Làm sao để tỉnh táo trước “ma trận” tin đồn về ung thư?

Người bệnh ung thư cần cẩn trọng trước những tin đồn, lời quảng cáo về phương pháp điều trị "rởm"

Người bệnh ung thư bị “bủa vây” bởi tin đồn

Chữa ung thư theo "thần y" - tiền mất tật mang

Ngộ độc khi dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc trị đái tháo đường

Mối liên hệ giữa ung thư tiền liệt tuyến và vi khuẩn

Thưa bác sỹ, bệnh nhân ung thư hiện giờ phải đối mặt với nhiều tin đồn về bệnh và điều trị bệnh trên các trang mạng xã hội. Là một bác sỹ chuyên khoa ung thư, theo ông, tin đồn ảnh hưởng thế nào đến quá trình điều trị bệnh ung thư?

Tin đồn đang bủa vây người bệnh ung thư và người thân của họ qua nhiều cách khác nhau. Tin đồn có ảnh hưởng lớn tới tiên lượng sống và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Cụ thể, có nhiều bệnh nhân dù may mắn được chẩn đoán ở giai đoạn sớm nhưng vì theo tin đồn mà không theo điều trị chính thống, bỏ lỡ cơ hội điều trị dứt điểm. Ở giai đoạn sớm thì thường cắt bỏ là lành luôn; Giai đoạn “khá sớm” thì kết hợp phẫu thuật/xạ trị kết hợp hóa trị vẫn có thể chữa lành. Còn với giai đoạn muộn, nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng điều trị chính thống tuy khó chữa lành căn bệnh nhưng có thể giúp người bệnh kéo dài và cải thiện chất lượng cuộc sống hơn so với để tự nhiên. Thế nhưng, những tin đồn này lại cướp đi cơ hội sống của người bệnh, khi họ thực sự tin vào chúng. Một số nghiên cứu và thực tế điều trị tại các bệnh viện đều cho thấy, những bệnh nhân dùng liệu pháp thay thế (nhóm các liệu pháp không rõ bằng chứng khoa học) thường có thời gian sống ngắn hơn những người theo điều trị chính thống.

Tin đồn còn làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khi ung thư hoặc điều trị ung thư gây nên triệu chứng như đau, buồn nôn, táo bón, khó thở, bệnh nhân cần được bác sỹ và các nhân viên y tế đánh giá/chẩn đoán nguyên nhân chính xác và đưa ra các phương pháp hỗ trợ thích hợp. Việc dùng thuốc (như thuốc giảm đau, chống nôn, nhuận tràng…) và kết hợp các phương pháp không dùng thuốc khác để giảm nhẹ triệu chứng là khâu rất quan trọng của điều trị ung thư. Nhưng nếu bệnh nhân chỉ tin theo một phương pháp được cổ xúy quá đà, họ sẽ mất cơ hội được chăm sóc đúng nghĩa.

Tin đồn đã “đánh” vào tâm lý nào của người bệnh ung thư và thân nhân? Vì sao bệnh nhân hay tìm tới tin đồn?

 

Bệnh nhân không biết rằng những trường hợp thành công nào đó chỉ có giá trị tham khảo, và không phải là bằng chứng để nói rằng phương pháp đó là tốt và nên theo.

Tôi nghĩ rằng yếu tố chủ quan, chủ đạo ở đây là bệnh nhân/người thân muốn tìm tới phương pháp nào đó có khả năng “chữa lành” hoặc “ít tác dụng phụ”. Trong khi đó, tình huống của họ, về mặt y khoa thì không thể chữa lành 100% mà chỉ có thể chữa lành ở một tỷ lệ nhất định (ví dụ 60-80%), và điều trị nào cũng có nguy cơ gặp tác dụng phụ với tỷ lệ nhất định (ví dụ 10-30%). Các bác sỹ có thể đã giải thích rất kỹ về các con số này, nhưng người bệnh vẫn muốn đi tìm điều gì đó hoàn hảo hơn (dù không có bằng chứng gì cả). Hậu quả là họ rất dễ mắc bẫy quảng cáo về điều trị “rởm”.

Cũng có khá nhiều người mang tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, ai bày gì làm theo nấy để cầu may. Bệnh nhân không biết rằng những trường hợp thành công nào đó chỉ có giá trị tham khảo, và không phải là bằng chứng để nói rằng phương pháp đó là tốt và nên theo. Nói đơn giản hơn, chuyện này cũng giống như việc thấy bà hàng xóm trúng số độc đắc thì không ai có thể nói mọi người nên mua vé số hằng ngày để đổi đời (cười).

Theo kinh nghiệm của bác sỹ, những tin đồn về ung thư thường có đặc điểm, dấu hiệu chung nào?

Những tin đồn về ung thư thường có đặc điểm là đánh vào tâm lý lo lắng, sợ hãi của người bệnh và người thân. Chúng thường nhấn mạnh rằng điều trị chính thống, ví dụ hóa trị hoặc xạ trị sẽ gây tác dụng phụ ghê gớm, hoặc phẫu thuật sẽ làm khối u di căn nhanh hơn, chả giúp ích được gì. Sau khi “hù dọa xong” thì phần tiếp theo bài viết sẽ nói về các phương pháp tự nhiên chữa lành, không có tác dụng phụ, rất đơn giản mà ai cũng làm được để chữa ung thư.

Những phương pháp không chính thống, không có cơ sở khoa học thường không được bảo hiểm chi trả (tức bệnh nhân trả 100% chi phí) nên mới phải đi tiếp thị qua việc quảng cáo trên các kênh thông tin đại chúng, dùng câu chuyện người bệnh, phát ngôn của người nổi tiếng để thu hút người dùng.

Bác sỹ có những lời khuyên gì đối với bệnh nhân đã, đang và có thể mắc ung thư khi đối mặt với những tin đồn?

 

Trên thế giới có hàng nghìn loại điều trị dân gian và liệu pháp tự xưng hay được tâng bốc là “chữa được ung thư”. Trong số đó cũng có nhiều thông tin lừa đảo đã và đang làm hại nhiều người bệnh. Những chiêu trò quảng cáo và mạng lưới tiếp thị điều trị “rởm” ngày càng tinh vi và đa dạng mà người ngoài chuyên môn không thể phát hiện. Những điểm sau sẽ giúp bạn nhận ra điều trị “rởm”:

1. Loại ung thư nào cũng có tác dụng: Dù có công dụng tới đâu thì chuyện có hiệu quả cho mọi loại ung thư là HOANG ĐƯỜNG. Ung thư là tên gọi chung của 1 nhóm hơn 200 bệnh. Nếu bạn không tuỳ tiện dùng thuốc đau bụng để hạ huyết áp thì không thể tuỳ tiện dùng thuốc chữa ung thư do nghe quảng cáo hay truyền miệng được vì bản chất ung thư rất phức tạp, thậm chí cùng loại ung thư nhưng bệnh học của bạn và người được ví dụ cũng rất khác nhau.

2. Bằng chứng là cảm nhận của bệnh nhân: Cảm nhận cá nhân như kiểu “Tôi dùng thấy khỏe hơn” là những thứ không rõ ràng chắc chắn. Việc dựa vào những thông tin như vậy để khuyên nhủ ám chỉ rằng phương pháp đó CHẲNG CÓ BẰNG CHỨNG gì về hiệu quả.

3. Phương pháp điều trị đơn giản: “Chỉ cần ăn cái này”, “Chỉ cần bỏ cái kia”... để trị ung thư là HOANG ĐƯỜNG. Nếu ung thư mà chữa được bằng những cách đơn giản như thế thì các bác sỹ và cả nhân loại đã không vất vả. Hãy cẩn thận với những liệu pháp quá đơn giản.

4. Thành phần từ thiên nhiên: Thành phần từ thiên nhiên KHÔNG ĐỒNG NGHĨA với việc có hiệu quả trong điều trị. Nhiều sản phẩm dùng mỹ từ này để mời gọi sự quan tâm về các liệu pháp tự nhiên và khả năng tự chữa lành. Người bệnh và người thân cần thận trọng, bởi sản phẩm thiên nhiên cũng không có nghĩa là an toàn và không có độc tố (như nấm độc, lá ngón). Ngoài ra “thành phần tự nhiên” cũng có nguy cơ không có liều dùng cụ thể được che đậy bằng nguỵ biện “lắng nghe cơ thể”, có thể trở thành độc tố do dùng quá liều, hoặc tương tác thuốc…

5. Lời quảng cáo quá hay: “Khối u đã biến mất!” hay “Hoàn toàn lành bệnh!” là thông tin hay được dùng để quảng cáo sản phẩm. Trong điều trị ung thư, co nhỏ một phần khối u đã là thành tích khó đạt được, nên chúng ta phải cẩn thận với chuyện thần kỳ. Khi thông tin đến từ những người không phải là bác sỹ chuyên khoa hoặc có lợi ích từ việc bán hàng thì càng phải thận trọng!

6. Tăng cường khả năng miễn dịch: Khả năng miễn dịch là một từ khóa được rất nhiều người quan tâm mặc dù nó khá mơ hồ. Hãy thận trọng với những liệu pháp dùng từ khóa này vì đa số chúng đều không có bằng chứng khoa học rõ ràng và đầy đủ.

7. Thuyết âm mưu: Trên mạng vẫn đang lan truyền những tin đồn như “Tây Y hay các hãng dược đã gây áp lực không cho phương pháp này phổ biến”. Thật ra, để được công nhận là một phương pháp hiệu quả thì chỉ việc công bố các con số để chứng minh thôi. Có nhiều phương pháp đã bị bác bỏ qua nghiên cứu nhưng vẫn còn được đồn thổi.

Ngoài ra, bệnh nhân nên hỏi lại bác sỹ điều trị của mình về các tin đang làm mình nao núng. Ngoài bác sỹ, có những diễn đàn bệnh nhân có bác sỹ đồng hành có thể hỗ trợ mọi người nhận ra tin đồn nhanh chóng: Nhóm Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Y học cộng đồng; Nhóm Đồng hành cùng bệnh nhân ung thư vú; Mạng lưới Câu lạc bộ Phụ nữ kiên cường; Nhóm Đồng hành cùng bệnh nhân ung thư gan, viêm gan và xơ gan; Mạng lưới vì trẻ em ung thư (đều ở trên nền tảng Facebook).

Trân trọng cảm ơn ông!

z3390276953248_16cf424fe52d994d18155c9cd1f61555
Nhóm PV
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện