Bác sỹ kê đơn thực phẩm chức năng không phải là chuyện “xưa nay hiếm”, báo chí cũng đã nhiều lần phản ánh và lần nào ngành chức năng cũng vào cuộc ngay lập tức.
Dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh Alzheimer
Phát hiện mối liên hệ giữa sa sút trí tuệ và quá trình trao đổi chất
4 lầm tưởng về ung thư phổi bạn cần biết
Mãn kinh đến sớm ở phụ nữ mắc đái tháo đường
Mới đây một tờ báo lần lại chuyện một bệnh nhân ở TP.HCM đi khám sốt xuất huyết được bác sỹ kê đơn thực phẩm chức năng. Thông tin trên báo khiến Sở Y tế TP.HCM phải yêu cầu các phòng chức năng tìm hiểu ngay và lập tức có phản hồi. Sở Y tế TP.HCM cho biết, sự việc này đã được xử lý hơn 1 năm trước.
Theo cơ quan này, đơn thuốc mà bệnh nhân sốt xuất huyết được kê tại một bệnh viện lớn ở quận Gò Vấp sai về hai phương diện, bao gồm kê đơn không đúng quy định (thực phẩm chức năng không được kê trên đơn thuốc), chỉ định không đúng hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết của Bộ Y tế. Cụ thể, trên đơn thuốc ghi nội dung chẩn đoán: "Sốt xuất huyết Dengue ngày 5/rl tiêu hóa/gan nhiễm mỡ". Bốn loại thuốc bác sỹ kê gồm: Baciamin Plus (NT) 1 tỉ CFU, Esaphe (NT) 40mg, QA Alipro (NT), Prohepatis (NT), uống từ 10-30 ngày với giá hơn 2 triệu đồng. Trong đó, QA Alipro (NT) là thực phẩm chức năng, các thuốc còn lại không điều trị sốt xuất huyết. (Trích dẫn vietnamnet.vn)
Thông tin phản hồi từ Sở Y tế TP.HCM cho biết cụ thể, đơn thuốc của bệnh nhân trên đã được kê cách đấy 1 năm 6 ngày, và nơi xảy ra sự việc không phải đơn vị trực thuộc Sở Y tế. Sự việc cũng đã được bệnh viện chấn chỉnh từ hơn 1 năm nay. Sở Y tế đã trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo bệnh viện trên để tăng cường phối hợp tốt hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh, cụ thể là công tác thu dung điều trị người bệnh sốt xuất huyết.
Câu chuyện bác sỹ kê đơn thực phẩm chức năng không phải là chuyện “xưa nay hiếm”, báo chí cũng đã nhiều lần phản ánh và lần nào ngành chức năng cũng vào cuộc ngay lập tức. Thậm chí còn lần bác sỹ ở một bệnh viện trung ương kê đơn thuốc có thực phẩm chức năng còn bị kỷ luật điều chuyển công việc.
Thực phẩm chức năng là gì mà bị đối xử như vậy?
Bộ Y tế Việt Nam định nghĩa, thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Tuỳ theo công thức, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng, thực phẩm chức năng còn có các tên gọi sau: thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, sản phẩm dinh dưỡng y học... Bộ Y tế đã ban hành hẳn một Thông tư (Thông tư 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014) quy định về quản lý thực phẩm chức năng.
Theo nhiều chuyên gia, thực phẩm chức năng không phải là thuốc, nhưng thực phẩm chức năng có tác dụng nâng cao thể trạng, nhất là trong các trường hợp người mới ốm dậy, sức khỏe suy giảm nhưng chưa đến mức phải điều trị, bệnh nhân mắc bệnh mạn tính lâu dài, người già cần bổ sung vitamin, khoáng chất… Đối với người bệnh điều trị, thực phẩm chức năng giúp tránh các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc lên các cơ quan khác như gan, thận…
PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam từng phát biểu: “Đơn thuốc phải là lời dặn dò của thầy thuốc đối với bệnh nhân về cách dùng thuốc, cách ăn uống, cách vận động, làm việc, nghỉ ngơi. Tại sao lại cấm bác sỹ kê đơn trong khi thực phẩm chức năng rất hữu ích và cần thiết cho người điều trị ngoại trú và kể cả nội trú?”. Ông cũng đặt vấn đề: “Phát triển thực phẩm chức năng để phục vụ cho sức khỏe con người là xu hướng tất yếu và không thể phủ nhận ở Việt Nam và các nước tiên tiến trên thế giới. Do vậy, người dân cần sự tư vấn chuẩn xác để sử dụng đúng và đạt hiệu quả tốt nhất cho lợi ích của mình”.
Hiện nay, Bộ Y tế quy định bác sỹ không được kê đơn thực phẩm chức năng. Theo quy chế kê đơn thuốc điều trị ngoại trú, được Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) ban hành đầu năm 2008, bác sỹ không được phép kê đơn thực phẩm chức năng cho người bệnh.
Theo nhiều chuyên gia, quy định này nên được sửa đổi nhằm hướng dẫn người dân sử dụng thực phẩm chức năng cho đúng và an toàn. Báo chí từng dẫn lời của các chuyên gia tại các cuộc hội thảo về lĩnh vực này. Như GS.TSKH Hoàng Tích Huyền, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dược lý, Đại học Y Hà Nội, cho rằng đã đến lúc cần lưu ý kê đơn những thực phẩm chức năng trong các bệnh viện để làm phong phú các phương cách điều trị, giúp người bệnh chóng lấy lại sức khỏe.
Ông Dương Huy Liệu, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam cho biết: “Bộ Y tế nên sửa quy định trên. Thay vì cấm bác sỹ kê đơn thực phẩm chức năng thì cần có thông tư, chỉ thị hướng dẫn sử dụng thực phẩm chức năng trong điều trị, dự phòng nâng cao sức khỏe một cách tương đối toàn diện”.
Báo chí cũng đã dẫn một số ý kiến nhà chuyên môn cho rằng nên sử dụng đơn riêng khác màu để phân biệt với đơn thuốc, ghi vào sổ y bạ… Có chuyên gia góp ý sửa đơn thuốc hiện hành trở thành “Y Lệnh” vẫn dùng như thời gian trước, nghĩa là bên cạnh thuốc, bác sỹ có thể ghi hướng dẫn cho người bệnh cách dùng thuốc, lời khuyên về bổ sung dinh dưỡng, tập luyện…
Theo quy định của Bộ Y tế, thực phẩm chức năng không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Nhưng cũng không phải thực phẩm chức năng “không có tác dụng”, chỉ làm tốn tiền trong điều trị, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe như đã nêu trên… Hiện đang có tình trạng vi phạm quy định về quảng cáo, quảng cáo thực phẩm chức năng như là thuốc chữa bệnh, tạo hiểu lầm cho người dân. Vi phạm trong quảng cáo thường xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội, cần được các cơ quan chức năng ra tay chấn chỉnh.
Cùng với đó, việc truyền thông về thực phẩm chức năng cần theo phương châm “3 đúng” (Hiểu đúng - Dùng đúng - Làm đúng) để giúp xã hội hiểu đúng về vai trò, công dụng của thực phẩm chức năng, giúp người dân sử dụng đúng thực phẩm chức năng và doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh làm theo đúng quy định. Còn không, cứ mỗi lần có chuyện kê đơn thực phẩm chức năng, báo chí lại nêu như một sự lạm dụng, vi phạm tạo ra những hiệu ứng xã hội… tội cho thực phẩm chức năng, cứ bị xem như là con ghẻ vậy!
Bình luận của bạn