ĐT Việt Nam cần thay đổi, cần làm mới để thành công trở lại

Đã đến lúc thầy Park cần có những sự đổi mới cho ĐT Việt Nam

Thể thao Việt Nam cần hoạch định lại chiến lược để đi đến thành công

Không thể chọc thủng lưới Thái Lan, ĐT Việt Nam chính thức thành cựu vương

Vừa đen, vừa bị trọng tài ép, ĐT Việt Nam thua không có gì lạ

Bí quyết dinh dưỡng vàng cho trận thắng đậm đầu tiên của Đội tuyển Việt Nam tại Vòng Loại World Cup 2022

Một kỳ AFF Cup thất bại của ĐT Việt Nam, phải khẳng định là như thế. Chúng ta đang ở đỉnh cao, đang là đội ĐNÁ duy nhất còn có mặt ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và có những trận đấu tốt ở sân chơi đẳng cấp này, nhưng lại thất bại khi trở về giải đấu khu vực như AFF Cup, giải đấu lâu nay được ví như ao làng. Người hâm mộ dĩ nhiên đều muốn biết nguyên nhân là do đâu.

Thừa và thiếu quân cùng sự nhút nhát của HLV Park Hang-seo
Trước khi AFF Cup 2020 diễn ra, truyền thông cũng như giới chuyên môn trong nước và trong khu vực đều nhận định ĐT Việt Nam sẽ là ứng cử viên nặng ký nhất cho chức vô địch. Lý do là bởi đội bóng của HLV Park Hang-seo là đội được chuẩn bị tốt nhất, lực lượng đồng đều, chất lượng và lại được thi đấu liên tục (dự vòng loại thứ 2, thứ 3 World Cup 2022) để duy trì phong độ nhất. Trong khi đó, các đối thủ còn lại đều tập trung bập bõm, không có cơ hội thi đấu vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Nhưng thực tế thì sao, ĐT Việt Nam lại thể hiện một bộ mặt khá uể oải tại AFF Cup 2020. Đội bóng của HLV Park Hang-seo thi đấu thiếu lửa, trận hay, trận dở thất thường. Đoàn quân của thầy Park chơi như lên đồng trước Malaysia nhưng lại chỉ đạt mức trung bình khi đá với các đội yếu hơn là Indonesia, Lào hay Campuchia và việc bị loại được nhiều người dự đoán trước.

Ngay cả khi cầm được thế trận, đội cũng không cho thấy được sự linh hoạt cần thiết trong việc tổ chức lên bóng, phối hợp hay khi phải thay đổi chiến thuật. Trận đấu với ĐT Thái Lan và Indonesia có thể coi là những minh chứng điển hình cho sự nghèo ý tưởng và phong độ sa sút của các cầu thủ. Chúng ta bất lực trong việc tìm phương án xuyên qua hàng thủ nhiều tầng của đối phương và tỏ ra quá lệ thuộc vào các cá nhân, ở giải này là Quang Hải và Hoàng Đức.

Những cầu thủ trẻ và dự bị của ĐT Việt Nam cần được tạo nhiều cơ hội hơn để khẳng định mình

Những cầu thủ trẻ và dự bị của ĐT Việt Nam cần được tạo nhiều cơ hội hơn để khẳng định mình

HLV Park Hang-seo mang tới Singapore 30 cầu thủ nhưng số người được ra sân lại chỉ có 17 - 18 người. Số còn lại tập chay và ngồi xem đồng đội thi đấu suốt giải. Ngoài lý do đa phần những cầu thủ không đường dùng là sao trẻ đi để học hỏi thì những Minh Vương, Xuân Mạnh, Xuân Trường, Thanh Thịnh, Lý Công Hoàng Anh xứng đáng được trao cơ hội hoặc được thi đấu nhiều hơn. Không rõ HLV Park Hang-seo muốn duy trì sự ổn định đội hình, ngại thay đổi, không dám thay đổi hay vì chất lượng phần còn lại quá kém mà ông chỉ thi thoảng có một vài sự thay đổi. Ngay cả trận gặp hai đối thủ tiểu tốt là Lào và Campuchia, HLV người Hàn Quốc cũng không dám mạnh dạn sử dụng đội hình dự bị.

Điều này khiến lực lượng chính với Quang Hải, Hoàng Đức, Ngọc Hải, Hồng Duy, Duy Mạnh, Thành Chung… suy giảm thể lực trông thấy. Trong khi dàn sao dự bị thì cuồng chân, cuồng cẳng mà không được vào thi đấu. Câu hỏi là chẳng hiểu ông Park mang lực lượng hùng hậu như thế sang Singapore để làm gì, hay chỉ để dự phòng trong trường hợp dính COVID-19 như ĐT Malaysia?

HLV Park Hang-seo lười thay đổi sơ đồ thi đấu, quá an toàn, bảo thủ trong dùng người?
Điều này cũng không phải là không có cơ sở bởi ai cũng có thể thấy ĐT Việt Nam có nhiều trận hoàn toàn bế tắc và những con người được tung vào sân, các vận hành chiến thuật không hợp lý. Trận đấu với Thái Lan và Indonesia là điển hình của sự bế tắc trong chiến thuật và sách lược của HLV Park Hang-seo khi chúng ta không ghi nổi lấy 1 bàn thắng. Ở trận đấu với đội bóng yếu như Campuchia cũng vậy, khi mà ĐT Việt Nam cần ghi thêm bàn thắng, dồn toàn lực tấn công nhưng cũng không thể đạt được mục đích.

Có những trận đấu như với Indonesia, Campuchia hay Lào, ngay cả trận đấu với Thái Lan cũng vậy, việc chơi với 3 trung vệ nhiều khi không còn cần thiết, lãng phí vì đội bạn còn không tấn công nổi. Đó là thời điểm mà ĐT Việt Nam cần rút bớt người ở tuyến phòng ngự để tăng viện cho hàng tiền vệ hoặc tiền đạo thì ông Park lại nói không.

Văn Đức liên tục được trao cơ hội dù phong độ ở giải lần này là rất tệ, trong khi nhiều cầu thủ khác rất khát khao lại không được tung vào sân

Văn Đức liên tục được trao cơ hội dù phong độ ở giải lần này là rất tệ, trong khi nhiều cầu thủ khác rất khát khao lại không được tung vào sân

Ở giải đấu này, Tiến Linh, Văn Đức thậm chí Văn Thanh có phong độ rất tệ nhưng lại luôn được HLV Park Hang-seo quá ưu ái sử dụng. Trong khi những người luôn khao khát khẳng định mình như Văn Toàn, Đức Chinh hay Minh Vương lại bị hạn chế hoặc không dùng tới. Trận lượt về với Thái Lan, khi ĐT Việt Nam dùng nhiều đường chuyền dài, chuyền bổng thì người chuyền bóng vào loại tốt nhất Việt Nam là Xuân Trường lại không được vào sân… Những điều bất hợp lý ấy ai cũng thấy.

Nếu ĐT Việt Nam vẫn tiếp tục nếp thi đấu an toàn đó thì sẽ khó có được sự bứt phá. Đôi khi cần có sự mạo hiểm và phá cách để có được thành công.

Thiếu trung phong, thiết sát thủ
Đây có thể xem căn bệnh nan y của bóng đá Việt Nam hiện tại. Đã từ lâu rồi, chúng ta không thấy V.League xuất hiện một chân sút nội thực sự đẳng cấp nào. Các huấn luyện viên ĐTQG luôn đổ lỗi cho CLB V.League rằng không tạo điều kiện cho các tiền đạo nội có cơ hội thể hiện mình mà chủ yếu trọng dụng các ngoại binh dù trình độ chuyên môn là không quá nổi trội nhưng có thể hình, thể lực cũng như sức dướn tốt.

Nhưng có một sự thực cũng phải thừa nhận rằng lâu rồi, các lò đào tạo trong cả nước chỉ đào tạo ra các tiền đạo vệ tinh chứ chưa tung ra được một mẫu trung phong tiềm năng nào vừa có thể hình, thể lực lại vừa có thể dứt điểm tốt, có thể đá độc lập lại có khả năng làm tường cho đồng đội. Họa chăng có cầu thủ trẻ Nguyên Hoàng của PVF đang được cho Sài Gòn FC mượn. Nhưng chuyên môn của cầu thủ này cũng chỉ ở mức khá chưa chưa phải là xuất sắc.

Đã lâu lắm rồi người hâm mộ khao khát được thấy một hình mẫu kiểu Công Vinh, Việt Thắng, Anh Đức hay xa hơn là Huỳnh Đức xuất hiện. Đức Chinh chưa khi nào hay ở khâu tìm kiếm cơ hội và ghi bàn, Tiến Linh thì phong độ phập phù nhưng vẫn là sự lựa chọn khả dĩ nhất lúc này. Trong khi Văn Toàn, Công Phượng hay Văn Đức chủ yếu đá ở biên.

ĐT Việt Nam dễ bị bắt bài khi quá lệ thuộc vào tài năng của Quang Hải

ĐT Việt Nam dễ bị bắt bài khi quá lệ thuộc vào tài năng của Quang Hải

Với một hàng công như thế, bảo sao ĐT Việt Nam có hiệu suất ghi bàn không cao hay tịt ngòi trước các đối thủ tập trung phòng ngự. Không phải chúng ta không có cơ hội ở những trận đã qua nếu không muốn nói là khá nhiều, thế nhưng hàng tiền đạo mới chỉ ghi được đúng 4 bàn. Việc dựa dẫm quá nhiều vào tài năng của Quang Hải khiến lối chơi của ĐT Việt Nam dễ bị bắt bài và đó chính là điều ông Park cần cải thiện gấp.

Thay đổi là điều cần thiết lúc này
Đã đến lúc ông cần mạnh dạn tạo cơ hội cho những con người mới để giúp họ trưởng thành hơn, tiến bộ hơn và sẵn sàng đóng thế các trụ cột. Quan trọng hơn nữa là điều đó sẽ giúp những cầu thủ triển vọng khác thấy được cơ hội và có động lực phấn đấu lên tuyển, đồng thời cũng là để giảm tải và tái tạo lại khao khát cạnh tranh nơi các cầu thủ chủ lực vốn đang có tư tưởng an tâm về vị trí của mình.

Tạo nhiều cơ hội hơn nữa cho các cầu thủ trẻ, mời các ngôi sao Việt kiều ví như Alexander Đặng hay thậm chí lựa chọn cầu thủ nhập tịch có chuyên môn tốt, trình độ nổi bật và thật sự muốn cống hiến cho bóng đá Việt Nam kiểu như Hoàng Vũ Samson. Sự lựa chọn không phải không có và trong hoàn cảnh khan hiếm tài năng như hiện tại, VFF có lẽ cũng nên thêm một lần mở cửa. Đó ít nhiều cũng là xu thế chung của bóng đá thế giới hiện tại.

Bóng đá Việt Nam cần những bước đi hợp lý, những sự thay đổi mạnh mẽ để thành công có thể quay trở lại. Sắp tới ĐT Việt Nam sẽ có 2 trận đấu tại vòng loại thứ 3 World CUp 2022, hãy chờ xem HLV Park Hang-seo thay đổi như thế nào. 

 
Đức Bình
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe