Giá trị của di chúc y khoa được công nhận qua hệ thống công chứng là đủ và sẽ không gây tốn kém chi phí hay thời gian của người bệnh.
Di chúc y khoa: Cần thiết hay không?
Hãy… tha cho ngành y
Điều kỳ diệu y khoa 2015?
Tai biến y khoa: Kỳ tích và tội đồ trong gang tấc
Đây cũng được xem là “di chúc sống”, ghi lại ý muốn của bệnh nhân muốn sống như thế nào khi đã bệnh nặng đến nỗi không còn có khả năng quyết định chuyện sống chết của mình.
Theo đó, việc lập “di chúc sống” sẽ nói rõ ước nguyện của người bệnh khi gần đất xa trời xem họ có muốn được cứu sống để phải lệ thuộc vào máy trợ thở hay sống đời sống thực vật không.
Nội dung của di chúc y khoa thường gồm:
- Điều bệnh nhân mong muốn trong quá trình chăm sóc y khoa nếu có diễn tiến xấu hoặc có khả năng tử vong. Bệnh nhân sẽ ghi rõ họ có cần tiến hành hồi sức cấp cứu hoặc sử dụng các biện pháp duy trì sự sống như dùng máy thở, nuôi ăn nhân tạo… hay không. Trong trường hợp bệnh nhân quyết định “không cấp cứu” (Do not resuscitate order – DNR) thì các bác sĩ hay nhân viên y tế sẽ không dùng bất cứ biện pháp cấp cứu nào khi người bệnh ngưng thở.
- Ý muốn của bệnh nhân trong trường hợp bị rơi vào hoàn cảnh sống thực vật, xem họ có muốn duy trì cuộc sống trong trường hợp này hay không.
- Chỉ định người có thẩm quyền quyết định nếu bệnh nhân rơi vào trạng thái không ý thức, người này có thể là con cái, anh chị em hay bất cứ ai được tin cậy.
- Ý muốn của bệnh nhân về thân thể của mình sau khi chết, bao gồm việc hiến cơ quan và việc mổ xác.
Di chúc y khoa có cần thiết hay không?
Đã 40 năm từ ngày thống nhất đất nước, ngành y khoa của nước ta đã nhanh chóng bắt kịp các nước khác về các kỹ thuật y khoa hiện đại, các thiết bị máy móc mới nhất nhưng điều mà chúng ta còn phải cần học hỏi, cập nhật nhanh hơn là các quy tắc ứng xử trong ngành y tế. Trong đó, di chúc y khoa là một trong những điều mà chúng ta đang cần nghiên cứu và áp dụng sớm.
Có rất nhiều tình huống đang xảy ra mỗi ngày mà người bác sĩ điều trị rất vất vả để tìm ra giải pháp phù hợp, chẳng hạn như:
(1) Trường hợp một bệnh nhân không có ý thức được việc mình cần được phẫu thuật cấp cứu với tỷ lệ rủi ro cao. Trong khi đó, các thành viên trong gia đình cho nhiều ý kiến khác nhau và không thống nhất được việc đồng ý hay không đồng ý mổ, gây khó khăn cho bác sĩ trong quá trình điều trị.
(2) Trường hợp một bệnh nhân không có ý thức cần phẫu thuật cấp cứu với tỷ lệ rủi ro cao, có mặt bên cạnh bệnh nhân chỉ có bạn bè, hàng xóm, con dâu, con rể… và không ai muốn nhận trách nhiệm để ký vào cam kết đồng ý mổ.
(3) Trường hợp bệnh nhân bị bệnh ngặt nghèo đã đồng ý hiến tạng nhưng sau khi tử vong, gia đình cương quyết từ chối dù bệnh viện đang có nhu cầu bức thiết cho một bệnh nhân đã lên lịch mổ.
(4) Trường hợp bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, vô cùng đau đớn, diễn tiến ngưng tim ngưng thở. Nhờ sự tận tình hồi sức của bác sĩ, bệnh nhân lại sống tiếp thêm vài ngày, vài tuần… nhưng quan điểm của gia đình là muốn người thân của mình “đi” sớm để giảm bớt đau đớn. Họ không cần bác sĩ hồi sức nhưng theo quy định của ban giám đốc, nếu bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở thì bắt buộc phải tiến hành hồi sức.
(5) Trường hợp bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, sau khi cấp cứu thì bệnh nhân rơi vào trạng thái thực vật và phải thở máy liên tục. Bác sĩ tiên lượng nếu tiếp tục dùng máy thở và nuôi ăn tĩnh mạch, bệnh nhân hoàn toàn có thể được duy trì cuộc sống nhiều tháng sau đó hay cho đến khi nào ngắt máy thở. Vậy ai là người quyết định việc ngắt máy?…
Những trường hợp nêu trên hoàn toàn không phải là các sự cố tưởng tượng mà là những việc thật, người thật mà các bác sĩ phải gặp hằng ngày. Tuy không hẳn là “quyền được chết” nhưng khá nhiều tình huống trong đó có thể coi là quyền “không muốn sống”.
Chính vì vậy, di chúc y khoa có thể xem là một trong những văn bản cần thiết khi người bệnh đến khám ở bệnh viện hoặc phòng khám, nhất là khi bị bệnh nặng và có khả năng diễn tiến xấu bất cứ lúc nào.
Với trình độ dân trí và hoàn cảnh kinh tế xã hội hiện nay, việc đưa ra quyền được chết ở Việt Nam vẫn là một cú sốc cho cả người bệnh lẫn những người đang làm nghề y. Ngay cả khi luật được thông qua, không mấy người bác sĩ mạnh dạn tước đi cuộc sống của người khác.
Việc đưa vào áp dụng di chúc y khoa làm theo ý muốn chủ quan của người bệnh, sẽ giúp các bác sĩ lâm sàng dễ dàng hơn trong các quyết định của mình đồng thời cũng sẽ làm nhẹ gánh cho các thành viên trong gia đình.
Việc đưa ra di chúc y khoa là tự nguyện, khuyến cáo cho những đối tượng đặc biệt, chẳng hạn như những người mất khả năng ý thức. Mặt khác, di chúc y khoa là một văn bản có tính pháp lý nên cần được chuẩn hóa bằng luật hay các văn bản dưới luật.
Giá trị của di chúc y khoa được công nhận qua hệ thống công chứng là đủ và sẽ không gây tốn kém chi phí hay thời gian của người bệnh.
Bình luận của bạn