Vaccine COVID-19 của AstraZeneca bị kiện

Vaccine COVID-19 của AstraZeneca bị kiện do gây đông máu, ảnh hưởng sức khỏe của một số nạn nhân - Ảnh: Telegraph

Vaccine AstraZeneca đã ngăn ngừa 232.766 ca tử vong do COVID-19 ở Việt Nam

Mũi 4 vaccine AstraZeneca ngừa nhiễm biến thể Omicron lên tới 73%

AstraZeneca Việt Nam nhận 2 giải thưởng trong The Great Awards 2022

Hành trình phát triển "chưa từng có trong lịch sử" của vaccine AstraZeneca

Theo Telegraph, "Gã khổng lồ" dược phẩm AstraZeneca có trụ sở tại Anh đang bị kiện tại Tòa án Tối cao của nước này. Phía nguyên đơn là Jamie Scott, có hai con, bị chấn thương não nghiêm trọng, không thể làm việc do cục máu đông hình thành từ mũi tiêm vaccine COVID-19. Đơn kiện thứ hai đến từ chồng của Alpa Tailor, 35 tuổi, qua đời sau khi tiêm vaccine AstraZeneca.

Hai đơn kiện này cũng đã "mở đường" cho 80 yêu cầu bồi thường thiệt hại khác, ước tính trị giá khoảng 80 triệu bảng Anh. Sau khi tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca, các nạn nhân đã rơi vào tình trạng được các chuyên gia xác định và gọi là "giảm tiểu cầu và huyết khối miễn dịch do vaccine" (VITT).

Số liệu chính thức từ Cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm Chăm sóc sức khỏe (MHRA) cho thấy ít nhất 81 trường hợp tử vong ở Anh bị nghi ngờ có liên quan đến phản ứng bất lợi gây đông máu ở những người có lượng tiểu cầu trong máu thấp. Theo số liệu của MHRA, tổng cộng, gần 1/5 số người mắc phải tình trạng này đã tử vong, theo Telegraph.

Các nạn nhân và luật sư của họ đặt câu hỏi về quá trình giám sát và triển khai tiêm chủng của chính phủ. Họ chỉ ra rằng trong khi Đức đã đình chỉ sử dụng vaccine cho người dưới 60 tuổi vào cuối tháng 3/2021 vì nguy cơ hình thành cục máu đông hiếm gặp. Trong khi đó tại Anh, Ủy ban hỗn hợp về tiêm chủng - cơ quan tư vấn cho chính phủ, đến ngày 7/4/2021 mới công bố: người lớn dưới 30 tuổi nên được cung cấp một giải pháp thay thế cho mũi tiêm AstraZeneca. Và đến tháng 5/2021, điều này đã được sửa đổi cho người lớn dưới 40 tuổi.

Các nghiên cứu độc lập cho thấy vaccine AstraZeneca hiệu quả trong việc giải quyết đại dịch, cứu sống hơn 6 triệu người trên toàn thế giới trong năm đầu triển khai. AstraZeneca cũng đã cung cấp 3 tỉ liều vaccine cho hơn 180 quốc gia. Năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết loại vaccine này "an toàn và hiệu quả đối với mọi người từ 18 tuổi trở lên", tác dụng phụ dẫn đến hành động pháp lý là "rất hiếm".

Vaccine AstraZeneca từng được cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson ca ngợi là "chiến thắng của khoa học Anh". Tuy nhiên, nó không còn được sử dụng tại nước này. Chính phủ khuyến nghị 3 loại vaccine khác cho chương trình tiêm chủng mùa Thu.

Trong những tháng sau khi triển khai, các nhà khoa học đã xác định tác dụng phụ nghiêm trọng tiềm ẩn của hai liều AstraZeneca. Họ khuyến nghị không nên tiêm vaccine cho người dưới 40 tuổi ở Anh, vì rủi ro tiềm ẩn lớn hơn tác hại do COVID-19 gây ra.

Theo BBC, một nghiên cứu năm 2021 cho thấy adenovirus trong vaccine AstraZeneca, được sử dụng để truyền hướng dẫn đến tế bào, có thể liên kết với yếu tố tiểu cầu 4, một loại protein có trong máu. Các nhà nghiên cứu cho rằng, trong những trường hợp cực kỳ hiếm gặp, điều này có thể gây ra phản ứng dây chuyền trong hệ thống miễn dịch, dẫn đến hình thành cục máu đông.

Nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng nguy cơ hình thành cục máu đông do COVID-19 cao hơn sau khi tiêm vaccine. Theo đó, cứ 10 triệu người nhiễm COVID-19 thì có thêm 12.614 trường hợp đông máu trong tĩnh mạch và 20 trường hợp đông máu hiếm gặp trong não. Để so sánh, cứ 10 triệu người nhận vaccine COVID-19 của AstraZeneca thì có thêm 66 trường hợp đông máu trong tĩnh mạch và thêm 7 trường hợp mắc một loại cục máu đông hiếm gặp trong não.

Trong một tuyên bố, AstraZeneca cho biết: “Chúng tôi không bình luận về các vấn đề kiện tụng đang diễn ra”. Mặt khác, AstraZeneca cũng phủ nhận việc gây thương tật cho ông Scott.

Hãng sản xuất vaccine AstraZeneca chia sẻ với tờ Telegraph rằng sự an toàn của bệnh nhân là “ưu tiên hàng đầu” của họ. Hãng cũng khẳng định vaccine đã "liên tục được chứng minh về độ an toàn", đồng thời nhắc lại các tuyên bố về lợi ích của việc tiêm chủng.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Telegraph/BBC)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin