BA.5 đang "càn quét" Mỹ và Châu Âu khiến nhiều người có kế hoạch du lịch nước ngoài lo lắng.
Mẹo ngăn ngừa chứng đau nửa đầu khi đi du lịch
Retreat - xu hướng du lịch không thể bỏ qua trong mùa Hè này
Nắng nóng kỷ lục "thiêu đốt" Châu Âu, hàng trăm người chết vì sốc nhiệt
WHO: Châu Âu lại trở thành "tâm điểm" của làn sóng COVID-19 mới
BA.5, biến thể phụ của Omicron đang lây lan nhanh chóng, dần trở thành biến thể "thống trị" ở Mỹ và tạo ra một làn sóng các ca bệnh COVID-19. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) báo cáo, hiện trung bình có hơn 120.000 trường hợp mắc mới mỗi ngày ở Mỹ và không bao gồm ước tính lớn về những người không báo cáo kết quả từ các xét nghiệm tại nhà. Số ca nhập viện vì COVID-19 ở Mỹ cũng đã tăng 10% trong tuần qua, theo dữ liệu theo dõi từ The Washington Post.
Trong khi một bộ phận người dân đã có tâm lý chủ quan khi được tiêm vaccine và có kháng thể từ các lần mắc bệnh trước đó, các chuyên gia cho rằng, những yếu tố đó vẫn chỉ cung cấp khả năng bảo vệ hạn chế để có thể chống lại biến thể BA.5.
Còn tại Châu Âu, không chỉ nắng nóng, khu vực này còn đang đối mặt với làn sóng COVID-19 ngay trong mùa Hè, trái ngược với dự đoán của nhiều chuyên gia rằng virus có khả năng trở lại trong mùa Thu Đông.
Trả lời phỏng vấn Hãng Reuters ngày 20/7, ông Hans Kluge, Giám đốc khu vực Châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, WHO đang thúc giục các nước Châu Âu hãy nhanh chóng hành động để tránh tình trạng các hệ thống y tế bị quá tải vào mùa Thu tới, trong bối cảnh biến thể phụ của Omicron là BA.5 tiếp tục lây lan nhanh chóng. Nếu không kịp thời hành động, ông Kluge cảnh báo các nước sẽ không thoát được viễn cảnh siết chặt các quy định phòng dịch trong tương lai gần.
Trước tình hình này, nhiều người cũng không khỏi băn khoăn có nên đi du lịch nước ngoài vào thời điểm này hay không và nếu đi thì làm sao để an toàn?
BA.5 đang lan truyền ở đâu?
Andy Pekosz, một nhà virus học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg dự đoán, biến thể BA.5 sẽ phổ biến trên toàn thế giới. “Bất cứ nơi nào BA.5 được phát hiện, nó đang tăng với tốc độ nhanh hơn hầu hết các biến thể Omicron khác ở xung quanh,” ông nói.
Jorge Moreno, một trợ lý giáo sư y khoa tại Trường Y Yale cũng đồng ý với quan điểm này và nói thêm rằng tính lan truyền trong cộng đồng của BA.5 rất cao. Từ các dữ liệu cho thấy, một người có thể bị nhiễm BA.5 ngay cả khi trước đó họ vừa bị nhiễm một biến thể Omicron khác.
Nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng biến chủng phụ BA.4 và BA.5 của Omicron có lợi thế lây nhiễm và khả năng né tránh miễn dịch tốt hơn các chủng trước đó. Nói cách khác, kháng thể từ vaccine và nhiễm bệnh tự nhiên đều không cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ. Đây cũng là lý do khiến BA.4 và BA.5 trở thành hai biến chủng trội.
Có nên đi du lịch thời điểm này?
Du khách nên cân nhắc giữa những nguy cơ từ việc lây nhiễm COVID-19 với giá trị đem lại từ những chuyến đi là sự thoải mái về mặt tinh thần. Mỹ đã bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 để vào nước này từ tháng 6, nhưng CDC khuyến nghị du khách nên tự test virus ở nhà càng gần thời gian khởi hành của mình càng tốt. Nếu bạn đang cảm thấy có bất kỳ triệu chứng COVID-19 nào, bạn nên thay đổi hoặc hoãn chuyến bay của mình.
Andy Pekosz cho biết: "Tốt nhất là bạn nên thận trọng và tránh đi máy bay ngay cả khi bạn bị sổ mũi hoặc ho. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn cảm thấy khỏe mạnh, điều quan trọng là phải đeo khẩu trang chất lượng cao và giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 2 mét với mọi người khi di chuyển ở sân bay".
Đồng tình với quan điểm trên, Georges Benjamin, giám đốc điều hành của Hiệp hội Y tế Công cộng Mỹ cho biết: “Việc đeo khẩu trang nên bao gồm ở trên xe bus đưa đón, đi qua an ninh, trong nhà ga và trên máy bay. Mặc dù không còn bắt buộc phải đeo khẩu trang khi đi máy bay, nhưng nhiều chuyên gia y tế khuyên rằng du khách vẫn nên đeo khẩu trang khi đi máy bay cũng như các loại hình giao thông công cộng khác".
Nếu bị mắc COVID-19, nên đợi bao lâu thì đi du lịch?
Có 2 yếu tố cần xem xét để có thể đi du lịch trở lại sau khi nhiễm bệnh đó là: Các triệu chứng và xét nghiệm nhanh COVID-19 âm tính.
Các chuyên gia khuyên bạn nên chờ sau 10 ngày để thực hiện chuyến đi du lịch kể từ lúc xuất hiện các triệu chứng ban đầu khi mắc COVID-19, hoặc 10 ngày sau khi nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 dương tính. Ngoài ra, cũng nên tạm hoãn chuyến đi du lịch trong ít nhất 5 ngày nếu bạn tiếp xúc gần với người đã được chẩn đoán mắc COVID-19.
Có nên hủy chuyến du lịch nước ngoài thời điểm này?
Theo Washington Post, tính đến nay, các "điểm nóng" COVID-19 trên toàn cầu được báo cáo bao gồm các điểm đến du lịch phổ biến như: Italia, Pháp, Hy Lạp, Singapore, Australia và New Zealand. Ngoài ra, khu vực Tây Âu và Trung Mỹ cũng đang cho thấy sự gia tăng nhanh chóng của làn sóng COVID-19 mới.
Những người đang có kế hoạch đi du lịch nước ngoài Hè năm nay nên tìm hiểu các hướng dẫn và quy định phòng dịch tại các quốc gia mình dự định đến thăm. Điều này bao gồm mọi yêu cầu về xét nghiệm, tiêm chủng hoặc đeo khẩu trang có thể được áp dụng.
Điều quan trọng nữa là các du khách nên đảm bảo đã được tiêm phòng đầy đủ (ít nhất 2 mũi vaccine COVID-19) và tăng cường sức khỏe trước khi đi du lịch. Những người chưa được tiêm phòng COVID-19, những người mắc bệnh mạn tính hoặc có nguy cơ mắc bệnh nặng khi mắc COVID-19 nên xem xét lại kế hoạch đi du lịch nước ngoài thời điểm này. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, du khách nên mua bảo hiểm du lịch và bảo hiểm y tế du lịch, phòng trường hợp không may mắc COVID-19 buộc họ phải cách ly trong chuyến đi hoặc trì hoãn việc đi lại.
Bình luận của bạn