V.League và chuyện nội, ngoại binh giỏi

Vô địch V.League và chuyện của Thép Xanh Nam Định

V.League trở lại, lo ngại điều gì?

Dàn sao trẻ SLNA đang ngày một trưởng thành

Vòng 15 V.League 2023-2024 vừa kết thúc với những bất ngờ thú vị từ cặp đấu Thép Xanh Nam Định - Meryland Quy Nhơn Bình Định (2-4). Màn thể hiện chói sáng của bộ đôi tiền đạo người Brazine Alan và Artur của đội khách đã làm lu mờ chân sút đang dẫn đầu danh sách Vua phá lưới Rafeelson của đội chủ nhà với 15 bàn thắng và dù người còn lại Hendrio lập cú đúp tuyệt đẹp cũng không ngăn nổi trận thua bất ngờ trên con đường băng băng về đích của đội ứng viên vô địch mùa này.

Lâu nay, người ta thường nói về chuyện các đội bóng V.League thi đấu tốt hay không phần lớn nhờ vào sự xuất sắc của các ngoại binh. Điều đó hoàn toàn có cơ sở khi danh hiệu Vua phá lưới V.League nhiều mùa bóng vẫn điền tên các ngoại binh, từ Merlo hồi ở SHB Đà Nẵng đến Rimario ở Hải Phòng và Rafaelson ở Bình Định và giờ là Thép Xanh Nam Định, cùng các chân sút ngoại giành các kết quả cận kề khác như Mpande-Hải Phòng, Olaha-Sông Lam Nghệ An… Nhưng trong từng trận đấu cụ thể của V.League hiện nay, nhận định trên có thể không còn đúng nữa khi các chân sút nội ngày càng chen chân, chiếm chỗ xứng đáng.

Hendrio đang là nhân tố quyết định thành bại của Thép Xanh Nam Định - Ảnh: Thethaovanhoa

Hendrio đang là nhân tố quyết định thành bại của Thép Xanh Nam Định - Ảnh: Thethaovanhoa

Ở đỉnh bảng xếp hạng cho đến vòng 15, trận đấu Thép Xanh Nam Định - Bình Định vừa nêu, 2/4 bàn thắng của đội khách là do các chân sút nội Văn Đức và Văn Thuận ghi. Tất nhiên, chìa khóa của các bàn thắng này đều xuất phát từ các ngoại binh thi đấu biến hóa và chất lượng người Brazil nói trên, nhưng các chân sút nội này cũng vẫn ghi dấu ấn đáng kể, nhất là biết cách phối hợp với ngoại binh và dứt điểm sắc lạnh . Lối chơi phòng ngự-phản công của Bình Định phát huy hiệu quả cao nhờ hàng thủ chơi chặt chẽ, chuyển trạng thái mau lẹ và sự linh hoạt, kỹ năng tuyệt vời của Alan hay Artur đã khiến Thép Xanh Nam Định không kịp trở tay, nhận những bàn thua choáng váng, tâm phục khẩu phục.

Còn ở đáy bảng xếp hạng, trận đấu Khánh Hòa - Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (0-1) trên sân 19/8 Nha Trang cho thấy bước vươn lên thoát xa khu vực nguy hiểm đang dần sáng rõ của đội bóng do ông Nguyễn Thành Công dẫn dắt và đội chủ nhà tiếp tục bị “dí” ở vị trí xuống hạng. Ở đây cũng phải nói đến vai trò của ngoại binh, của việc bổ sung lực lượng ở lượt về đang tạo hiệu ứng tích cực hay ngược lại. Đội khách giành phần thắng với bàn duy nhất của ngoại binh Diallo, trong khi bên phía chủ nhà cả ba ngoại binh Coutinho, Watz và Alie vẫn chỉ là những cầu thủ “chân gỗ” mà thôi. Điều đáng nói ở Hồng Lĩnh Hà Tĩnh là cả nội và ngoại binh đều thay nhau lập công đều đặn, trong đó sự lên chân của Đình Tiến (4 bàn) là rất đáng ghi nhận và biểu dương.

Cũng câu chuyện nội, ngoại binh ở đáy bảng xếp hạng, không thể không nói đến đội áp chót sau vòng 15 là Sông Lam Nghệ An. Thật tiếc là trong 3 ngoại binh mà đội chủ sân Vinh đang sở hữu, chỉ có Olaha đáp ứng được yêu cầu đặt ra và xứng đáng với tấm băng đội trưởng trên tay; còn trung vệ Zebic là người thường xuyên mắc lỗi tệ hại dẫn đến bàn thua cho đội nhà (cả 2 trận gặp Công an Hà Nội đều “lập công” cho đối thủ); trong khi Susses đã hơn nửa mùa bóng chưa ghi bàn, xứng đáng là “chân gỗ số 1 ngoại binh V.League”. Không trông chờ được gì nhiều ở ngoại binh, Sông Lam Nghệ An phải tìm kiếm hy vọng ở các chân sút trẻ, nhưng không dễ để họ ghi được bàn thắng ở V.League. Mùa này, Xuân Tiến có 2 bàn thuộc loại đẳng cấp nhưng rất tiếc cầu thủ này lại vướng cả chấn thương lẫn án kỷ luật nội bộ, còn lại là thành tích một bàn trong sự khích lệ như Bá Quyền, Mạnh Quỳnh, Văn Lương, Sỹ Hoàng…

SLNA đang sống nhờ vào khát vọng của các nội binh như Xuân Tiến

SLNA đang sống nhờ vào khát vọng của các nội binh như Xuân Tiến

Một đội bóng xếp top cuối nữa là Hoàng Anh Gia Lai lâu nay cũng sống nhờ vào nội binh như Ngọc Quang hay Minh Vương, còn lần lượt các ngoại binh như Cley cũng chỉ là chân gỗ không hơn không kém và nhanh chóng bị loại, còn Joao mới về cũng chỉ tỏa sáng một lần rồi chìm khuất vào im lặng chán chường…

Cũng cần nói thêm câu chuyện không phải đội bóng nào cũng “mát tay” khi mua sắm ngoại binh, bởi ngoài Thép Xanh Nam Định, Bình Định… đạt được ý muốn thì cũng không ít đội bóng tậu phải hàng lởm như Thể Công-Viettel (mới đây thì tốt hơn) hay Hà Nội FC bổ sung, thay thế liên tục vẫn không thể có được ngoại binh tốt. Ở đây có chuyện thành tích đi liền với “đồng tiền, bát gạo” nhưng cũng không hiếm chuyện “hồ sơ long lanh” nhưng trên sân cỏ thì cùn mằn, vô hại.

Những ngoại binh chất lượng như Artur (Bình Định) vẫn sẽ là nhân tố chủ chốt ở các đội bóng của V.League - Ảnh: Danviet

Những ngoại binh chất lượng như Artur (Bình Định) vẫn sẽ là nhân tố chủ chốt ở các đội bóng của V.League - Ảnh: Danviet

V.League rõ ràng sẽ nâng cao chất lượng mọi mặt nếu có nhiều trận đấu trên cả tuyệt vời như trận Thép Xanh Nam Định - Bình Định ở vòng 15 hay Hà Nội FC -Thép Xanh Nam Định cả 2 lượt đi/về, trong đó cả ngoại binh lẫn ngoại binh thay nhau tỏa sáng. Bên cạnh đó, câu hỏi đặt ra là nếu các đội bóng vẫn “khoán” ghi bàn cho ngoại binh, đặt cược sinh mệnh mùa giải cho ngoại binh thì không khác gì đang kìm hãm quá trình đi lên của các cầu thủ Việt tài năng? Khi đó, các đội tuyển quốc gia sẽ gọi tên chủ yếu là các cầu thủ dự bị hoặc thi đấu “hộ công” ở câu lạc bộ cho ngoại binh mà thôi?

Thật không dễ để giải quyết câu chuyện tưởng đơn giản nhưng vô cùng khó nghĩ này trong quá trình phát triển của V.League và cả nền bóng đá. Nhưng nói cho cùng, điều cần thiết là các cầu thủ nội cần được cọ xát, đối đầu thường xuyên với các ngoại binh giỏi, học được ở họ về mọi mặt để từng bước trưởng thành, vươn lên. Quá trình đó phải có sự điều chỉnh liều lượng thích hợp, để làm sao rút ngắn dần khoảng cách về trình độ, năng lực giữa nội và ngoại binh, thậm chí vươn lên như cách người Nhật, người Hàn làm được khi đưa cầu thủ giỏi sang châu Âu thi đấu hàng loạt, chắc suất đá chính ở nhiều đội bóng hàng đầu châu Âu và thế giới.

Câu chuyện của Son Heung Min ở Tottenham, Endo ở Liverpool, Lee Kang-in ở PSG…thực sự là mẫu mực để các các nền bóng đá châu Á, trong đó có Việt Nam ngưỡng mộ và học hỏi. Và chắc chắn, bóng đá Việt không chỉ có duy nhất con đường mua sắm hay nhập tịch cầu thủ từ châu Âu, châu Mỹ, châu Phi như chúng ta đang say sưa thực hiện, đang tấm tắc khen Alan, Artur, Hendrio hay Rafaelson trong các vòng đấu V.League vừa qua?

 
Hoa Bùi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe