Lưu ý an toàn khi dùng dung dịch nhỏ mũi, xịt mũi

Thời tiết mùa Đông là một trong những nguyên nhân gây ra các triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi khó chịu

Tại sao triệu chứng viêm xoang thường trầm trọng hơn vào mùa Đông?

Các biện pháp tự nhiên khắc phục viêm xoang khi trời lạnh

Cách xử trí khi bị sổ mũi trong tiết trời ẩm ương

Trẻ viêm đường hô hấp trên nên ăn gì để nhanh khỏi

Lưu ý đến thành phần

Khi trong nhà có người bị sổ mũi, nghẹt mũi (ngạt mũi), nhiều phụ huynh tìm mua dung dịch nhỏ mũi mà không quan tâm đến thành phần sản phẩm. Các loại thuốc nhỏ mũi thông thường giúp trẻ dễ thở, giảm sung huyết, giảm chảy nước mũi thường chứa thành phần là các chất co mạch như Naphazolin, Xylometazolin, Ephedrin, Oxymetazolin…

Tuy nhiên, một số hoạt chất trên chống chỉ định với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ; Hoặc phải sử dụng hàm lượng thấp tùy thuộc độ tuổi của trẻ. Tự ý dùng thuốc sai liều, sai hàm lượng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe của con. Ngay cả với người lớn, thuốc nhỏ mũi co mạch cũng không nên dùng liên tục quá 3-4 ngày.

Ngoài ra, với tình trạng viêm đường hô hấp do virus, sử dụng thuốc nhỏ mũi chứa kháng sinh, corticoid có thể phản tác dụng. Thuốc xịt mũi chứa steroid thường được sử dụng trong các trường hợp viêm mũi dị ứng.

Khi trẻ bị viêm mũi mà chưa xác định được nguyên nhân, cha mẹ không nên tự ý mua thuốc cho trẻ, không sử dụng thuốc nhỏ mũi của người lớn cho trẻ nhỏ.

Nhỏ mũi, xịt mũi đúng cách

Khi được kê đơn, chỉ định dung dịch nhỏ mũi, xịt mũi phù hợp, bạn cần tuân thủ chỉ định của thầy thuốc cũng như hướng dẫn trên bao bì để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Trước khi nhỏ hay xịt mũi, bạn nên rửa tay thật sạch để tránh lây nhiễm chéo và không chạm tay vào đầu vòi. Bạn cũng nên xì mũi (hỉ mũi) nhẹ nhàng để làm thông thoáng niêm mạc đường thở.

Với dung dịch nhỏ mũi, bạn nên nhỏ đủ số giọt theo chỉ định, lưu ý không để đầu vòi chạm vào thành mũi. Có thể ngửa đầu ra sau một lúc để thuốc không chảy ra ngoài. Không nuốt nếu thuốc chảy ngược xuống họng.

Với xịt mũi, bạn nên đặt vòi xịt ngay dưới lỗ mũi, hướng xịt vào xoang thay vì vách ngăn trên mũi. Nhẹ nhàng bấm vòi xịt, miệng đóng và hơi hít nhẹ để sản phẩm đọng lại trong mũi. Bạn không nhất thiết phải ngửa đầu ra sau vì lực xịt đã đủ đưa sản phẩm vào sâu. Ngửa cổ ra sau có thể khiến thuốc chảy xuống cổ họng.

Khi dùng dung dịch dạng xịt, bạn cần tránh hướng tia nước vào vách ngăn của mũi, bởi áp lực mạnh có thể làm tổn thương niêm mạc, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Không hít mạnh hay xì mũi ngay sau khi dùng thuốc.

Lưu ý, các sản phẩm nhỏ mũi, xịt mũi chỉ nên sử dụng cho một người, không dùng chung với người khác trong gia đình. Bạn đừng quên lau sạch đầu vòi và đóng nắp kỹ càng sau khi sử dụng.

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hô hấp