị đã thuyết phục chồng, con để mình là người thử nghiệm.

Giữa tháng 11/2014, bệnh nhân bắt đầu được điều trị theo phương pháp mới. Các bác sĩ đã tiến hành xử lý tế bào gốc và đưa vào bảo quản, trong thời gian đó tiếp tục theo dõi, nâng cao thể trạng cho bệnh nhân.

Tự hào với thành công của y học hiện đại Việt Nam

Ngày 12/11/2014, chị được đưa vào phòng vô trùng tuyệt đối, truyền hóa chất liên tiếp trong sáu ngày. Thức ăn, nước uống đều được các bác sĩ kiểm nghiệm kĩ càng.

8h ngày 19/11/2014, ca phẫu thuật lịch sử của Bệnh viện Ung bướu Nghệ An bắt đầu do PGS.TS.BS Nguyễn Trung Chính trực tiếp chỉ đạo. Ca mổ kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Trong quá trình ghép, mọi việc diễn biến tốt đẹp.

“Những ngày đó các bác sĩ, y tá theo dõi tôi 24/24h. Bất kỳ biểu hiện khác nào cũng được kiểm tra kỹ càng. Sự quan tâm đó đã giúp tôi vững tin thêm rất nhiều. Tôi được đưa vào phòng cách ly 1 tuần thì lại thấy ngứa ở nơi ghép tủy, lưng đau dữ dội. Tôi sợ bị biến chứng, nhưng lúc đó, bác sĩ lại vui mừng thông báo, như thế là tủy đã mọc, mọi chuyện tốt đẹp, việc phẫu thuật cấy ghép tế bào gốc đã thành công!  Khoảng 3 ngày sau, tôi được ra phòng ngoài điều trị tiếp. Lúc ấy tôi mới thở phào nhẹ nhõm, cả gia đình tôi vỡ òa trong hạnh phúc, sung sướng”, chị Liễu bộc bạch.

Ngày 11/12/2014, Hội đồng khoa học của bệnh viện đã kiểm tra lâm sàng. Mọi xét nghiệm cho thấy sức khỏe  chị Liễu hoàn toàn bình thường. Ngay chiều hôm đó, bệnh viện đã tổ chức lễ ra viện cho chị. Đại diện UBND tỉnh Nghệ An đã đến tặng hoa chúc mừng đội ngũ y bác sỹ Bệnh viện Ung bướu Nghệ An và bệnh nhân đầu tiên chữa khỏi ung thư vú bằng phương pháp ghép tế bào gốc.

Chị Liễu hạnh phúc trở lại cuộc sống thường ngày (ảnh: giadinh.net.vn)

Trở về từ bệnh viện đã được hơn 1 tuần, gương mặt chị Liễu đã hồng hào. Hàng xóm liên tục đến thăm, tiếng cười đã trở lại với ngôi nhà yên ấm của chị. Anh Ba tiếp lời vợ: “Khi quyết định để vợ thử nghiệm phương pháp mới, tôi lo lắm, đến giờ thì gia đình an tâm rồi. Y học hiện đại đã làm nên điều kỳ diệu cho gia đình chúng tôi…”. Anh Ba cũng cho biết thêm, kinh phí cho cuộc phẫu thuật khoảng 350 triệu đồng nhưng bảo hiểm đã chi trả 200 triệu đồng.

Mở ra hi vọng cho bệnh nhân ung thư

ThS.BS Phạm Vĩnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cho biết: Ca ghép tế bào gốc tạo máu tự thân cho bệnh nhân Đinh Thị Liễu thành công là bước tiến quan trọng trong việc điều trị ung thư vú, mở ra hi vọng cho các bệnh nhân khác.

So với các phương pháp chữa trị ung thư khác, ưu điểm của phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu tự thân là có thể diệt sạch các tế bào ung thư, ít trường hợp bị tái phát hơn. Nếu tái phát thì thời gian cũng dài hơn, khoảng từ 0 - 20 năm kể từ khi ghép. Bệnh viện đã điều trị ung thư thành công cho 5 bệnh nhân bằng phương pháp trên, chủ yếu điều trị ung thư hạch. Bệnh nhân Đinh Thị Liễu là ca ung thư vú đầu tiên được chữa khỏi bằng phương pháp này tại Việt Nam.


  • Tags
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Ung thư