Biểu hiện bệnh thoái hóa khớp

Bệnh lý xương khớp gây đau và khó khăn trong vận động

Bị viêm xương khớp có nên dùng thực phẩm chức năng?

Chả lá lốt trị đau nhức xương khớp

Bị viêm xương khớp nên ăn gì để giảm đau?

Đây là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh lý xương khớp, liên quan với tuổi tác và là nguyên nhân chính gây đau, mất khả năng vận động, giảm chất lượng cuộc sống ở người cao tuổi, gây tàn phế, chi phí y tế tốn kém tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Triệu chứng lâm sàng quan trọng và thường gặp của thoái hóa khớp là đau mãn tính. Hệ quả của thoái hoá khớp là mất chức năng vận động của khớp, trong đó thoái hóa khớp gối là nguyên nhân hàng đầu của phẫu thuật khớp hay thay khớp.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Thoái hóa khớp là một quá trình bệnh khó tránh khỏi ở người cao tuổi, nhưng không phải ai cũng mắc bệnh ở tuổi già. Phòng bệnh đóng vai trò rất quan trọng vì có thể ngăn ngừa và hạn chế các yếu tố thúc đẩy quá trình thoái hóa, làm quá trình này xảy ra chậm hơn, nhẹ hơn hoặc muộn hơn. Các biện pháp bao gồm:

- Điều chỉnh cân nặng ở trọng lượng lý tưởng, tránh dư cân béo phì.

- Tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động hằng ngày như động tác gập gối, ngồi xổm, leo trèo, đứng nhiều, lắc tay, bảo đảm vệ sinh và an toàn lao động để giảm các lực tỳ đè bất hợp lý lên sụn khớp.

- Cố gắng tập thể dục hằng ngày và giữa các giờ lao động. Khi có tuổi cần duy trì chế độ tập thể dục điều đặn, vừa sức, tốt nhất là đi xe đạp, đi bộ, bơi lội, tập dưỡng sinh...

- Tránh các động tác quá mạnh, đột ngột, tránh sai tư thế khi mang vác nặng.

- Phát hiện và điều trị sớm các dị tật, các di chứng của chấn thương, các bệnh lý tại khớp và cột sống.

- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối. Đặc biệt bổ sung can-xi, vitamin D và vitamin C vào khẩu phần ăn hằng ngày của người có tuổi.

Điều trị thoái hóa khớp

Cho đến nay vẫn chưa có thuốc hiệu quả nhằm điều trị hoàn toàn bệnh thoái hóa khớp. Điều trị (nội khoa, ngoại khoa) chủ yếu nhằm mục đích giảm đau, duy trì vận động khớp và làm chậm tiến triển của bệnh. Lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp cần dựa trên hoàn cảnh cụ thể của từng bệnh nhân, như: tuổi, cân nặng, mức độ thoái hóa cũng như các bệnh kèm theo.

Trước khi hoặc bên cạnh sự can thiệp của thầy thuốc, người bệnh cần phải biết và quan tâm đến những biện pháp điều trị nội khoa không dùng thuốc như sau:

- Biện pháp chung: tránh cho khớp bị quá tải bởi lực đè quá mức bằng giảm cân và giảm các vận động chịu tải như mang xách nặng, ngồi xếp bằng, quỳ gối, chạy nhảy, ngồi xuống đứng lên, ngồi xổm. Người bệnh cần điều chỉnh cách sống phù hợp, như lựa chọn nghề ít đi lại, ít tải trọng, tìm các biện pháp cho người bệnh thích nghi với điều kiện làm việc, với sự trợ giúp của tổ chức y tế qua việc giáo dục, phổ biến kiến thức về bệnh thoái hóa khớp.

- Về tập luyện: tập ở tư thế ngồi, đạp xe tại chỗ, bơi lội.

- Vật lý trị liệu: bao gồm các biện pháp massage, kích thích cơ, châm cứu, tập vận động khớp và các biện pháp dùng nhiệt lượng như hồng ngoại, sóng ngắn, điện phân, nhiệt... có tác dụng giảm đau, có thể giúp điều chỉnh tư thế xấu, duy trì dinh dưỡng cơ và các mô cạnh khớp, giúp cải thiện chức năng vận động của khớp.

- Dụng cụ chỉnh hình khớp: mang nẹp khớp giúp giữ vững trục khớp và giảm đau. Trường hợp cần thiết, bệnh nhân có thể đi nạng để bảo vệ khớp gối hoặc khớp háng.

Lưu ý khi dùng thuốc

- Sử dụng các thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol hoặc Paracetamol kết hợp Codein. Đây là sự lựa chọn đầu tiên, người bệnh có thể sử dụng lâu dài nếu có hiệu quả.

- Nếu không có hiệu quả, người bệnh không nên tự mua các thuốc kháng viêm không steroid (Diclofenac, Meloxicam, Celebrex...) hoặc sterodes uống (Medrol, Dexa, Prednison...). Sự lạm dụng thuốc này sẽ dẫn đến nhiều tác dụng phụ tai hại như đau dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, suy thượng thận, tiểu đường... Việc sử dụng các thuốc này nên có chỉ định của bác sĩ.

- Thuốc làm chậm tiến triển của bệnh (slow - acting drugs for osteoarthritis hay SADOA) bao gồm Hyaluronic acid, D-glucosamine sulphate, Chondroitin sulphate, Diacerein, Avocado and soybean unsaponifiables.

- Chích vào khớp là một biện pháp điều trị đặc biệt, do bác sĩ chuyên khoa khớp chỉ định, thực hiện và theo dõi tại cơ sở y tế có đủ điều kiện kỹ thuật. Chích corticosteroid được chỉ định trong trường hợp viêm, tràn dịch khớp nặng, lưu ý phương pháp này không sử dụng cho những trường hợp khớp bị thoái hóa nặng. Chích hyaluronic acid được chỉ định trong thay thế dịch khớp để bôi trơn và giảm đau.

Điều trị ngoại khoa chỉ có chỉ định khi triệu chứng lâm sàng không cải thiện với điều trị nội khoa tích cực. Mục đích để sửa chữa các biến dạng của khớp, làm cứng khớp ở tư thế cơ năng, giải ép hoặc cắt bỏ những gai xương khi gai ở một số vị trí đặc biệt, chèn ép vào các bộ phận xung quanh (thần kinh hoặc tủy sống...). Thay khớp nhân tạo khi khớp bị hư hại nặng, mất chức năng vận động.

BS-CKII. ĐỖ THỊ XUÂN HƯƠNG - Chuyên khoa nội, phòng khám đa khoa VietLife
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Cơ xương khớp