Chọn thực phẩm chức năng: Quan tâm vi chất

Calci
Không chỉ tham gia tích cực vào quá trình cải thiện, củng cố sức khỏe cho bộ xương mà calci còn là vi chất quan trong có khả năng bình ổn áp lực máu, tránh được nguy cơ mắc chứng tăng huyết áp. Calci cũng sẽ giúp cho nhịp tim ổn định, hạn chế nguy cơ rối loạn nhịp tim. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu khoa học thì hầu hết trong chế độ dinh dưỡng bình thường mọi người đều không bổ sung đầy đủ cho cơ thể lượng calci cần thiết. Cơ thể thiếu hụt loại vi chất này dù là nam giới hay nữ giới đều có nguy cơ mắc chứng bệnh loãng xương.



Trên thực tế hàm lượng calci tập trung nhiều trong bơ sữa, sữa chua thế nhưng không phải lúc nào cơ thể cũng có thể hấp thu lượng calci trong những thực phẩm này. Thêm vào đó, nếu chỉ chú trọng đến hàm lượng calci mà lại lãng quên vitamin D thì điều này cũng vô ích, bởi vitamin D có vai trò như chất “xúc tác” để hòa tan calci.

Một người trưởng thành cần khoảng 700mg calci mỗi ngày, kèm theo đó cần tăng cường vitamin D cho cơ thể, hiệu quả nhất là nên hình thành thói quen phơi nắng khoảng 30 phút buổi sáng sớm.

Chất xơ
Chất xơ có hàng tá những điểm cộng với sức khỏe, điển hình nhất là phòng tránh chứng bệnh táo bón, chống lại bệnh tim mạch, khắc tinh của choleslesterol xấu – đầu mối gây bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch vành. Chất xơ có nhiều trong các loại rau, củ, quả, bánh mỳ, ngũ cốc, sữa đậu nành và sữa chua…


Các chuyên gia dinh dưỡng Anh đã đưa ra bằng chứng khoa học về việc bổ sung ngũ cốc thường xuyên trong chế độ ăn uống là một thành phần quan trọng trong chế độ dinh dưỡng giúp phòng tránh những căn bệnh nguy hiểm.
nghiên cứu của các chuyên gia thuộc trường Đại học Kentucky (Mỹ) đã chỉ ra rằng chứng bệnh nguy hiểm tim mạch và đái tháo đường type 2 sẽ giảm được 30% với những người thường xuyên kết thân với ngũ cốc nguyên hạt, cộng thêm với một chế độ ăn uống ít chất béo có hại, luyện tập thường xuyên. Không chỉ có vậy chế độ ăn tăng cường chất xơ cũng là “vũ khí” để kiểm soát cân nặng, “cộng điểm” cho hệ tiêu hóa.

Chuyên gia dinh dưỡng Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc khảo cứu và cho thấy hầu hết chúng ta chỉ đáp ứng được 2/3 lượng chất xơ cơ thể cần thông qua chế độ dinh dưỡng. Khảo sát hàm lượng trung bình cho thấy, mỗi chúng ta thường chỉ bổ sung cho cơ thể khoảng 12gr chất xơ nhưng để có thể chống lại bệnh tật cần tăng cường 18gr chất xơ mỗi ngày. Tuy nhiên, quá trình tăng cường chất xơ cho cơ thể cần tiến hành từ từ để tránh tác dụng phụ như trướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy…

Omega-3
Omega 3 là loại chất béo cực kỳ có lợi cho sức khỏe nhưng cơ thể lại không có khả năng tự tổng hợp mà phải thu nạp từ bên ngoài qua chế độ ăn uống. Một vài những công dụng nổi trội của chất béo omega 3 là chống lại cholesterol xấu, phòng tránh bệnh tim mạch và đột quỵ, hòa tan vitamin trong cơ thể. Chất béo omega 3 tập trung nhiều trong dầu cá, tinh dầu thực vật, các loại hạt, các loại cá điển hình là cá hồi, sữa, trứng, ngũ cốc.


Hiện nay trên thị trường TPCN có không ít sản phẩm TPCN bổ sung omega 3 với mục đích chăm sóc sức khỏe tim mạch, ngừa ung thư, làm đẹp da, chống lão hóa. Hiệp hội tim mạch Anh Quốc khuyến cáo nên bổ sung khoảng 7gr omega 3 mỗi tuần để đạt được mục đích chống bệnh tim mạch. Thêm vào đó nên ăn ít nhất 2 bữa cá mỗi tuần.

Probiotic
Probiotic là một loại vi khuẩn đường ruột có lợi cho hệ tiêu hóa, chống lại nguy cơ tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường ruột. Các vi khuẩn này còn tham gia chức năng dinh dưỡng, tiêu hóa các carbohydrate, tinh bột, các đường đơn ở đại tràng, tổng hợp các vitamin và các acid béo chuỗi ngắn (SCFA), giúp làm phân mềm, và kích thích các chức năng tiêu hóa có lợi cho cơ thể như chống nôn trớ, đầy bụng và táo bón.


Theo Tổ chức Y tế thế giới, Probiotics là các vi sinh vật sống khi đưa một lượng cần thiết vào cơ thể đem lại hiệu quả có lợi cho cơ thể. Các vi khuẩn sống được gọi là probiotics khi được phân lập từ các chủng vi khuẩn có lợi cho cơ thể, các chủng này qua thực nghiệm lâm sàng chứng minh được tác dụng có lợi cho cơ thể, không gây bệnh, có khả năng tồn tại khi qua dạ dày tới ruột không bị tiêu diệt bởi acid dạ dày và khi lưu giữ phải có khả năng tồn tại thời gian dài. Các vi khuẩn có lợi cho cơ thể đã được đưa vào cơ thể qua các thực phẩm lên men như sữa chua, nước hoa quả lên men, dừa… Trong hơn một thế kỷ qua, nhiều công trình nghiên cứu đã xác định vai trò, tác dụng, cơ chế của probiotics, đặc biệt là tác dụng hoạt hóa, kích thích sự hình thành và phát triển hệ miễn dịch của trẻ em.

Trong các nhóm thực phẩm thì sữa chua trắng được coi như một dạng thực phẩm chức năng có chứa nhiều probiotic, ngoài ra bạn có thể bổ sung cho cơ thể probiotics trong nước quả và đồ uống chế biến từ đậu nành. Tùy thuộc vào “cơ địa”, tình trạng sức khỏe, lứa tuổi, mục đích sử dụng, từng người bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ về lượng probiotic bổ sung vào cơ thể.

Vitamin D
Theo các chuyên gia dinh dưỡng Hoa Kỳ, vitamin D là một trong những vi chất cơ thể dễ bị thiếu hụt nhất. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là bởi có những vùng khí hậu có rất ít nắng, thời tiết giá lạnh, mưa nhiều. Cách tốt nhất để cơ thể tổng hợp vitamin D là nên hình thành thói quen phơi nắng 10 – 15 phút mỗi ngày. Tuy nhiên nước da đen, văn hóa vùng lãnh thổ, tín ngưỡng, khí hậu và địa lý lãnh thổ có thể là những tác nhân gây cản trở đến việc cơ thể hấp thụ vitamin D.


Các chuyên gia y tế Châu Âu khuyến cáo, mỗi ngày nên bổ sung khoảng 5mcg vitamin D, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú, người già được khuyến cáo nên bổ sung 10mcg vitamin D.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng Châu Âu, thật sai lầm nếu như bạn phó mặc hoàn toàn vào TPCN với mục đích chăm sóc sức khỏe, bởi ngay cả việc bạn “chăm” sử dụng TPCN nhưng lại tuân thủ theo một chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, thiếu dưỡng chất thì cũng không thể đảm bảo cho bạn một thể lực như mong muốn. Để nâng cao tình trạng sức khỏe bạn nên áp dụng chế độ dinh dưỡng với sự góp mặt của nhóm những thực phẩm đa dạng vi chất, mùi vị, sắc màu, uống đủ nước và tập thể dục đều đặn, thường xuyên.


linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp