Cần làm gì để ngăn ngừa mất ngủ hậu COVID-19 ảnh hưởng sức khỏe?
SUCKHOE+ | Mất ngủ hậu COVID-19 gây ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày và làm người bệnh cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ ban ngày, khó tập trung… Vậy phải làm gì để mất ngủ hậu COVID-19 không ảnh hưởng đến sức khỏe?
Trên thực tế, COVID-19 có khả năng gây tổn thương lên nhiều cơ quan cùng một lúc với các triệu chứng như: Thần kinh (mất mùi, vị kéo dài, bệnh não và đột quỵ…), tâm thần (stress, trầm cảm), tim mạch (đau ngực, hồi hộp, viêm cơ tim), hô hấp (khó thở, ho…), da (tình trạng ban đỏ, mề đay…). Do đó, các F0 dù có triệu chứng nhẹ cũng nên cảnh giác với các di chứng hậu COVID-19.
Thăm khám sớm sau khi khỏi COVID-19 là cách tốt nhất mà mọi người nên thực hiện để góp phần ngăn chứng mất ngủ cũng như những di chứng khác. Nếu sau khi khỏi COVID-19 mà vẫn thấy ho, sốt, khó thở, hoặc có rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi… bạn cần đi khám để làm các xét nghiệm cần thiết. Từ đó sẽ xác định được các triệu chứng có phải do hậu COVID-19 hay không và có hướng xử trí kịp thời, đúng cách.
Mất ngủ, thiếu ngủ, ngủ không ngon hậu COVID-19 khiến chất lượng cuộc sống giảm sút (gia tăng mệt mỏi, giảm minh mẫn, buồn ngủ vào ban ngày, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, căng thẳng lo âu, đau đầu khi thức dậy...) có thể dẫn đến trầm cảm. Mất ngủ còn làm tăng kích hoạt hệ thần kinh, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch (tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim), tiểu đường, tổn hại gan, hệ tiêu hóa hoạt động kém, da nhanh lão hóa và sạm da, yếu sinh lý.
Để khắc phục tình trạng này, mỗi người cần tự đánh giá chất lượng giấc ngủ bản thân, so sánh giữa trước đây và hiện tại. Ví dụ, bạn đánh giá xem trước đây thường đi ngủ lúc mấy giờ, ngủ mấy tiếng, giấc ngủ có bị gián đoạn, lúc dậy có cảm thấy mệt không, còn hiện tại thì như thế nào, những điều gì đang ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ...
Mặt khác, mọi người cũng đã dần quen với các ảnh hưởng của đại dịch đến cuộc sống hàng ngày nên đã thích nghi hơn, ngày càng biết cách phòng tránh và xử trí khi mắc bệnh cũng như khi đã khỏi.
Một số mẹo giúp bạn ngủ ngon giấc như thư giãn 1-2 tiếng trước khi đi ngủ, thiền, đọc sách. Tránh uống rượu, cà phê, thuốc lá; đến bệnh viện khám nếu tình trạng kéo dài.
Một việc cần làm khác là nên dành thời gian thực hiện những điều có lợi cho sức khỏe như: Tập thể dục, học hỏi kiến thức hữu ích để chăm sóc thể chất, tinh thần, cách phòng tránh lây nhiễm COVID-19…
Ngoài ra, bạn hãy thử sử dụng thảo dược như nữ lang, trinh nữ, lá sen, bình vôi... hoặc các loại thực phẩm chức năng giúp ngủ ngon để cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Bình luận của bạn