Táo: Táo nên được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, trong ngăn đựng hoa quả hoặc hộp kín để giữ độ ẩm. Bạn không nên bảo quản chung những quả táo bị dập, có dấu hiệu hỏng với quả ngon.
Bơ: Quả bơ chín mềm nên được bảo quản nguyên quả trong ngăn đựng hoa quả của tủ lạnh. Trong trường hợp bơ còn xanh, bạn có thể lấy một tấm khăn ẩm phủ lên quả (không để ướt phần cuống), khăn khô rồi thì làm ướt và phủ lại. Cách làm này giúp quả bơ, đặc biệt là giống bơ 034 chín đều, màu xanh đẹp mắt.
Xoài: Xoài còn xanh, ương nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng đến khi xoài chín mềm. Quả xoài còn nguyên có thể bảo quản trong tủ khoảng 5 ngày. Xoài đã cắt miếng nên bảo quản ở ngăn đông để làm nguyên liệu cho các món sinh tố.
Chuối: Tùy vào độ chín của chuối, bạn có thể để chúng ở nhiệt độ phòng, tốt nhất là treo lên cao để tránh hiện tượng dập, thâm vỏ. Tránh để chuối dưới ánh nắng trực tiếp. Chuối chín nên ăn ngay, vì ngay cả khi bảo quản trong ngăn mát, loại quả này vẫn có thể bị thâm. Bạn cũng có thể thái chuối thành miếng nhỏ, cho vào hộp kín và bảo quản trong ngăn đông.
Cam, chanh: Trái cây họ cam, chanh nên được bảo quản ở nhiệt độ thấp để tươi lâu hơn. Bạn nên giữ vỏ quả thật khô, sau đó đặt chúng vào túi lưới thoáng khí thay vì túi nylon kín. Bảo quản trong ngăn rau củ của tủ lạnh.
Dưa hấu: Lớp vỏ cứng của dưa hấu giúp bảo vệ quả ở nhiệt độ phòng, không cần tới tủ lạnh. Tuy nhiên, bạn cần tránh phơi dưa hấu dưới nắng. Trước khi bổ dưa hấu, bạn nên rửa thật sạch lớp vỏ ngoài của quả. Dưa hấu đã cắt miếng nên được ăn ngay, nếu muốn bảo quản lạnh cần dùng hộp đựng kín.
Đào, mận: Độ ẩm và nhiệt độ cao sẽ khiến trái cây như đào, mận nhanh hỏng. 2 loại trái cây thơm ngon này nên được cho vào túi nylon có đục lỗ, trước khi ăn thì rửa lại thật sạch. Bạn cũng có thể biến chúng thành siro ngâm đường để bảo quản được lâu hơn.