Hội chứng áo choàng trắng là tình trạng dễ gặp ở phụ nữ (ảnh GettyImage)
Bổ sung calci khi mang thai cần lưu ý điều gì?
Làm sao duy trì động lực tập thể dục khi thấy nản lòng?
Nguyên nhân bệnh lý gây ù tai phải không thể xem thường
Suýt mất chân do tắc động mạch cấp tính
Còn nhớ dạo dịch COVID-19 còn hoành hành, tôi đi tiêm vacccine, trước khi tiêm có thủ tục đo huyết áp. Bác sĩ bảo tôi huyết áp cao phải ra ngồi chờ một lúc, trong khi trước khi đi ở nhà tôi đã đo huyết áp ở mức 120/86. Mới đây lại phải đến gặp bác sĩ để khám căn bệnh đau vai không ngoái được tay ra sau. Bác sĩ đo, cũng nói tôi đang huyết áp cao. Tôi cười cười, có lẽ do vào bệnh viện gặp bác sĩ, hồi hộp đâm ra thế!
Mới đây, tôi lại đọc câu chuyện bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ trên trang facebook cá nhân mới hay cái sự “thấy bác sĩ là lên huyết áp” không chỉ riêng tôi. Xin dẫn lại câu chuyện bác sĩ Lân Hiếu kể để những ai có máu “sợ bác sĩ” như tôi hiểu về căn nguyên mà khỏi lo lắng!
Bác sĩ Lân Hiếu kể:
Mẹ của một người bạn cần phẫu thuật mắt, một phẫu thuật đơn giản mất chưa đầy 30 phút trong phòng mổ. Vậy nhưng vào phòng chuẩn bị mấy lần đều bị bác sĩ gây mê cho về vì huyết áp quá cao. Ở nhà theo dõi huyết áp toàn trong giới hạn bình thường thậm chí thấp nên không thể dùng thuốc hạ áp. Tình huống này thật khó xử cho bệnh nhân và ngay cả người thầy thuốc nên phải cầu cứu đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch như tôi. Đây không phải hiếm gặp mà trong thực hành lâm sàng chúng tôi phải xử lý khá nhiều. Chính vì vậy hôm nay tôi xin chia sẻ về Hội chứng áo choàng trắng (white coat syndrome- WCS).
Hội chứng áo choàng trắng là tình trạng huyết áp của bạn cao tại cơ sở y tế nhưng kết quả lại bình thường ở nhà. Điều này có thể xảy ra ở người hoàn toàn không tăng huyết áp nhưng cũng có thể gặp ở người tăng huyết áp đang điều trị thuốc hạ áp thường xuyên. Tăng huyết áp áo choàng trắng ảnh hưởng 15% đến 30% số người bị huyết áp cao. Những người không bị huyết áp cao cũng có thể mắc hội chứng này. Hàng năm có 5% số người mắc hội chứng áo choàng trắng được chẩn đoán bị tăng huyết áp thực sự.
Thông thường hội chứng này không nguy hiểm nhưng cũng rất gây phiền hà khi các bác sĩ không có kinh nghiệm cho thuốc hạ áp hoặc tăng liều đang dùng khiến có nguy cơ tụt huyết áp trên bệnh nhân bị WCS.
Những người có nhiều khả năng mắc hội chứng áo choàng trắng: trên 50 tuổi, nữ giới, béo phì, sử dụng chất kích thích…Nếu bị tăng huyết áp áo choàng trắng, bạn cảm thấy lo lắng khi đến phòng khám hoặc bệnh viện. Cảm giác lo lắng này có thể còn tệ hơn khi bạn vào phòng thi hoặc lên bục phát biểu…
Nguyên nhân gây ra hội chứng áo choàng trắng là gì? Cơ thể bạn có thể có phản ứng với việc kiểm tra huyết áp khi bạn lo lắng về kết quả. Đây giống như phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy” của mọi người khi họ cảm thấy nguy hiểm.
Hội chứng áo choàng trắng được chẩn đoán như thế nào? Khi nghi ngờ bạn bị tăng huyết áp áo choàng trắng để chẩn đoán chính xác cần đo Holter huyết áp lưu động 24 giờ hoặc theo dõi huyết áp tại nhà. Các chỉ số này tại phòng khám sẽ cao hơn 140/90 mmHg, nhưng số đo huyết áp lưu động trong 24 giờ của bạn (tại nhà) lại thấp hơn 135/85 mmHg.
Hội chứng áo choàng trắng được điều trị như thế nào? Bạn có thể mua máy đo huyết áp tự động để sử dụng tại nhà. Đo thường xuyên vào một giờ nhất định (thường 2 lần mỗi ngày: sáng và tối), đo xong ghi lại con số, không quá lo lắng khi thấy hơi cao, đo lại liên tục huyết áp sẽ càng cao hơn. Cần đặc biệt lưu ý huyết áp tâm trương (huyết áp dưới), trong hội chứng áo choàng trắng huyết áp này thường không cao quá 95 mmHg, nếu cao hơn có thể bạn đã bị tăng huyết áp thực sự nên đến khám bác sĩ sớm.
Một số thay đổi trong lối sống, chẳng hạn như:
- Tập thể dục thường xuyên hơn; giảm cân; giảm lượng muối bạn ăn, đi ngủ sớm, hạn chế rượu bia, café, nước chè… rất tốt cho những người bị WCS.
- Phát triển mối quan hệ tốt với nhân viên y tế để bạn có thể nói chuyện với họ một cách dễ dàng.
- Nếu bạn không cảm thấy thoải mái với bác sĩ của mình, hãy tìm một người khác. Mang theo một danh sách các câu hỏi để bạn không lo lắng về việc quên hỏi chúng. Dành thêm thời gian ngồi nghỉ trước khi khám bệnh để bạn không cảm thấy căng thẳng.
- Không hút thuốc, uống cà phê hoặc tập thể dục nửa giờ trước cuộc hẹn.
Bác sĩ Lân Hiếu không quên một số lời khuyên dành cho đồng nghiệp dựa trên kinh nghiệm 25 năm hành nghề điều trị bệnh Tăng huyết áp của ông. Đó là :
1. Đừng bao giờ quên Hội chứng áo choàng trắng! Chắc chắn các bạn sẽ gặp trong thực hành điều trị.
2. Ngoài hỏi kỹ càng bệnh sử nên lưu ý: huyết áp tâm thu cao nhưng tâm trương thấp khi đo trong phòng khám rất hay gặp trong hội chứng này.
3. Không vội vã bắt đầu điều trị hay nâng liều thuốc hạ áp đang dùng nếu nghi ngờ WCS.
4. Nếu chưa chắc chắn chẩn đoán tăng huyết áp, cố gắng tìm tác động của huyết áp lên các cơ quan đích như Tim (trục trái trên ĐTĐ, dày thất trái trên siêu âm), soi đáy mắt, thận (siêu âm, protein niệu), các mạch máu lớn…. Khi các cơ quan đích bình thường nên bắt đầu bằng phương pháp điều trị không dùng thuốc.
5. Không nên dùng thuốc hạ áp mạnh nếu bắt buộc phải điều trị (như nhóm chẹn kênh Canxi), bắt đầu bằng liều thấp nhất có thể để theo dõi đáp ứng điều trị.
6. Tạo một mối quan hệ chuyên nghiệp với bệnh nhân và thầy thuốc.
Việc này rất khó để lý giải vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chỉ biết cần lưu ý và chịu khó học hỏi bạn sẽ tìm được cách giải quyết vấn đề, chỉ là nhanh hay chậm.
Bác sĩ Lân Hiếu cũng cho biết thêm, ông ít khi mặc áo choàng trắng khi khám bệnh, ngoài vì WCS là còn vì hay khám cho các em bé tuổi học đường.
Bình luận của bạn