WHO: Châu Âu lại trở thành "tâm điểm" của làn sóng COVID-19 mới

Một buổi hòa nhạc ngoài trời được tổ chức ở Sermamagny, Pháp, vào ngày 3/7 - Ảnh: AFP/Getty Images.

Làn sóng Omicron: Chương cuối của đại dịch COVID-19?

Tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, 4 là để bảo vệ cả cộng đồng

Đại dịch COVID-19 quét qua nước Mỹ

Bộ Y tế yêu cầu đẩy nhanh việc sử dụng vaccine COVID-19

Theo Bloomberg, phát biểu tại cuộc họp báo hôm 6/7, Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO, cho biết: “Chúng ta lại đang chứng kiến một làn sóng COVID-19 dữ dội hơn lan khắp Châu Âu. Và nó cũng sẽ xảy ra ở những nơi khác nữa, như đã thấy tại Đông Nam Á và khu vực phía Đông Địa Trung Hải”.

Số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu tăng 30% trong 2 tuần qua, với hai biến thể phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 đang gây ra tình trạng gia tăng lây nhiễm ở Châu Âu và Mỹ. WHO cũng cho biết, tổ chức này đang theo dõi một biến thể phụ nữa là BA2.75, được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ.

Tiến sĩ Ryan cho rằng, làn sóng lây nhiễm COVID-19 ở Châu Âu trong mùa Hè hiện nay là kết quả của việc người dân tham gia các hoạt động tập thể lớn và đi du lịch nhiều hơn, dù điều kiện nhiệt độ cao khiến virus khó lây lan hơn.

Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là làn sóng mới lần này vẫn chưa dẫn đến sự gia tăng số người nhập viện, số người cần chăm sóc đặc biệt hay số ca tử vong, nhờ hiệu quả bảo vệ của vaccine. 

Tuần trước, Anh báo cáo số ca mắc tăng 32% và cho biết số lượng người nhập viện đang tăng, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với những làn sóng bùng phát trước đó.

WHO khuyến cáo các quốc gia nên bảo đảm “bức tường miễn dịch” vững chắc, triển khai mũi tiêm tăng cường cho các nhóm dễ bị tổn thương, duy trì các biện pháp giám sát, sử dụng thuốc kháng virus và các biện pháp đã được kiểm nghiệm để giảm tình trạng lây nhiễm.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, mặc dù mọi làn sóng tái bùng phát đều cần được đánh giá cẩn trọng, nhưng tình hình hiện nay thế giới đang ở trạng thái chống dịch tốt hơn so với năm 2020, khi đại dịch mới bùng phát.

"Chúng ta sẽ không trở thành 'con tin' của virus như hai năm qua. Chúng ta đã nghiên cứu về nó và có những công cụ tốt hơn để chống lại nó”, ông Tedros nhấn mạnh.

Đông Nam Á siết phòng dịch trước nguy cơ đợt bùng phát COVID-19 mới

Các học viên đeo khẩu trang tập luyện tại một trung tâm dạy múa ballet ở Jakarta, Indonesia, ngày 4/7 - Ảnh: Reuters

Các học viên đeo khẩu trang tập luyện tại một trung tâm dạy múa ballet ở Jakarta, Indonesia, ngày 4/7 - Ảnh: Reuters

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 4 khu vực ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng nhiều nhất là: Đông Nam Á, Đông Địa Trung Hải, Châu Âu và Châu Mỹ. Trên toàn cầu, số ca tử vong vẫn đang ở mức trung bình, nhưng tăng tại ba vùng Đông Nam Á, Đông Địa Trung Hải và Châu Mỹ.

Dù biến chủng BA.5 được nhận định ít gây triệu chứng nguy hiểm, nhưng các nước Đông Nam Á vẫn đẩy mạnh hoạt động chống dịch bằng các biện pháp chủ động như tiêm vaccine, xét nghiệm tại nhà... để ngăn chặn đợt bùng phát mới.

Theo Bloomberg, kể từ ngày 4/7, người dân Indonesia cần xuất trình chứng nhận tiêm liều thứ 3 (liều tăng cường) vaccine COVID-19 nếu muốn đến các khu vực đông người. Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết chính phủ đang tìm cách khuyến khích người dân tiêm phòng đầy đủ để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh mới.

Ngoài ra, chính phủ Indonesia cũng có kế hoạch yêu cầu tiêm mũi tăng cường vaccine đối với tất cả du khách nhập cảnh, thay vì chỉ cần chứng nhận tiêm 2 liều như trước. Hiện biến chủng BA.4 và BA.5 chiếm 81% trong số các ca nhiễm mới tại Indonesia. Theo Bộ trưởng Sadikin, tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát. Thông điệp chung đến người dân là đeo khẩu trang trong nhà, tại những nơi đông người và tiêm liều vaccine tăng cường.

 

Còn tại Thái Lan, do tình hình COVID-19 "nóng" trở lại, Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 Thái Lan (CCSA) cho biết, việc tuyên bố chấm dứt đại dịch COVID-19 sẽ hoãn lại đến ngày 8/7 trong khi chờ các cơ quan y tế đánh giá thêm các biến thể mới và tác động từ việc gỡ bỏ các biện pháp hạn chế, theo Bangkokpost.

Bộ Y tế Thái Lan cho biết đang theo dõi 2 biến thể dễ lây lan là BA.4 và BA.5, hiện đã được phát hiện trên 181 bệnh nhân mắc COVID-19. Điều gây lo lắng là 2 biến thể này có thể liên quan đến các trường hợp bị viêm phổi. 

Ngoài ra, dẫn lời nhà khoa học Manoon Leechawengwongs cho biết, số bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện ở các bệnh viện tại Bangkok đang tăng trở lại. Riêng bệnh viện Vichaiyut có nhiều ca đến mức nơi đây phải mở lại khu vực dành cho bệnh nhân COVID-19, theo Bangkokpost.

Khác với Indonesia, Thái Lan không coi tiêm vaccine tăng cường là biện pháp nòng cốt kiểm soát COVID-19 trong giai đoạn mới, vì số lượng bệnh nhân nhiễm biến chủng phụ BA.4 và BA.5 còn thấp. Nước này cũng chưa có ý định tái áp dụng "Thẻ thông hành Thái Lan" dành cho người nhập cảnh.

Theo Straits Times, Singapore ghi nhận đợt tái bùng phát COVID-19 kể từ tháng 6, sớm hơn các nước trong khu vực. Giới chức nước này hôm 27/6 cho biết sẽ cấp phát 10 bộ kit xét nghiệm kháng nguyên tại nhà cho mỗi hộ gia đình nhằm kiềm chế sự lây lan của làn sóng COVID-19 mới.

Theo Phó Thủ tướng Lawrence Wong, số ca mắc mới gia tăng chủ yếu do các biến chủng BA.4 và BA.5. Bộ Y tế Singapore ngày 21/6 cho biết hai biến chủng chiếm khoảng 30% tổng số trường hợp dương tính, tăng 17% so với một tuần trước đó. Tuy nhiên, ông Wong cho rằng, Singapore "có thể vượt qua làn sóng COVID-19 mới" mà không cần siết chặt các biện pháp hiện có.

Trong khi đó, Bộ Y tế Malaysia hôm 4/7 cũng đưa ra cảnh báo về sự xâm nhập của hai biến chủng BA.4 và BA.5. Tuy nhiên, giới chức chưa có ý định tái áp dụng các biện pháp hạn chế như giai đoạn trước đó. Bộ Y tế nước này khuyến cáo, người dân cần tuân thủ các biện pháp như đeo khẩu trang ở không gian kín, đông người, tiêm vaccine (kể cả trẻ em và thiếu niên từ 5 đến 17 tuổi), tiêm liều thứ 4 nếu bị suy giảm miễn dịch và làm việc trong môi trường có nguy cơ cao.

 

Việt Nam ngày 27/6 ghi nhận biến chủng phụ BA.5 của Omircon. Giáo sư Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết việc xuất hiện biến chủng mới được cảnh báo từ trước, là tất yếu do sự mở cửa giao lưu về kinh tế, thực hiện bình thường mới.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cảnh báo nếu người dân chủ quan trong tiêm mũi vaccine nhắc lại và không chú trọng các biện pháp phòng chống, dịch bệnh có nguy cơ rất cao bùng phát trở lại. Do đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương đôn đốc, hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19 mũi 3, 4 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 -12 tuổi, nhằm ngăn chặn làn sóng COVID-19 mới.

Hiệp Nguyễn (Theo Bloomberg/Straits Times/Bangkokpost)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin