WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu với bệnh đậu mùa khỉ

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: AFP.

WHO tiếp tục xem xét tuyên bố tình trạng khẩn cấp với bệnh đậu mùa khỉ

Sự trỗi dậy của bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện liên tiếp ở 2 quốc gia Châu Á, WHO họp khẩn

Vượt 1.000 ca nhiễm toàn cầu, CDC nâng mức cảnh báo với bệnh đậu mùa khỉ

Theo Reuters, ngày 23/7, WHO đã kích hoạt cảnh báo cao nhất về sự lây lan của dịch đậu mùa khỉ, coi đây là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với WHO hiện coi đậu mùa khỉ là mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe toàn cầu, do đó, thế giới cần phối hợp hành động để ngăn chặn nguy cơ bùng phát đại dịch.

Tuyên bố này không có ý nghĩa bắt buộc chính phủ các nước hành động, nhưng là một lời kêu gọi hành động khẩn cấp, WHO chỉ có thể đưa ra những hướng dẫn, khuyến nghị cho các quốc gia thành viên.

Quyết định trên được đưa ra sau khi WHO triệu tập cuộc họp của Ủy ban chuyên gia. Đây là cuộc họp thứ 2 của Ủy ban trên nhằm đánh giá liệu có phải tình hình đang xấu đi, trong bối cảnh từ đầu năm đến nay, WHO đã nhận được báo cáo hơn 16.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở hơn 75 quốc gia và 5 trường hợp tử vong ở Châu Phi. Số ca nhiễm bệnh tăng 77% trong khoảng thời gian từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7.

“Tôi đã quyết định tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu hiện nay là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng mà quốc tế lo ngại” - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO nói.

Ông Tedros cho biết, trong khi Ủy ban không thể đạt sự đồng thuận với 9 thành viên phản đối và 6 thành viên ủng hộ tuyên bố, tổng giám đốc WHO đã đi đến quyết định sau khi xem xét 5 yếu tố cần thiết để quyết định xem vụ bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện tại có phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm hay không.

Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm (PHEIC) được WHO định nghĩa như một "sự kiện bất thường", "tạo thành mối nguy hại đến sức khỏe cho các quốc gia thông qua sự lây lan của bệnh tật quốc tế", yêu cầu các "phản ứng phối hợp" từ nhiều quốc gia. Đây là lần thứ hai trong hơn 2 năm, WHO phải tuyên bố về PHEIC. Lần trước là đối với dịch COVID-19, đến nay vẫn giữ tình trạng khẩn cấp.

Tổng giám đốc WHO mô tả bệnh đậu mùa khỉ là một mối đe dọa sức khỏe đang ngày càng gia tăng. Ông kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới tăng cường giám sát, truy vết, xét nghiệm và đảm bảo rằng những người có nguy cơ cao được tiếp cận với vaccine và thuốc kháng virus.

"Mặc dù tôi đang tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm, nhưng hiện tại đây là đợt bùng phát tập trung ở những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới, đặc biệt là những người có nhiều bạn tình. Điều đó có nghĩa là đây là một đợt bùng phát có thể được dừng lại với các chiến lược phù hợp trong các nhóm phù hợp", ông Tedros nói trong một cuộc họp báo tại Geneva, theo CNN.

Ông Tedros cũng nói thêm: "Kỳ thị và phân biệt đối xử có thể nguy hiểm như bất kỳ loại virus nào".

Đợt lây lan này của bệnh đậu mùa khỉ được cho là khá bất thường bởi nó lan nhanh cả ở các nước Bắc Mỹ và Châu Âu, trong khi trước kia chủ yếu ghi nhận ở Châu Phi. Châu Âu hiện là "tâm dịch" với hơn 80% số ca đậu mùa khỉ toàn cầu ghi nhận trong năm 2022. Mỹ báo cáo hơn 2.000 ca ở 43 bang.

Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền thế nào? Triệu chứng điển hình ra sao?

Những triệu chứng điển hình và cách lây truyền bệnh đậu mùa khỉ giữa người với người - Ảnh: Getty Images

Những triệu chứng điển hình và cách lây truyền bệnh đậu mùa khỉ giữa người với người - Ảnh: Getty Images

Theo Bộ Y tế, tài liệu về bệnh đậu mùa khỉ của WHO cho thấy, đậu mùa khỉ là một bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Đây là bệnh lây nhiễm từ động vật do virus, có nghĩa là bệnh có thể lây lan từ động vật sang người. Đặc biệt, bệnh cũng có thể lây truyền giữa người với người.

Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm: Sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Ban của bệnh đậu mùa khỉ thường bắt đầu trong 1 - 3 ngày khởi sốt; tổn thương da có thể phẳng hoặc hơi nổi, chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng, và sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy. Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài cho đến vài nghìn nốt. Ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt.

Theo đó, người mắc bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ làm lây nhiễm bệnh ra những người xung quanh trong thời gian có triệu chứng (thông thường là từ 2- 4 tuần). 

Ngoài lây truyền qua đường tình dục, mọi người có thể bị lây bệnh đậu mùa khỉ do tiếp xúc gần hoặc dùng chung đồ dùng sinh hoạt với người có triệu chứng. Các nốt ban, dịch cơ thể (như dịch, mủ hoặc máu từ tổn thương trên da) và vảy ở người bệnh có nguy cơ làm lây nhiễm. Các vết loét, tổn thương hoặc chỗ đau trong miệng người bệnh cũng có nguy cơ làm lây nhiễm, nghĩa là virus có thể lây qua nước bọt. Virus đậu mùa khỉ cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con đối với các thai phụ mắc bệnh.

Việt Nam hiện chưa ghi nhận ca đậu mùa khỉ nào, tuy nhiên Bộ Y tế luôn cảnh báo bệnh có nguy cơ xâm nhập. Tại Châu Á, hai nước là Thái Lan và Singapore đã phát hiện các ca đậu mùa khỉ.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Reuters/CNN)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn