Bạn có đang dị ứng với rượu?

Dị ứng rượu ở mức độ nghiêm trọng có thể gây sốc phản vệ nguy hiểm tới tính mạng

Mùa Hè uống nhiều rượu tăng nguy cơ tử vong

Ngừng uống rượu - Những lợi ích sức khỏe theo thời gian

Rượu và trầm cảm: Mối liên hệ mật thiết ít người để ý

Uống nhiều rượu tăng nguy cơ sa sút trí tuệ

Dị ứng rượu và không dung nạp rượu: Hai khái niệm khác biệt

Dị ứng rượu là phản ứng miễn dịch bất thường của cơ thể với một thành phần trong đồ uống có cồn như ethanol, men, ngũ cốc hoặc chất bảo quản. Khi đó, hệ miễn dịch coi các chất này là tác nhân gây hại và tạo ra các phản ứng như phát ban, ngứa, sưng môi hoặc lưỡi, khó thở, đau bụng, thậm chí có thể dẫn đến sốc phản vệ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Ngược lại, không dung nạp rượu không liên quan đến phản ứng miễn dịch mà là vấn đề về chuyển hóa. Những người mắc tình trạng này thường thiếu enzym aldehyde dehydrogenase 2 (ALDH2), cần thiết để phân giải chất trung gian độc hại acetaldehyde trong quá trình chuyển hóa rượu. Biểu hiện thường gặp bao gồm đỏ bừng mặt, buồn nôn, tim đập nhanh và đau đầu.

Tình trạng không dung nạp rượu phổ biến hơn ở người Đông Á, với khoảng 45% mang biến thể gene ALDH2 gây ra hội chứng đỏ bừng khi uống rượu. Đây là hệ quả của đột biến gene khiến quá trình phân giải rượu trong cơ thể bị gián đoạn.

Dấu hiệu nhận biết dị ứng rượu

Mặc dù hiếm gặp nhưng dị ứng rượu có thể biểu hiện ở nhiều mức độ, từ nhẹ đến nghiêm trọng. Các triệu chứng thường xảy ra ngay cả khi tiêu thụ lượng rượu rất nhỏ. Các biểu hiện phổ biến bao gồm:

- Phản ứng trên da: mề đay, ngứa, đỏ bừng, phát ban dạng chàm.

- Sưng phù: đặc biệt ở mặt, môi, lưỡi hoặc quanh mắt.

- Triệu chứng hô hấp: nghẹt mũi, thở khò khè, khó thở, hắt hơi.

- Triệu chứng tiêu hóa: buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy.

- Triệu chứng tim mạch: chóng mặt, ngất xỉu, trong một số trường hợp là sốc phản vệ.

Việc phát hiện và phân biệt dị ứng rượu với không dung nạp rượu là điều quan trọng, vì dị ứng có thể diễn tiến nghiêm trọng nếu không xử trí kịp thời.

Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chứng minh không có liều lượng rượu nào là tốt cho sức khoẻ.

Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chứng minh không có liều lượng rượu nào là tốt cho sức khoẻ.

Tác động toàn diện của rượu đến cơ thể

Rượu ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và hệ thống trong cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh trung ương. Nó làm chậm hoạt động não bộ, suy giảm khả năng phản xạ, phán đoán và phối hợp vận động. Mặc dù có thể tạo cảm giác hưng phấn tạm thời, sử dụng lâu dài có liên quan đến lo âu, trầm cảm và nghiện rượu.

Về tim mạch, rượu có thể làm thay đổi huyết áp, nồng độ cholesterol (bao gồm cả cholesterol “tốt” HDL), ảnh hưởng đến nhịp tim và dẫn truyền tín hiệu tim. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào liều lượng và tần suất tiêu thụ.

Ngoài ra, rượu là một chất gây ung thư đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp loại. Nó liên quan đến nguy cơ gia tăng các bệnh ung thư như vú, gan, miệng, họng và đại tràng. Uống rượu dù với liều lượng vừa phải cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ, nội tiết tố, hệ miễn dịch, sức khỏe tâm thần và cân nặng.

Các tác nhân gây phản ứng trong rượu

Dị ứng với ethanol là tình trạng rất hiếm gặp. Phần lớn các phản ứng bất lợi thường liên quan đến các hợp chất đi kèm trong đồ uống có cồn bao gồm:

- Histamine: có nhiều trong rượu vang đỏ và bia. Những người có enzym Diamine Oxidase (DAO) thấp dễ bị phản ứng dị ứng như ngứa, đỏ mặt, nghẹt mũi.

- Sulfite: chất bảo quản có mặt trong nhiều loại rượu vang, có thể gây cơn hen ở người bị hen suyễn. Khoảng 10% bệnh nhân hen có phản ứng với sulfit.

- Ngũ cốc: bia và một số loại rượu mạnh chứa lúa mì, lúa mạch hoặc lúa mạch đen dễ gây phản ứng ở người dị ứng gluten hoặc dị ứng ngũ cốc.

- Hương liệu và phụ gia: như tannin, chất tạo màu hoặc hương liệu trái cây có thể gây đau đầu, rối loạn tiêu hóa hoặc nổi mề đay.

- Acetaldehyde: chất chuyển hóa trung gian của rượu, có thể tích tụ ở người không dung nạp do thiếu ALDH2, dẫn đến đỏ bừng, buồn nôn và tim đập nhanh.

Cần làm gì khi nghi ngờ dị ứng rượu?

Nếu nghi ngờ bị dị ứng với rượu, nên ngưng uống ngay lập tức và ghi lại các triệu chứng xuất hiện sau khi uống. Với các phản ứng nhẹ như nghẹt mũi hay mề đay, thuốc kháng histamine không kê đơn có thể giúp làm dịu triệu chứng. Tuy nhiên, nếu xuất hiện các dấu hiệu nghiêm trọng như sưng họng, khó thở hay chóng mặt, cần tìm đến cơ sở y tế ngay lập tức vì đây có thể là biểu hiện của sốc phản vệ.

Một số người nghĩ rằng uống thuốc kháng histamine trước khi dùng rượu có thể phòng ngừa phản ứng, nhưng đây là cách tiếp cận không được khuyến khích. Thuốc kháng histamine không giải quyết nguyên nhân gốc rễ và có thể làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ của rượu, đặc biệt nếu đó là loại thuốc có tác dụng an thần như diphenhydramine (Benadryl). Kết hợp rượu với thuốc này có thể gây buồn ngủ sâu, suy giảm khả năng nhận thức, thậm chí suy hô hấp.

Vì vậy, nếu đã xác định rõ nguyên nhân gây phản ứng, nên tránh hoàn toàn các loại rượu chứa thành phần đó để bảo vệ sức khỏe lâu dài.

 
Hà Chi (Theo Time)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp