- Chuyên đề:
- Bà bầu và trẻ sơ sinh
Mẹ chỉ có thể sinh ra một em bé, nhưng mẹ có thể là mẹ của nhiều em bé khác
Hơn 47.000 trẻ sơ sinh được sử dụng sữa mẹ từ ngân hàng sữa mẹ
Sữa mẹ giúp giảm nguy cơ viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Bộ Y tế triển khai Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ năm 2022
Mẹ nên ăn gì để có nguồn sữa tốt nhất cho con?
Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên trên thế giới được thành lập vào năm 1909 tại Vienna (thủ đô nước Áo). Cho tới nay, đã có hơn 700 ngân hàng sữa mẹ tại hơn 60 nước trên toàn thế giới, hầu hết đều là những mô hình hoạt động phi lợi nhuận. Nguồn sữa sử dụng là sữa của những bà mẹ hiến tặng. Đây được coi là một hành động vô cùng cao cả, đem lại “nguồn sống” cho những trẻ sơ sinh mang bệnh, đặc biệt là trẻ sinh non, nhẹ cân.
Chính vì vậy, Tổ chức Alive & Thrive cùng GAMBA - Liên minh các Hiệp hội và Ngân hàng Sữa mẹ Toàn cầu đã quyết định lấy ngày 19/5 hàng năm là Ngày Hiến tặng Sữa mẹ Thế giới, nhằm hướng tới tôn vinh những nghĩa cử hiến tặng sữa mẹ cao đẹp.
Các ngân hàng sữa mẹ làm nhiệm vụ thu thập, sàng lọc, lưu trữ và phân phối sữa mẹ. Sữa mẹ hiến tặng sẽ được thu thập, sau đó tiến hành lựa chọn và sàng lọc cẩn thận các mầm bệnh như HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai… Tiếp theo, sữa sẽ được xử lý thanh trùng và bảo quản theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo nguồn sữa luôn vệ sinh và giữ được tối đa các chất dinh dưỡng.
Nói về lợi ích của sữa mẹ mang lại, không thể không nhắc đến những tiến bộ vượt bậc trong vấn đề chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh bệnh lý, đặc biệt là trẻ sinh non, nhẹ cân từ khi các ngân hàng sữa mẹ được thành lập. Theo đó, tỉ lệ tử vong đã giảm mạnh, tỉ lệ nhiễm khuẩn sơ sinh giảm 15% và đặc biệt tỉ lệ mắc viêm ruột hoại tử ở trẻ sinh non cũng giảm hơn 75%. Không những thế, sử dụng sữa từ ngân hàng sữa mẹ còn làm tăng tỉ lệ bú mẹ từ 34% lên tới 74% trên đối tượng trẻ sơ sinh mắc bệnh, theo nghiên cứu từ các bệnh viện tại miền Nam Ấn Độ vào năm 2019.
Nhận biết được vai trò to lớn của sữa mẹ, Bệnh viện Nhi Trung ương đã thành lập ngân hàng sữa mẹ từ tháng 3/2022. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, đến nay, ngân hàng sữa mẹ của Bệnh viện Nhi Trung ương đã thu về và xử lý được khoảng 350 - 400 lít sữa mẹ hiến tặng mỗi tháng. Số lượng này vừa đủ để cung cấp dinh dưỡng cho các bệnh nhi sơ sinh đang điều trị tại bệnh viện. Theo thống kê nhanh, sau khi ngân hàng sữa mẹ đi vào hoạt động tại Trung tâm Sơ sinh, vào năm 2023, chỉ có 2,3% trẻ mắc viêm ruột hoại tử trên 4.126 trẻ điều trị nội trú. Đây là một con số rất đáng khích lệ.
Ngân hàng sữa mẹ có thể vận hành tốt, cung cấp đủ sữa cho những trẻ sơ sinh non, yếu, bệnh và nhẹ cân là nhờ nghĩa cử nhỏ nhưng mang ý nghĩa to lớn của các bà mẹ hiến sữa. Nhân Ngày Hiến tặng Sữa mẹ Thế giới năm nay, hy vọng hành động, nghĩa cử cao đẹp này sẽ được lan toả rộng khắp, để có nhiều hơn nữa các em bé được tiếp cận sớm với sữa mẹ, từ đó phòng tránh và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý sơ sinh, đem lại nguồn sống cho các bé.
Bình luận của bạn