Bao nhiêu lâu thì nên thay ruột gối?

Thay ruột gối định kỳ cũng là yếu tố quan trọng giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ

Cái chết êm ái từ chiếc gối ngủ quen thuộc

Xu hướng tối ưu hóa giấc ngủ: Hiệu quả thực sự hay chỉ là trào lưu?

Chuyên gia tiết lộ thực phẩm cản trở giấc ngủ bạn nên tránh

7 rối loạn giấc ngủ thường gặp

Gối là vật dụng có tuổi thọ nhất định, tuy nhiên nhiều người thường sử dụng chúng quá lâu sau khi chúng đã mất đi độ mềm mại và khả năng nâng đỡ. Mặc dù nhiều người có thể quen với việc này, nhưng gối bị xẹp, vón cục hoặc ố vàng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ, gây dị ứng và thậm chí gây đau cổ.

Các chuyên gia về giấc ngủ khuyến cáo, nên thay gối sau mỗi 1-2 năm, mặc dù thời gian này có thể thay đổi tùy thuộc vào chất liệu gối và cách chăm sóc. Gối làm từ mút hoạt tính chất lượng cao có thể sử dụng được tới 3 năm, trong khi gối lông vũ cần được thay mới sau khoảng 1 năm. Gối cao su có độ bền cao hơn, có thể dùng tới 5 năm, còn gối polyester hoặc gối lông vũ nhân tạo thường chỉ dùng được khoảng 3 năm.

Bên cạnh đó, “tuổi thọ” của gối còn phụ thuộc vào cách bạn “chăm sóc” chúng. Việc giặt gối thường xuyên, sử dụng vỏ gối bảo vệ và làm sạch vết bẩn kịp thời có thể kéo dài tuổi thọ của gối. Tuy nhiên, nếu có thú cưng ngủ trên gối, thường xuyên bị nóng khi ngủ hoặc không chú trọng việc bảo dưỡng gối, cần thay gối thường xuyên hơn. Sự tích tụ của dầu cơ thể, mồ hôi và tần suất sử dụng thường xuyên sẽ làm giảm độ bền của gối.

Lựa chọn gối có độ cao, độ đàn hồi phù hợp sẽ giúp cải thiện thể chất và tinh thần.

Lựa chọn gối có độ cao, độ đàn hồi phù hợp sẽ giúp cải thiện thể chất và tinh thần.

Một mẹo đơn giản để kiểm tra xem gối đã đến lúc cần thay mới hay chưa là gấp đôi gối lại. Nếu gối giữ nguyên trạng thái gấp đôi, điều đó có nghĩa là nó đã mất đi khả năng nâng đỡ cần thiết. Độ đàn hồi trong ruột gối mới là yếu tố quan trọng nhất, vì chúng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và giấc ngủ của bạn.

Ngoài ra, gối cũ có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe đáng lo ngại, bao gồm:

- Đau nhức và thay đổi tư thế: Gối bị xẹp hoặc lún không còn khả năng nâng đỡ đường cong tự nhiên của cổ, dẫn đến căng cơ và khớp. Điều này gây ra đau cổ, vai, và có thể làm lệch cột sống, dẫn đến tư thế ngủ không tự nhiên. Tư thế ngủ sai lệch kéo dài có thể gây đau mạn tính và làm xấu tư thế.

- Đau đầu: Căng thẳng tích tụ ở cổ và vai do gối không đủ hỗ trợ có thể gây ra đau đầu do căng thẳng hoặc thậm chí là đau nửa đầu. Nếu bạn thường xuyên thức dậy với cơn đau đầu dù đã ngủ đủ giấc, gối có thể là nguyên nhân.

- Khó thở: Gối cũ là nơi tích tụ mạt bụi, tế bào da chết, nấm mốc và vi khuẩn, gây dị ứng hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh như hen suyễn. Sự tích tụ này dẫn đến tắc nghẽn đường thở và khó thở, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

- Giảm chất lượng giấc ngủ: Gối không thoải mái khiến bạn trằn trọc, làm gián đoạn giấc ngủ sâu. Gối phẳng hoặc không đủ hỗ trợ có thể gây tắc nghẽn một phần đường thở, dẫn đến ngáy nhiều hơn và làm nặng thêm chứng ngưng thở khi ngủ.

- Kích ứng da: Gối cũ hấp thụ dầu, bụi bẩn và vi khuẩn, gây kích ứng da và mụn trứng cá. Nếu bạn gặp vấn đề về da dù đã chăm sóc kỹ lưỡng, gối chính là một trong số những nguyên nhân khách quan có tác động lớn.

Như vậy, việc sử dụng gối cũ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, từ đau nhức cơ thể đến các vấn đề về hô hấp và da. Do đó, việc thay gối định kỳ là rất quan trọng để đảm bảo giấc ngủ ngon và sức khỏe tốt.

 
Hà Chi (Theo Well+Good)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp