Dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời là “chìa khóa” giúp trẻ phát triển toàn diện

Dinh dưỡng cho trẻ từ khi thụ thai đến trên 2 tuổi rất quan trọng để phát triển thể chất và tinh thần

Cách đối phó viêm amidan nôn trớ ở trẻ

Podcast: Trẻ bị rối loạn tiêu hóa có nên uống men vi sinh?

Podcast: Nguy hiểm khi để trẻ ngồi phía trước người điều khiển xe máy

Bình sữa cho bé: Nên chọn bình nhựa hay thủy tinh?

1.000 ngày đầu tiên từ khi thụ thai đến 2 tuổi là “thời gian vàng” để thiết lập nền tảng sức khỏe cho trẻ

Phát biểu tại Hội thảo chuyên gia Việt Nam - Nhật Bản với chủ đề “Dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời” diễn ra vào tuần trước, PGS.TS. Trần Minh Điển, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh: “Dù đã có nhiều cố gắng của cả hệ thống và có những tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em trong những thập kỉ gần đây, tuy nhiên Việt Nam vẫn là 1 trong 34 quốc gia trên thế giới đang đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng”.

Hiện chúng ta chưa có hướng dẫn đầy đủ về chế độ ăn cho phụ nữ có thai và bà mẹ nuôi con bú mang tính hệ thống; Bà mẹ và những người chăm sóc còn thiếu kiến thức đúng đắn về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; Các nhân viên y tế cũng chưa coi trọng lĩnh vực dinh dưỡng trong quá trình khám chữa bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Trong khi đó, dinh dưỡng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Trẻ em được nuôi dưỡng tốt sẽ có khả năng phát triển và học tập tốt hơn, đồng thời tăng khả năng đề kháng với bệnh tật và các vấn đề sức khỏe. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 1.000 ngày đầu tiên từ khi thụ thai đến sinh nhật 2 tuổi là khoảng thời gian đặc biệt để thiết lập nền tảng cho sức khỏe, sự trưởng thành, ngăn ngừa tình trạng và hậu quả của thiếu dinh dưỡng.

PGS.TS.Trần Minh Điển phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Dangcongsan.vn

PGS.TS.Trần Minh Điển phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Dangcongsan.vn

Cụ thể, PGS.TS. Trần Minh Điển cho biết thời gian khi trẻ hình thành trong bụng mẹ (giai đoạn đầu đời) rất quan trọng để phát triển các cơ quan, đặc biệt là não bộ. Không chỉ vậy, để đảm bảo thể chất và tinh thần cho trẻ nhỏ, việc đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ từ khi thụ thai đến trên 2 tuổi là rất quan trọng. 6 tháng đầu đời cần nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ để cung cấp dưỡng chất và kháng thể tốt nhất cho trẻ. Từ 6 - 18 tháng tuổi, trẻ có thể uống sữa mẹ, kết hợp với bổ sung dần một số loại thức ăn thô như bột dinh dưỡng phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ. Như vậy, trẻ cần được cho ăn đa dạng theo từng giai đoạn trong 1.000 ngày đầu đời để phát triển được toàn diện, thông minh hơn.

Với dinh dưỡng cho mẹ bầu và đang cho con bú, các chuyên gia khuyên nên đảm bảo chế độ ăn phong phú để đảm bảo hấp thụ đủ các loại dưỡng chất từ thực phẩm như chất béo, chất đạm, chất bột, vitamin… Việc phát triển các chức năng của trẻ nhỏ trong quá trình thai kì phụ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn uống của mẹ bầu. Vì vậy, các bà mẹ cần chú ý không nên chỉ ăn một món hoặc chỉ tập trung vào một nhóm dưỡng chất.

Thực trạng chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam

Hiện nay, tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, vẫn có thực trạng các bậc phụ huynh cho trẻ ăn dặm, uống nước trắng và các loại nước khác quá sớm. Sai lầm phổ biến này khiến chế độ ăn uống của trẻ không đủ dinh dưỡng. Ngoài ra, dù đã có nhiều cải thiện so với trước đây, nhưng các chuyên gia đánh giá việc thực hành cho trẻ bú mẹ sớm và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tại các tỉnh này vẫn còn chưa tốt.

Các chuyên gia cũng cảnh báo tình trạng thiếu sắt cao ở nhóm trẻ bú mẹ trong 6 tháng đầu, nhưng người mẹ không được bổ sung sắt. Trẻ uống sữa công thức quá nhiều (trên 600ml/ngày), kém ăn cũng có nguy cơ bị thiếu sắt cao hơn.

Tình trạng trẻ thiếu sắt cũng là một vấn đề Dinh dưỡng khá phổ biến

Tình trạng trẻ thiếu sắt cũng là một vấn đề dinh dưỡng khá phổ biến

Tại các tỉnh phía Nam, lứa tuổi có tỉ lệ thiếu máu, thiếu sắt cao nhất là từ 12 - 24 tháng tuổi. Bên cạnh đó, tỉ lệ béo phì ở trẻ em tại TP.HCM đang ngày càng tăng cao cũng là một vấn đề đáng báo động.

Khuyến nghị về dinh dưỡng cho trẻ từ các chuyên gia Nhật Bản: Cần chú trọng đến cách trẻ nhỏ ăn uống chủ động

Trước thực trạng về vấn đề dinh dưỡng tại Việt Nam hiện nay, các chuyên gia dinh dưỡng Nhật Bản cho biết quan điểm cơ bản về vấn đề hỗ trợ ăn dặm là hỗ trợ thúc đẩy sự tự lập trong ăn uống của trẻ. Dựa trên việc tôn trọng sự khác biệt cá nhân của từng trẻ, cha mẹ có thể tạo nền tảng cho thói quen ăn uống lành mạnh của con.

Thêm vào đó, vấn đề giáo dục ăn uống cũng rất cần được chú trọng. Một trong những mục tiêu của giáo dục ăn uống là tăng tỉ lệ người dân ăn chậm, nhai kỹ. Nguyên nhân là bởi nhai kỹ giúp kích thích phát triển não bộ ở trẻ, tăng lưu lượng máu não, làm tiết nước bọt, kích thích dịch tiêu hóa, tạo cảm giác no và ngăn ngừa béo phì. Việc phát triển kỹ năng nhai cần phải phù hợp với sự tăng trưởng, phát triển của từng trẻ nhỏ.

Mục tiêu xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hành dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời tại Việt Nam

Hiện nay, chúng ta đã xác định được một số mục tiêu sau đến năm 2030:

 

- Giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi còn dưới 19%.

- Tỉ lệ trẻ thiếu cân dưới 10,5%.

- Tỉ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp dưới 7%.

- Tỉ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai giảm xuống dưới 20%.

- Về cải thiện thực hành chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho trẻ: Mục tiêu 85% bà mẹ thực hành đúng nuôi con bằng sữa mẹ; 30% bà mẹ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn; 70% nuôi con bằng sữa mẹ đến 24 tháng; 80% thực hành nuôi con bằng sữa mẹ phù hợp.

Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố để đạt được các mục tiêu trên là việc xây dựng được tài liệu hướng dẫn thực hành dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời cho trẻ tại Việt Nam. Tài liệu này được xây dựng dựa trên tính kế thừa các hướng dẫn của WHO, Bộ Y tế và tham khảo mô hình về chăm sóc cho bà mẹ và trẻ em của Nhật Bản, có giá trị liên quan đến thực tiễn và cá thể hóa ở mỗi trẻ. Đồng thời, bản hướng dẫn cũng cần tính đến tính đa dạng của các vùng miền, địa lý và dân tộc.

Với sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước, các chuyên gia hy vọng tài liệu hướng dẫn thực hành dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời cho trẻ tại Việt Nam sẽ được xem xét lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia, hướng tới cộng đồng để nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh, cũng như cho các nhân viên y tế trong thời gian tới.

Vi Bùi (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ