Dấu hiệu trẻ dị ứng thực phẩm cha mẹ không nên chủ quan

Có đến 40% trẻ nhỏ có nguy cơ dị ứng thực phẩm

Thích nuôi mèo nhưng lại bị dị ứng phải làm sao?

Bất dung nạp lactose hoàn toàn khác dị ứng đạm sữa bò

Mẹo kiểm soát các tác nhân gây dị ứng trong nhà

Podcast: Chuyên gia chỉ cách phòng hen suyễn và viêm mũi dị ứng cho trẻ

Theo GS. Helen Brough, chuyên gia về dị ứng nhi tại Quỹ Nghiên cứu Dị ứng Natasha (Anh), thực phẩm dễ gây dị ứng với trẻ gồm sữa, trứng, lạc (đậu phộng), hạt hạch (hạnh nhân, hạt điều), vừng, đậu nành, lúa mì, cá và động vật có vỏ (trai, sò).

Nguyên nhân chính gây ra dị ứng thực phẩm ở trẻ em là protein trong thực phẩm. Những protein này không dễ bị phân hủy bởi men tiêu hóa và nhiệt độ. Chúng đi qua lớp màng nhầy hệ tiêu hóa, vào tế bào ruột và thậm chí là vào máu. Cơ thể phản ứng với các protein lạ này bằng cách giải phóng hàng loạt các chất trung gian hóa học, đặc biệt là các histamine, gây ra phản ứng dị ứng.

Dưới đây là dấu hiệu dị ứng thực phẩm thường gặp ở trẻ em:

1. Sưng phù: Sưng môi, mặt và mắt sau khi ăn thực phẩm nào đó là dấu hiệu điển hình của tình trạng dị ứng.

Mề đay xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng với tác nhân gây dị ứng, gây nổi sẩn ngứa ngáy trên da

Mề đay xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng với tác nhân gây dị ứng, gây nổi sẩn ngứa ngáy trên da

2. Nổi mề đay: Da nổi mẩn đỏ, nổi ban và mề đay một khoảng thời gian ngắn sau khi tiếp xúc với thực phẩm gây dị ứng.

3. Hắt hơi, nghẹt mũi: Trẻ bị dị ứng thực phẩm còn có biểu hiện gần giống viêm mũi dị ứng, chảy nước mũi, hắt hơi và nghẹt mũi.

4. Ngứa miệng, ngứa họng: Trẻ ăn trái cây tươi hoặc các loại hạt gây dị ứng có thể bị ngứa niêm mạc miệng và họng.

5. Vấn đề tiêu hóa: Nôn mửa, buồn nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng cũng có thể xảy ra khi trẻ bị dị ứng.

6. Khó thở: Trẻ ho, thở khò khè, khó thở là biểu hiện dị ứng nghiêm trọng.

7. Chóng mặt, ngất: Trong trường hợp sốc phản vệ, trẻ còn có thể bị hạ huyết áp đột ngột gây choáng, ngất.

8. Dấu hiệu đến muộn: Một số trẻ xuất hiện các triệu chứng muộn (vài ngày sau khi ăn thức ăn chứa dị nguyên) gồm viêm da, buồn nôn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng hoặc phân có nhầy… 

Triệu chứng dị ứng thực phẩm có thể xảy ra từ vài phút đến vài ngày sau khi ăn, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và loại phản ứng.

Khi phát hiện dấu hiệu trẻ bị dị ứng thực phẩm, cha mẹ nên đưa trẻ tới cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, làm các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân. Nếu trẻ có biểu hiện sốc phản vệ như khó thở, ho liên tục, sưng nề lưỡi, buồn ngủ, chóng mặt, cần gọi cấp cứu ngay. 

Nếu đã biết trẻ dị ứng với thực phẩm nhất định, cần cho con thay đổi thói quen ăn uống và cẩn trọng hơn trong việc nấu ăn. Dù vậy, cắt bỏ một số thức ăn khỏi chế độ ăn của trẻ có thể dẫn đến mất cân đối về dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Tốt hơn hết cha mẹ nên tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để tìm được một chế độ ăn thích hợp cho con mình.

 
Quỳnh Trang (Theo Independent)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ