Hơn 7,15 triệu F0 khỏi bệnh, Hà Nội khảo sát tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi

Cập nhật bản tin COVID-19 tính đến 9h sáng ngày 30/3

Bộ Y tế đề xuất nhận viện trợ 13,7 triệu liều vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi

Người bệnh tim mạch nên làm gì để bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch?

Tôn vinh những thầy thuốc trẻ Việt Nam trên mặt trận phòng, chống dịch

17 nước công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam, cấp độ dịch mới của TP.HCM

Tính đến ngày 29/3, tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam là trên 9,3 triệu người. Trung bình, cứ 10 người thì có một trường hợp là F0. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An, Bình Dương và Hải Dương. Đến nay, tổng số F0 khỏi bệnh là hơn 7,15 triệu trường hợp. Trong số bệnh nhân đang điều trị hiện còn 3.639 ca nặng.

Ngày 29/3, Chính phủ đã có nghị quyết cho phép chuyển nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đã giao dự toán cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của Bộ Y tế chưa thực hiện số tiền hơn 4.600 tỷ đồng gồm cả kinh phí mua vaccine, vật tư tiêm chủng, tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vaccine phòng COVID-19 sang năm 2022 để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 như đề nghị của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu báo cáo và xử lý cụ thể theo quy định.

Bộ Y tế dự kiến sẽ triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi từ đầu tháng 4 năm 2022. Về việc này, tại Hà Nội - nơi trẻ mầm non và học sinh tiểu học đã có gần trọn 1 năm ở nhà học trực tuyến - vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. Theo báo cáo kết quả rà soát chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi của Phòng GD&ĐT quận Long Biên từ cuối tháng 2/2022, ở bậc mầm non có 46,6% phụ huynh đồng ý tiêm chủng; 48,1% phụ huynh chưa đồng ý. Đối với học sinh tiểu học, các nhà trường khảo sát 100% ý kiến cha mẹ học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, kết quả tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho con tiêm đạt tỉ lệ từ 59 - 74% tùy từng khối lớp.

Từ ngày 1/4, không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán.

Sau nhiều ngày điều trị tích cực, cụ bà 100 tuổi ở tỉnh Hòa Bình mắc COVID-19 nguy kịch đã hồi phục ngoạn mục trong sự ngỡ ngàng của gia đình và niềm vui khôn xiết của các y bác sỹ. Theo thông tin từ bệnh viện, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tình trạng khó thở, sốt cao 39 độ C, hạ huyết áp. Bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị suy hô hấp do COVID-19, SpO2 hạ thấp chỉ còn 75%, trên bệnh lý nền suy tim, tuổi cao, thể trạng gầy, già yếu và chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. Sau 1 tuần điều trị, chiều ngày 29/3, bệnh nhân được xuất viện trong tình trạng tỉnh táo, sức khỏe tốt. Qua trường hợp trên, bác sỹ Bùi Văn Thụ, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Hồi sức tích cực 2 khuyến cáo: Đối với người cao tuổi vẫn nên tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ để dự phòng. Trường hợp đã nhiễm COVID-19, cần theo dõi sát, khi có biểu hiện khó thở, sốt, mệt nhiều nên nhập viện sớm để được điều trị và chăm sóc tốt nhất.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), BA.2 hiện gây ra 86% tổng số ca mắc COVID-19 đã được giải trình tự gene virus gây bệnh. Chủng virus BA.2 đang làm dấy lên lo ngại về khả năng xuất hiện một làn sóng dịch COVID-19 mới.

 
Lê Tuyết
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin