Bệnh lý đường tiêu hóa là tình trạng phổ biến trong cộng đồng
Cân bằng cơ thể bằng atiso
Men tiêu hóa: Tốt nhưng cần đúng thời điểm!
Vì sao bé luôn yếu bụng?
Phòng nhiều bệnh bằng quả việt quất
1. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Khi acid dạ dày tràn vào thực quản, bạn sẽ có cảm giác đau rát ở giữa ngực. Đó được gọi là tình trạng “ợ nóng” hay “trào ngược acid”. Tình trạng này thường xảy ra sau bữa ăn, vào ban đêm và bạn chỉ nên lưu ý khi triệu chứng xuất hiện nhiều lần gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày.
Nếu trào ngược acid xảy ra ít nhất 2 lần/tuần, đó có thể là một dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, một dạng bệnh tiêu hóa mạn tính. Bạn cần đi khám bác sỹ nếu bị chứng ợ nóng kéo dài, hơi thở hôi, răng bị mòn, buồn nôn, đau ngực, gặp khó khăn khi nuốt hoặc hít thở.
Hầu hết các triệu chứng sẽ đỡ nếu bệnh nhân tránh các loại thực phẩm tanh cay nóng và đồ uống có chất kích thích như rượu bia, đồng thời các bác sỹ sẽ kê đơn thuốc kháng acid hoặc các loại thuốc có tác dụng làm giảm sản xuất acid dạ dày và viêm thực quản cho bạn.
2. Sỏi mật
Hiểu đơn giản, sỏi mật là tình trạng những viên sỏi được hình thành trong túi mật do cơ thể thừa cholesterol và sự tích tụ của các chất thải trong mật. Nguy hiểm là, khi sỏi mật chặn các ống dẫn từ túi mật tới ruột, nó có thể gây ra những cơn đau nhói ở vùng bụng trên bên phải của bạn. Các bác sỹ sẽ chỉ định cho bạn dùng thuốc nếu bị sỏi mật, trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật.
3. Bệnh celiac
Theo ước tính, có khoảng 83% những người mắc bệnh celiac không biết bản thân có bệnh hoặc bị chẩn đoán nhầm sang một bệnh lý khác về tiêu hóa có những triệu chứng tương tự. Celiac là dạng bệnh khi cơ thể trở nên nhạy cảm với gluten, một loại protein được tìm thấy trong lúa mì và lúa mạch. Khi ăn gluten, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công nhung mao ruột non, bộ phận giúp bạn hấp thụ chất dinh dưỡng từ thực phẩm khi bạn ăn vào.
Các triệu chứng của bệnh celiac ở trẻ em bao gồm đau bụng đầy hơi, tiêu chảy, táo bón, nôn mửa, sụt cân. Với người lớn, triệu chứng có thể là thiếu máu, mệt mỏi, mất xương, trầm cảm và lên cơn co giật. Tuy nhiên, một số người lại không có biểu hiện một triệu chứng cụ thể. Cách điều trị duy nhất cho bệnh celiac là hoàn toàn tránh ăn gluten bằng các lựa chọn thay thế như gạo lứt, quinoa, đậu lăng, bột đậu nành, bột ngô và rau dền.
Không tiêu thụ các loại thực phẩm chứa gluten là một trong những liệu trình điều trị của bệnh nhân celiac
4. Bệnh crohn
Bệnh crohn là một dạng bệnh gây viêm ở ruột. Crohn thường ảnh hưởng đến hồi tràng - phần cuối của ruột non, tuy nhiên nó cũng có thể tác động đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa. Đau bụng, tiêu chảy, chảy máu trực tràng, giảm cân và sốt là những dấu hiệu phổ biến nhất của crohn. Liệu trình điều trị sẽ tùy thuộc vào triệu chứng hiện có, bao gồm thuốc giảm đau tại chỗ, thuốc ức chế miễn dịch và thậm chí là phẫu thuật.
5. Viêm loét đại tràng
Viêm loét đại tràng là tình trạng viêm ở đại tràng, còn được gọi là ruột già. Bệnh lý cũng có các triệu chứng gần giống như crohn như có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, có máu trong phân.
6. Hội chứng ruột kích thích
Dấu hiệu của hội chứng ruột kích thích có thể thay đổi tùy theo ngày, Bạn có thể bị táo bón vào ngày hôm nay nhưng hôm sau lại có thể bị tiêu chảy. Đầy hơi cũng là một triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. Việc điều trị phần lớn tập trung vào chế độ ăn uống như tránh các loại thực phẩm gây kích thích (các sản phẩm sữa, rượu, cà phê, các chất làm ngọt nhân tạo) và thay vào đó là một chế độ ăn uống ít chất béo, giàu chất xơ.
Vi khuẩn có ích, chẳng hạn như các chế phẩm sinh học được tìm thấy trong sữa chua có thể giúp củng cố hệ thống tiêu hóa. Stress có thể gây ra các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, vì vậy điều trị tâm lý hoặc dùng thuốc chống trầm cảm cũng thường nằm trong trong liệu trình điều trị của bác sỹ.
7. Bệnh trĩ
Đi ngoài ra máu đỏ tươi là dấu hiệu bạn có nguy cơ cao bị trĩ. Đây là tình trạng viêm ở các mạch máu nằm ở phần cuối đường tiêu hóa. Nguyên nhân gây trĩ có thể là táo bón mạn tính, tiêu chảy và thiếu chất xơ trong chế độ ăn uống. Ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước và tập thể dục là cách phòng ngừa bệnh trĩ và giảm đau do trĩ.
8. Viêm túi thừa
Khi một vùng niêm mạc nào đó của hệ thống tiêu hóa bị suy yếu, các túi thừa từ đó sẽ hình thành. Sự xuất hiện của túi thừa thường không gây ra triệu chứng và nguy hại tới sức khỏe. Tuy nhiên, nếu các túi bị viêm, chảy máu, nó sẽ làm cho bạn bị sốt và đau bụng. Viêm túi thừa dạng nhẹ sẽ được điều trị bằng kháng sinh cùng ăn thức ăn dạng lỏng để đại tràng có thể tự chữa lành.
Béo phì và một chế độ ăn ít chất xơ có thể là nguyên nhân gây ra viêm túi thừa, do đó tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, rau quả và giảm cân sẽ là một phần trong liệu trình điều trị. Nếu triệu chứng tái diễn thường xuyên, bệnh nhân có thể cần phải phẫu thuật để loại bỏ những khu vực có túi thừa bị viêm.
9. Bệnh nứt hậu môn
Nứt hậu môn là tình trạng có vết nứt nhỏ ở niêm mạc ống hậu môn. Nứt hậu môn có triệu chứng gần giống bệnh trĩ, chẳng hạn như chảy máu, đau khi đi cầu. Stress và táo bón có thể gây ra các vết nứt ở ống hậu môn. Một chế độ ăn nhiều chất xơ sẽ giúp phân thành khuôn và mềm hơn. Thuốc để thư giãn các cơ thắt hậu môn cũng như các thuốc gây mê tại chỗ sẽ có tác dụng giảm đau. Tuy nhiên, những vết nứt mạn tính có thể cần phải phẫu thuật.
Bình luận của bạn