COVAX sắp kết thúc sứ mệnh, biến chủng mới "đáng quan tâm" xuất hiện

Cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine COVID-19 COVAX sẽ kết thúc sứ mệnh vào cuối năm 2023 - Ảnh: UNICEF.

Việt Nam nhận tin vui lớn từ COVAX, dịch ở miền Tây tiếp tục “nóng”

Chuẩn bị kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi

Vaccine COVID-19 của AstraZeneca bị kiện

Vaccine COVID-19: “Chúng tôi đã lái máy bay trong khi vẫn đang chế tạo nó"

COVAX được đồng chủ trì bởi Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), Liên minh Vaccine (Gavi), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và WHO, cho đến nay đã cung cấp gần 2 tỷ liều vaccine COVID-19 và dụng cụ tiêm an toàn cho 146 nền kinh tế trên toàn thế giới.

Theo WHO, những nỗ lực của COVAX đã giúp ngăn chặn nguy cơ tử vong của ít nhất 2,7 triệu người ở các nền kinh tế tham gia có thu nhập trung bình thấp và thấp, trong giai đoạn đại dịch.

Phản ứng khẩn cấp chưa từng có

Rút ra bài học từ dịch H1N1, khi phần lớn các quốc gia "bỏ lỡ" vaccine, các đối tác của COVAX đã chủ trương ngay từ những giai đoạn đầu tiên của tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng COVID-19 rằng "không ai được an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn" - kêu gọi thế giới cung cấp vaccine công bằng là trọng tâm của phản ứng toàn cầu, với mục tiêu mọi quốc gia có ít nhất đủ liều cơ bản vaccine để bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất.

Đến cuối năm 2020, 190 nền kinh tế thuộc mọi mức thu nhập đã ký thỏa thuận tham gia COVAX, khiến COVAX trở thành một trong những quan hệ đối tác đa phương quan trọng nhất của thế kỷ 21.

COVAX được thiết kế như một cơ chế phối hợp từ đầu đến cuối bao gồm: R&D và sản xuất, hướng dẫn chính sách, phát triển danh mục vaccine, hệ thống quản lý, phân bổ nguồn cung và đánh giá mức độ sẵn sàng của quốc gia, hậu cần vận chuyển, bảo quản và quản lý vaccine cũng như giám sát mức độ tiếp cận và bao phủ của quốc gia.

Mặc dù COVAX không thể khắc phục hoàn toàn tình trạng bất bình đẳng về vaccine vốn là đặc trưng trong các phản ứng toàn cầu, nhưng nó đã góp phần đáng kể vào việc giảm bớt những mất mát do COVID-19 gây ra ở miền Nam bán cầu.

Ngày nay, sáng kiến này đã cung cấp 74% tổng số liều vaccine ngừa COVID-19 cung cấp cho các nước thu nhập thấp (LIC) trong thời kỳ đại dịch. Đã có 52 trong số 92 nền kinh tế đủ điều kiện AMC (điều kiện tham gia chương trình với sự hỗ trợ từ cơ chế tài chính được gọi là Cam kết thị trường nâng cao của Gavi COVAX) dựa vào COVAX để cung cấp hơn một nửa nguồn cung cấp vaccine COVID-19 của họ.

Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của chính phủ các quốc gia, nhân viên y tế và tuyến đầu, các tổ chức xã hội dân sự và những tổ chức khác, những liều thuốc này, được phân phối miễn phí cùng với việc kết hợp gần 2 tỷ USD hỗ trợ phân phối, đã giúp nâng cao phạm vi bao phủ loạt vaccine cơ bản trong số 92 quốc gia đủ điều kiện AMC.

Bên cạnh đó, COVAX cũng giúp bảo đảm 2 liều vaccine cơ bản cho nhân viên y tế, những "người hùng" trong giai đoạn đại dịch và duy trì hoạt động của các hệ thống y tế ở mức 84% tại các nền kinh tế có thu nhập thấp hơn.

Việt Nam là một trong số những quốc gia đã nhận được hàng triệu liều vaccine COVID-19 thông qua cơ chế COVAX trong giai đoạn khốc liệt nhất của đại dịch năm 2021, cho đến đầu năm 2022.

Bài học kinh nghiệm để ứng phó trong tương lai

Những thành công và thách thức của COVAX trong nỗ lực khắc phục tình trạng bất bình đẳng đã nhấn mạnh nhu cầu rõ ràng rằng thế giới phải chuẩn bị tốt hơn vào lần tới khi mối đe dọa virus có khả năng gây ra đại dịch mới.

“Hàng triệu người còn sống ngày nay sẽ không có mặt ở đây nếu không có COVAX" - Jane Halton, Chủ tịch Hội đồng CEPI cho biết.

José Manuel Barroso, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Gavi, Liên minh Vaccine, cho biết: “COVID-19 là thách thức sức khỏe lớn nhất trong thời đại chúng ta. Nó đã được đáp ứng bằng sự đổi mới và hợp tác ở quy mô chưa từng có. Tác động của COVAX mang tính lịch sử, cũng như những hiểu biết sâu sắc mà nó tạo ra về cách thế giới có thể làm tốt hơn vào lần tới".

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết: Việc tạo ra ACT-A (Chương trình Hợp tác Toàn cầu Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19) và COVAX đã giúp hàng triệu người trên thế giới tiếp cận với vaccine, xét nghiệm, phương pháp điều trị và các công cụ khác mà lẽ ra họ đã bỏ lỡ. COVAX cũng đã dạy cho chúng ta những bài học quý giá giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn cho các dịch bệnh trong tương lai".

Với sự hợp tác từ các nhà sản xuất, tất cả các thỏa thuận cung cấp mua trước của COVAX sẽ được hoàn thành hoặc chấm dứt vào cuối năm 2023, ngoại trừ một thỏa thuận sẽ tiếp tục kéo dài đến nửa đầu năm 2024 để hỗ trợ cho các chương trình tiêm chủng định kỳ nhằm ứng phó với các biến chủng mới của COVID-19.

WHO công bố biến chủng COVID-19 mới "đáng quan tâm"

Theo CDC, trường hợp nhiễm biến thể phụ JN.1 được phát hiện lần đầu tiên ở Mỹ vào tháng 9/2023 - Ảnh: NDTV

Theo CDC, trường hợp nhiễm biến thể phụ JN.1 được phát hiện lần đầu tiên ở Mỹ vào tháng 9/2023 - Ảnh: NDTV

Ở một diễn biến khác, mới đây, WHO vừa phân loại JN.1 là biến chủng "được quan tâm", có thể trốn tránh miễn dịch tốt hơn các phiên bản trước đó của SARS-CoV-2.

Theo Reuters, JN.1 có nguồn gốc từ BA.2.86, biến chủng phụ của Omicron. JN.1 xuất hiện lần đầu ở Luxembourg hồi tháng 8, nhanh chóng trở thành biến chủng "thống trị" ở nhiều quốc gia Âu - Mỹ và gần đây đã lan sang Châu Á. Nó sở hữu một đột biến khác biệt ở protein gai (chịu trách nhiệm xâm nhập và lây nhiễm tế bào) và các đột biến tại những vùng khác.

Biến chủng đáng quan tâm (variant of interest - VOI) chứa các đặc điểm di truyền làm virus có khả năng lây lan cao hơn, né tránh được hệ miễn dịch của cơ thể, khó phát hiện khi xét nghiệm hoặc làm cho bệnh nặng hơn. Trước đó, XBB.1.5, EG.5 cũng được WHO xếp vào nhóm VOI.

Tuy vậy, WHO khá lạc quan: "Dựa trên các bằng chứng sẵn có, nguy cơ sức khỏe cộng đồng toàn cầu bổ sung do JN.1 gây ra hiện được đánh giá là thấp".

Báo cáo từ các quốc gia nơi JN.1 đang lan rộng cũng cho thấy tuy lây lan nhanh và có dấu hiệu thoát miễn dịch cao nhưng dòng biến chủng này không có dấu hiệu thay đổi về độc lực (khả năng gây bệnh nặng) so với các dòng tiền nhiệm.

Nhóm VOI mà JN.1 được phân loại cũng là nhóm có nguy cơ thấp hơn so với VOC (biến chủng gây lo ngại), là một nhóm bao gồm chủng gốc như Alpha, Delta, Beta, Gama,...

Tại Mỹ, JN.1 xuất hiện trong khoảng 20% số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Cơ quan cho rằng mức độ lây nhiễm của virus sẽ tiếp tục tăng. Trong khi đó, Ấn Độ khuyến cáo người dân thận trọng vì biến chủng JN.1 có thể là nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng vọt những ngày qua. Còn, Trung Quốc cũng vừa xác định được một số ca nhiễm JN.1 thông gia giải trình tự bộ gien virus. Tuy JN.1 chưa phải dòng "thống trị" ở quốc gia này, nhưng ngành y tế dự đoán nó có thể sẽ trở thành dòng chính trong những làn sóng COVID-19 tương lai.

 
Hiệp Nguyễn (Theo WHO/Reuters)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin