Thiền là biện pháp giúp con người thay đổi cách nhìn về bản thân và thế giới (trích Thực hành Thiền định)
Ăn sáng thế nào để giúp não bộ nhạy bén?
19h00 U23 Myanmar - U23 Việt Nam: Thay đổi để chiến thắng
Thêm nhiều quốc gia công nhận hộ chiếu vaccine Việt Nam
Viêm gan cấp tính bí ẩn ở trẻ em – Những điều cần biết
Matthieu Ricard không phải là Phật tử, ông không theo Phật giáo nhưng lại có cơ hội tiếp xúc với những vị cao tăng, được nghe giảng, được tiếp nhận giáo lý Phật giáo. Trong cuốn sách "Thực hành thiền định" mà ông viết, ông đã hé lộ cho người đọc thấy những phúc lạc mà thiền mang lại cho mỗi người trong xã hội hiện đại mang đậm tính cá nhân và vật chất, giúp chúng ta khám phá và vun trồng những khát vọng sâu xa nhất của bản thân.
Nếu học thiền là con đường mà các bậc cao minh nhất đã theo đuổi trong suốt cuộc đời thì hành thiền trong cuộc sống hàng ngày cũng có thể giúp chúng ta thay đổi cách nhìn về bản thân và thế giới.
Trích: Vì sao chúng ta phải thiền? - Thực hành Thiền định - Matthieu Ricard
Hãy thành thật nhìn cuộc đời mình mà xem! chúng ta đang ở chặng nào của cuộc đời? Cho tới bây giờ, những ưu tiên của chúng ta là gì? Và chúng ta dự kiến sẽ làm gì cho quãng đời còn lại của mình?
Chúng ta là hỗn hợp của những phần sáng và tối, của những phẩm chất và khiếm khuyết. Đó có thực sự là một trạng thái tối ưu và không thể thay đổi hay không? Nếu không đúng như thế thì làm cách nào để cải thiện thực trạng này? Những vấn đề trên đáng được nêu ra, nhất là nếu chúng ta cảm thấy muốn thay đổi và điều này hoàn toàn có thể làm được.
...
Những kỹ thuật của thiền định là nhằm biến đổi tâm thức, chúng ta không cần phải gán thêm cho nó bất kỳ một cái nhãn tôn giáo đặc biệt nào. Và vì mỗi chúng ta đều có một tâm thức, nên ai cũng có thể làm việc với cái tâm của mình.
Cuốn Thực hành thiền định do Thái Hà Book phát hành
Chúng ta có cần thay đổi không?
...
Tâm thức của chúng ta thường hay bị đảo lộn. Chúng ta bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ đau đớn, bị ngợp trong giận dữ, bị tổn thương vì những lời nói độc địa, nặng nề mà người khác dành cho mình. Trong những lúc ấy, ai mà không ao ước kìm nén, kiểm soát được những cảm xúc của mình để được tự do và làm chủ bản thân? Có thể chúng ta sẵn sàng vượt qua được những khổ đau kia, nhưng do không biết cách làm như thế nào nên chúng ta tặc lưỡi mà cho rằng "Đời là như thế!"...
Chúng ta không muốn đau khổ. Chẳng ai khi thức dậy lại không hy vọng rằng mình sẽ rút ra được điều gì có lợi cho bản thân hoặc cho người khác. Nếu biết chắc rằng những hành động của mình chỉ đem lại khổ đau, chúng ta sẽ không làm.
Chúng ta đều biết đến những khoảng khắc bình yên trong tâm, những lúc yêu thương và sáng suốt, song chúng chỉ thường là những cảm xúc thoáng qua, nhanh chóng nhường chỗ cho một trạng thái tâm thức khác. Tuy nhiên, chúng ta dễ dàng hiểu được rằng, nếu mình rèn luyện tâm bằng cách nuôi dưỡng những thời khắc tốt lành trên thì điều đó sẽ thay đổi đến tận gốc cuộc đời của mình. Tất cả chúng ta đều biết rằng, trở thành một người tốt hơn, thay đổi nội tâm mình bằng cách cố gắng làm vơi đi nỗi khổ niềm đau của đồng loại và góp phần giúp họ hạnh phúc là điều nên làm.
...
Vấn đề thực sự không phải là "có nên thay đổi hay không?" mà là "có thể thay đổi được hay không?". Chúng ta vẫn tưởng rằng cảm xúc của chúng ta gắn với tâm đến mức chúng ta không thể dứt bỏ được chúng, tính cách của chúng ta khó thay đổi. Tuy nhiên, tính nết của chúng ta sẽ cứ như vậy nếu chúng ta không làm gì cả để cải thiện chúng... Chúng không phải không thể thay đổi được.
Một mặt cơ bản của tâm thức
Chúng ta hiểu được điều đó một khi nắm được phẩm chất đầu tiên của tâm: đó đơn giản chỉ là sự nhận biết, chứ tự nó không tốt cũng không xấu. Nếu chúng ta phóng tầm nhìn ra ngoài những đợt sóng quay cuồng của dòng suy nghĩ (niệm) và những cảm xúc phù du lướt qua tâm trí của ta từ sáng đến tối, bao giờ chúng ta cũng nhận ra sự hiện diện mặt cơ bản này của tâm thức. Chính nó đã tạo ra và bao hàm mọi nhận biết, bất kể bản chất của sự nhận biết đó là gì.
Đạo Phật gọi mặt nhận biết này là "ánh sáng", bởi vì nó soi rọi cả thế giới bên ngoài lẫn thế giới bên trong (nội tâm) của các cảm giác, cảm xúc, những lập luận, những kỷ niệm, những hy vọng và những lo âu trong chúng ta, khiến chúng ta nhận biết ra những thứ đó. Mặc dù khả năng này gắn với nhiều sự kiện trong tâm trí, song nó không hề bị ảnh hưởng bởi những sự kiện kia. Một tia sáng có khả năng chiếu rọi vào một gương mặt giận dữ hoặc tươi cười, vào một vật báu hay một đống rác, nhưng tia sáng vẫn là tia sáng, tự nó không sạch cũng không bẩn. Nhận xét này giúp chúng ta nhận ra rằng, có thể thay đổi được vũ trụ tâm thức của mình, thay đổi được những gì chúng ta suy ngẫm và trải nghiệm. Thật vậy, cái nền trung tính và trong sáng của tâm hiến tặng chúng ta khoảng không gian cần thiết để quan sát các sự kiện diễn ra trong tâm, thay vì để chúng hành hạ, để rồi tạo ra những điều kiện nhằm chuyển hóa những sự kiện đó.
Thiền định là gì?
Thiền định là một cách giúp ta vun bồi và phát triển một số phẩm chất cơ bản của con người, cũng như một số hình thức tập luyện giúp chúng ta biết đọc, biết chơi một số nhạc cụ, hoặc có được bất cứ năng lực nào khác.
Về căn nguyên từ vựng, "thiền định" trong tiếng Phạn bhavana có nghĩa là chăm sóc, vun trồng và trong tiếng Tây Tạng gom có nghĩa là tự làm quen. Từ này có hàm ý là tự làm quen với một cách nhìn sáng suốt và đúng đắn về vạn vật, và vun trồng những phẩm chất mà ai cũng có nhưng còn nằm dưới dạng tiềm năng chừng nào chúng ta còn chưa nỗ lực phát triển chúng.
Một số người cho rằng, không cần thiết phải thiền bởi vì những trải nghiệm không ngừng về cuộc đời cũng đủ để tạo nên trí tuệ, và do đó, tạo nên cách sống và hành động của chúng ta. Rõ ràng là nhờ có sự tác động lẫn nhau với thế giới mà phần lớn các khả năng của chúng ta phát triển, như những cảm xúc chẳng hạn. Tuy nhiên ta có thể làm tốt hơn rất nhiều. ...
Như vậy, hãy bắt đầu bằng việc tự hỏi xem thực sự chúng ta mong muốn điều gì trong cuộc đời. Liệu chúng ta có chấp nhận lối sống ngày nào biết ngày đó hay không? Tận đáy lòng mình, chẳng lẽ chúng ta không cảm thấy sự bất ổn luôn hiện hữu trong khi chúng ta đều khát khao được hạnh phúc viên mãn hay sao?
...
Theo quan điểm của Phật giáo, mỗi người đều mang trong mình một tiềm năng Giác ngộ, cũng hệt như mỗi hạt vừng đều có chứa dầu như kinh sách đã nói. Mặc dù thế, chúng ta vẫn lang thang trong sự mê muội, tựa như những kẻ ăn mày vừa khốn khó vừa giàu sang bởi lẽ họ không biết rằng có cả một kho báu được chôn vùi trong túp lều của họ. Mục đích của đạo Phật là sở hữu được gia tài đã bị lãng quên đó, và nhờ thế, mang lại cho cuộc đời chúng ta ý nghĩa sâu sắc nhất có thể.
Chuyển hóa bản thân để thay đổi thế giới tốt hơn
Bằng cách phát triển các phẩm chất bên trong, chúng ta có thể giúp mọi người một cách tốt nhất. Lúc đầu, chúng ta chỉ biết trông đợi vào trải nghiệm cá nhân, nhưng sau này, trải nghiệm đó sẽ giúp chúng ta có cái nhìn bao quát hơn về tất thảy mọi người.
...
Theo đạo Phật, tình thương tha nhân, lòng mong ước cho những người khác được hạnh phúc, cũng như thái độ cảm thông - được định nghĩa là ước muốn làm cho mọi người bớt khổ và cải thiện những nguyên nhân gây khổ - không phải chỉ đơn thần là những tình cảm cao thượng: chúng có bản chất hài hòa với thực tại của vạn vật. Vô số chúng sinh đều muốn tránh khổ đau, cũng hệt như chúng ta. Vả lại, bởi vì chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau nên hạnh phúc và bất hạnh của người này đều gắn bó mật thiết với hạnh phúc và khổ đau của người khác. Vun bồi tình thương và lòng cảm thông chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta ở hai mặt: kinh nghiệm đã chứng minh rằng những tình cảm đem lại nhiều sung mãn nhất và những hành vi nảy sinh từ những tình cảm đó đều được coi là tốt lành, thánh thiện.
Khi hạnh phúc và khổ đau của người khác thực sự liên quan đến chúng ta, lúc đó, đương nhiên chúng ta sẽ suyu nghĩ và hành động một cách đúng đắn và sáng suốt. Để những hành động của chúng ta với mục đích giúp đỡ người khác mang lại kết quả tốt đẹp, chúng cần được trí tuệ hướng dẫn, một trí tuệ chỉ có khi ta thiền. Ý nghĩa của thiền là tự chuyển hóa bản thân để biến đổi thế giới một cách tốt lành hơn, hoặc trở thành một con người hay hơn để phục vụ những người khác tốt hơn.
Thiền giúp ta mang lại một cuộc đời ý nghĩa cao cả nhất.
Bình luận của bạn