Con người đang tự đầu độc mình vì sở thích ăn uống

Phát biểu ở hội thảo quốc tế về “Sử dụng phụ gia an toàn trong phát triển sản phẩm thực phẩm” do Hội Khoa học và Công nghệ Thực phẩm Việt Nam (VAFoST) tổ chức tại TP HCM, tiến sĩ Phan Thế Đồng cho rằng, thói quen ăn uống của con người thường ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như văn hóa, sở thích, giá cả... Sự thay đổi về điều kiện kinh tế, lối sống cũng dẫn đến sự thay đổi về thói quen ăn uống và sử dụng nguyên vật liệu chế biến thực phẩm của người dân.

e8cnauan-4371-1400807775.jpg

Nếu như ngày xưa cuộc sống khó khăn nghèo khổ, người dân Việt Nam chỉ mong được ăn no mặc ấm thì ngày nay không dừng lại ở đó, mọi người còn nhắm đến "ăn ngon, mặc đẹp", "ăn sung mặc sướng". Đây là xu thế tất yếu trong quá trình thay đổi của đời sống xã hội. Tuy nhiên, ẩn sâu trong đó là những vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa được người dân quan tâm đúng mức, dẫn đến nhiều vụ ngộ độc, bệnh tật, hủy hoại sức khỏe xảy ra trong thời gian vừa qua.

Theo khảo sát của tiến sĩ Phan Thế Đồng (giảng viên khoa Khoa học và Công nghệ, ĐH Hoa Sen TP HCM), hầu hết thực phẩm bày bán trên thị trường hiện nay có sử dụng hóa chất phụ gia hoặc chất bảo quản để trông đẹp mắt, tươi lâu hoặc mùi vị thơm ngon hơn.

"Ngay cả những thứ chúng ta ăn uống hàng ngày như xôi, chè, bánh, kẹo, sữa, nước giải khát, các loại gia vị tương cà, tương ớt, nước sốt và ngay cả nước mắm cũng được pha loãng và cho thêm hương liệu tổng hợp để tạo mùi thơm, vị ngon ngọt hơn. Nhiều người chưa ý thức được vệc sử dụng hóa chất tổng hợp tràn lan sẽ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe", ông nói.

hoi-cho-7016-1400807776.jpg

Thạc sĩ Lê Văn Giang, Phó cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm cũng nhìn nhận, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thực phẩm, việc sử dụng phụ gia thực phẩm ngày càng gia tăng rõ rệt, đặc biệt là trong các loại đồ ăn, thức uống đóng gói sẵn. Tại các nước phát triển, người dân có xu hướng sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, ăn ngay nhiều hơn.

Ở Việt Nam, theo thống kê của Cục An toàn Thực phẩm, năm 2013 có khoảng 4.000 phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến được cấp giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm và cho phép lưu hành trên thị trường. Bên cạnh các phụ gia được sản xuất trong nước, có rất nhiều loại được nhập nhẩu chủ yếu từ Pháp, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Mỹ... với khối lượng hơn 260.000 tấn một năm.

Theo ông Giang, phụ gia thực phẩm nếu được sử dụng đúng loại, đúng liều lượng, đúng đối tượng thực phẩm theo đúng danh mục cho phép của Bộ Y tế sẽ mang lại nhiều tác dụng tích cực như chế biến ra nhiều sản phẩm phù hợp với sở thích và khẩu vị của người tiêu dùng, kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm, làm tăng giá trị thương phẩm... "Nhưng ngược lại nếu không sử dụng đúng quy định thì sẽ gây tác hại cho sức khỏe người tiêu dùng", ông khuyến cáo.

Để việc sử dụng chất phụ gia thực sự phù hợp và đảm bảo sức khỏe cho người dân, tiến sĩ Phan Thế Đồng khuyến nghị cơ quan chức năng cần có những quy định cụ thể, về danh mục cũng như hàm lượng các chất phụ gia an toàn được phép sử dụng và phải cập nhật liên tục cho phù hợp với xu thế thế giới; các nhà sản xuất thực phẩm cần nêu cao ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm và cam kết cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn. Về phía người tiêu dùng, cần trang bị cho mình những kiến thức về an toàn thực phẩm, cách nhận biết thực phẩm an toàn, đồng thời hạn chế sử dụng hóa chất phụ gia.

Ông Đồng khuyên, về nguyên tắc để có được những món ăn ngon, người tiêu dùng nên chú trọng hơn nữa về việc lựa chọn nguyên liệu tốt, bảo quản thực phẩm đúng cách và hạn chế dùng chất hóa chất phụ gia khi chế biến. Tốt nhất, mọi người nên hình thành cho mình thói quen ăn các loại thực phẩm "gần với tự nhiên" hơn là dùng các loại đồ ăn thức uống đã được đóng gói bảo quàn, màu sắc đẹp mắt. Bởi bất kỳ loại thực phẩm nào nếu trông màu sắc quá sặc sỡ, quá dẻo, quá dai hoặc quá thơm không giống như tự nhiên thì đều có nguy cơ được ướp hóa chất phụ gia. Những chất này khi ăn vào người có nguy cơ tích tụ theo năm tháng, gây các bệnh mãn tính như gan, thận, tim mạch, ung thư...

"Trong trường hợp muốn sử dụng phụ gia để làm cho món ăn thơm ngon hơn thì nên ưu tiên sử dụng những phụ gia tự nhiên, sau đó là đến các chất được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, tránh mua những phụ gia trôi nổi không rõ nguồn gốc", ông Đồng khuyên.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp