Người bệnh sau ghép tạng nhiễm COVID-19 cần lưu ý gì?

ThS.BS Trần Minh Tuấn khám cho người bệnh sau ghép tạng - Ảnh: Benhvienvietduc

BV Hữu nghị Việt Đức: Phẫu thuật thành công cắt khối tá tụy bằng phương pháp mổ nội soi

BV Hữu nghị Việt Đức: Mang lại niềm vui, sự tin yêu cho người bệnh cao tuổi mắc COVID-19

BV Hữu nghị Việt Đức: Nỗ lực chăm sóc người bệnh COVID-19 trong những ngày Tết Nguyên đán

BV Hữu nghị Việt Đức: Phẫu thuật thành công ca bệnh giả tắc đại tràng hiếm gặp

ThS.BS Trần Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, tỷ lệ người bệnh tử vong sau ghép do COVID-19 trước đây rất cao, chiếm khoảng 20 – 30% bệnh nhân nhiễm bệnh. Tuy nhiên hiện nay nhờ công dụng của vacine đi kèm các thuốc điều trị COVID-19 như Molnupiravir, Favipiravir, thuốc kháng thể đơn dòng thì tỷ lệ tử vong giảm rõ rệt.

Tại Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, qua theo dõi ghi nhận đến hiện tại có khoảng 200 bệnh nhân sau ghép nhiễm COVID-19 nhưng chỉ có một vài bệnh nhân phải thở máy và chưa có ca nào tử vong do COVID-19, các bệnh nhân vẫn đang được tiếp tục theo dõi và điều trị.

Đối với những bệnh nhân ghép tạng nhiễm virus SARS-CoV-2 cần được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế và các khuyến cáo chung trên thế giới, trong đó giảm liều thuốc ức chế miễn dịch. 

Đây là biện pháp quan trọng vì nguy cơ làm bùng phát virus phát triển rất nhanh, đặc biệt là các thuốc ức chế tăng sinh (mycophenolat/ azathioprine) có trong phác đồ của thuốc điều trị chống đào thải sau ghép. Việc điều chỉnh này phải hết sức thận trọng và tuân theo chỉ định của bác sỹ vì có thể gây ảnh hưởng đến tạng ghép.

Đặc biệt, bệnh nhân được khuyến cáo cần tiêm vaccine đầy đủ và nên dùng thuốc kháng virus theo đúng quy định của Bộ Y tế. Tác dụng của vaccine không chỉ bảo vệ cho người được tiêm chủng mà còn có tác dụng với cả cộng đồng trong hạn chế mắc và lây nhiễm. Do vậy theo các hướng dẫn hiện hành của nhiều tổ chức chuyên môn khuyến nghị tiêm chủng cho tất cả những người ghép tạng đủ điều kiện sức khoẻ.

Virus SARS-CoV-2 có thể gây tổn thương lên các cơ quan: phổi, thận, tiêu hóa… một số bệnh nhân không có triệu chứng nhưng khi chụp X-quang, cắt lớp kiểm tra phổi vẫn phát hiện tổn thương.

Phòng bệnh bằng các biện pháp thông thường, kết hợp với tiêm vaccine là cần thiết để giảm tỷ lệ nhiễm và mức độ nặng của bệnh. Khi bệnh nhân nhiễm bệnh, cần đánh giá tình trạng bệnh nhân, tuỳ từng bệnh nhân để đưa ra biện pháp điều trị cụ thể.

Sau khi hết triệu chứng, bệnh nhân cần được làm các xét nghiệm xác định virus, thời gian cách ly dài hơn để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân và cộng đồng. Người bệnh sau ghép cần lưu ý đi kiểm tra sức khỏe hậu COVID-19 sớm để kịp thời phát hiện và điều trị các biến chứng có thể xảy ra, đồng thời tăng cường tập thể dục thể thao nâng cao sức đề kháng của cơ thể tránh nguy cơ tái nhiễm COVID-19.

 
Nguyễn An (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp