Thiếu ngủ, mất ngủ khiến một phần não bộ trì trệ, không hoạt động đúng cách ngay cả khi bạn tỉnh táo
1. Các vấn đề sức khỏe tâm thần
Kết quả một nghiên cứu được thực hiện trên 28.000 học sinh trung học được đăng trên Tạp chí Thanh thiếu niên (Mỹ): Chỉ cần giảm 1 giờ ngủ trong tổng số 7 tiếng ngủ khuyến cáo mỗi đêm sẽ làm tăng 38% các cảm xúc tiêu cực như buồn hay tuyệt vọng; và tăng 58% ý muốn tự tử. Thanh thiếu niên chỉ ngủ trung bình 6 tiếng/đêm cũng tăng gấp ba lần nguy cơ bị trầm cảm.
"Ở thanh thiếu niên, sự thiếu ngủ đi liền với trầm cảm", Chuyên gia giấc ngủ Mahmood Siddique tới từ trường Y Robert Wood Johnson, Mỹ cho hay, "Thay vì cho chúng thuốc an thần, tôi muốn cung cấp cho chúng một cơ hội để ngủ tốt hơn và nhiều hơn nữa".
Phụ huynh nên theo dõi xát xao hơn nữa giờ giấc ngủ của con mình. Đừng để chúng ngủ một cái bừa bãi, vô lối (ngủ nhiều hay ít quá đều không tốt cho sức khỏe tâm thần).
2. Các vấn đề học tập và hành vi
Không chỉ ở người trưởng thành, thanh thiếu niên đi ngủ sau 11h30 tối (và trải qua một ngày tồi tệ ở trường học hay gặp những sự kiện buồn) thường mất tự chủ, không tập trung, hiếu động và dễ mâu thuẫn với người khác. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới học tập và các mối quan hệ xã hội.
Bạn bị thiếu ngủ, mất ngủ, một phần não sẽ trì trệ, không hoạt động đúng cách ngay cả khi bạn tỉnh táo. Chính vì vậy, lời khuyên đơn giản nhưng lại vô cùng cần thiết là: Ngủ đủ giấc, ngủ sâu và ngủ đúng cách để đảm bảo sức khỏe tinh thần cũng như thể chất.
3. Việc sử dụng và lạm dụng chất gây nghiện
Mối quan hệ giữa mất ngủ và lạm dụng chất gây nghiện ở thanh thiếu niên là một con đường hai chiều: Thiếu ngủ làm thúc đẩy việc sử dụng ma túy và lệ thuộc vào nó; Trong khi đó, ma túy làm tăng nguy cơ gặp phải các rối loạn giấc ngủ.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng, thiếu ngủ, mất ngủ dự đoán các vấn đề liên quan đến chất gây nghiện như: Nhậu nhẹt, say xỉn khi lái xe và các quan hệ tình dục không lành mạnh.
4. Nguy cơ mắc bệnh béo phì
Mất ngủ tác động tiêu cực và lâu dài đến sức khỏe thể chất của người trẻ: Nguy cơ mắc đái tháo đường và béo phì.
Học sinh trung học ngủ kém có nguy cơ cao bị đái tháo đường và béo phì ở tuổi trưởng thành. Trong khi đó, những thanh thiếu niên đã bị béo phì mà không ngủ đủ giấc cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển đái tháo đường trong tương lai. Ngoài ra, thanh thiếu niên bị đái tháo đường type 1 sẽ gặp nhiều khó khăn khi ngủ - khi đó sẽ làm nghiêm trọng hơn các vấn đề sức khỏe khác: Rối loạn ăn uống, rối loạn đường huyết, bệnh tim mạch...
5. Lạm dụng thuốc an thần
Thuốc an thần không được bán cho người dưới 18 tuổi vì những tác dụng phụ nó mang lại: Gây mệt mỏi; Ảnh hưởng đến trí nhớ, nhận thức; Làm thay đổi thái độ, hành vi; Gây nghiện giống như ma túy... Cần đặc biệt lưu ý, thuốc an thần gây ngủ là thuốc hướng thần cần được dùng theo chỉ định của bác sỹ, không tự ý mua dùng vì dùng sai sẽ bị nghiện rất nguy hiểm.
Làm gì để ngủ ngon?
Đối với người mới bị mất ngủ, trước khi tính chuyện dùng thuốc, có thể thực hiện các biện pháp không dùng thuốc giúp ngủ tốt như sau:
Nên ngủ và thức giấc vào một giờ nhất định.
Hạn chế việc ngủ trưa (ngủ tầm 20 - 45 phút).
Vệ sinh cơ thể sạch sẽ trước khi ngủ. Chuẩn bị giường ngủ thoải mái, sạch sẽ.
Tránh ăn uống những thực phẩm có caffeine vào buổi tối trước khi ngủ (ít nhất 2 tiếng trước khi ngủ).
Tránh đi ngủ với bụng no quá hoặc đói quá.
Thường xuyên tập thể dục.
Luyện tập phương pháp thư giãn, chống stress (yoga, dưỡng sinh khí công...).
Người bị mất ngủ có thể dùng các loại thảo dược theo kinh nghiệm dân gian có tác dụng an thần như: Tâm sen, trinh nữ, lá vông… hoặc dùng thực phẩm chức năng từ dược thảo đã bào chế sẵn như củ bình vôi, nữ lang...
Biết Tuốt (Theo huffingtonpost)
Bình luận của bạn