Ước tính trên toàn thế giới có 2 tỷ người bị thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Nguyên nhân có thể do chế độ ăn không cung cấp đủ, hoặc do cơ thể không thể hấp thụ vi chất hiệu quả. Để biết cơ thể bạn thiếu hụt vitamin, khoáng chất nào với mức độ ra sao, bạn cần thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến cảnh báo cơ thể đang thiếu hụt một số vi chất quan trọng.
Mệt mỏi: Một trong những biểu hiện thường gặp ở người thiếu hụt vi chất là mệt mỏi kéo dài, không cải thiện dù bạn ngủ ngon, nghỉ ngơi đầy đủ. Đây có thể là dấu hiệu cơ thể thiếu hụt vitamin D, B3 và sắt.
Yếu cơ, đau khớp: Tình trạng cơ bắp mỏi, bị co rút thường xuyên có liên quan tới nguy cơ thiếu chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe xương khớp như vitamin D, vitamin nhóm B và magne.
Rụng tóc hàng loạt: Có nhiều nguyên nhân gây rụng tóc như yếu tố di truyền, do mất cân bằng nội tiết hoặc một số bệnh lý nền. Ngoài ra, cơ thể thiếu hụt vi chất nghiêm trọng cũng có thể khiến tóc yếu và mỏng đi trông thấy. Bạn có thể đang thiếu vitamin B2, B7 (biotin), B9 hoặc kẽm. Nếu bạn bị rụng tóc do thiếu chất, bổ sung kịp thời giúp tóc mọc khỏe trở lại.
Da khô: Nếu bạn chăm sóc da và dưỡng ẩm đều đặn mà da vẫn khô nẻ, hãy chú ý tới chế độ ăn uống của bạn. Thiếu hụt một số dưỡng chất như vitamin B, C, E, D, collagen và omega-3 có thể khiến làn da khô và dễ bong vảy.
Hệ miễn dịch yếu, vết thương lâu lành: Tình trạng thiếu hụt các vi chất quan trọng như vitamin C, E, K và kẽm có thể gây ra triệu chứng như vết thương lâu lành, sức đề kháng suy yếu. Vitamin K tham gia vào quá trình đông máu, hạn chế lượng máu mất đi khi bị thương. Vitamin C có đặc tính chống viêm và thúc đẩy tái tạo tế bào.
Tâm trạng thất thường: Rối loạn cảm xúc theo mùa là một dạng rối loạn trầm cảm xảy ra khi cơ thể ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, dẫn đến thiếu hụt vitamin D. Tình trạng thiếu vitamin B6 cũng có liên quan tới các vấn đề tâm lý như lo âu. Bạn có thể thăm khám để tìm ra giải pháp cải thiện sức khỏe tinh thần nhờ thực phẩm bổ sung.
Thị lực thay đổi: Những vấn đề về thị lực có thể là dấu hiệu cơ thể thiếu vitamin A. Vi chất này tạo ra những sắc tố trong võng mạc và tham gia vào chức năng thị giác của mắt. Thiếu hụt vitamin A có thể dẫn đến quáng gà, khô mắt, giảm khả năng nhìn trong bóng tối. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin A qua thực phẩm chức năng nên được bác sỹ chỉ định liều lượng an toàn.
Tê bì chân tay: Triệu chứng tê như kiến bò ở ngón tay, bàn tay, bàn chân có thể báo hiệu tình trạng thiếu hụt vitamin B12. Vitamin B12 tạo ra myelin, lớp vỏ bảo vệ dây thần kinh khỏi các tổn thương. Thiếu hụt khoáng chất như calci, magne, đồng… cũng có thể khiến tay chân tê bì. Nếu hiện tượng này kéo dài, bạn nên thăm khám sớm để được điều trị kịp thời.