- Chuyên đề:
- Bà bầu và trẻ sơ sinh
Những bất thường của cơ thể mẹ, của thai hoặc phần phụ của thai là nguyên nhân dẫn đến ngôi thai bất thường
Bé đã "lao động" hết mình trong 3 tháng cuối thai kỳ
3 tháng giữa thai kỳ, con đã phát triển thế nào?
Kỳ diệu sự phát triển của thai nhi trong 3 tháng đầu tiên
7 điều thai nhi sợ khi ở trong bụng mẹ
Tư thế nằm chuẩn khi sinh thường
Các kiểu ngôi thai
BS Nguyễn Ngọc Thông - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em TP.HCM cho biết, ngôi thai là phần cơ thể của thai nhi trình diện ở eo trên khung chậu của mẹ. Có hai dạng ngôi chính là ngôi dọc và ngôi ngang. Mỗi dạng ngôi lại có nhiều kiểu khác nhau. Ngôi thai dọc gồm ngôi đầu và ngôi mông. Ngôi đầu còn được gọi là ngôi thuận, biểu hiện bằng việc thai nhi nằm xuôi theo trục dọc của tử cung, đầu thai nhi hướng về phía âm hộ, mông thai nhi hướng về phía ngực mẹ. Đây là dạng ngôi thai thuận lợi cho cuộc sinh thường. Tuy nhiên, cũng là ngôi đầu, nhưng bé không cúi tốt mà phần mặt, trán hoặc thóp trước trình diện ở eo trên khung chậu thì vẫn gây khó khăn khi sinh nở.
Ngôi mông còn gọi là ngôi ngược, thai nhi có tư thế ngược lại với ngôi đầu, gây khó sinh. Ngôi thai ngang là tình trạng thai nhi nằm vắt ngang qua tử cung với phần lưng hoặc vai quay xuống dưới cổ tử cung. Nếu là ngôi ngang thì không thể sinh thường theo ngả âm đạo, bắt buộc phải mổ lấy thai.
Thai dưới 28 tuần chưa xác định được ngôi thai, gọi là ngôi bất định. Sau 28 tuần, thai lớn dần, theo trọng lực và sự bình chỉnh của thai, đầu thai nhi xoay dần xuống dưới về phía khung chậu. Khi dưới 37 tuần, ngôi thai vẫn còn thay đổi liên tục. Từ 37 - 42 tuần, ngôi thai đã cố định đối với con so, nhưng còn có thể thay đổi ở con rạ. Nguyên nhân, ở con rạ, tử cung của mẹ đã được thử thách, có độ co dãn tốt hơn so với khi mang thai con so, thai nhi vẫn còn xoay trở khi có những cơn gò tự nhiên (tập chuyển dạ) của tử cung. Thực tế cho thấy, tỷ lệ ngôi mông ở con so cao hơn so với con rạ.
Khi chưa chuyển dạ, cổ tử cung của mẹ luôn đóng. Việc xác định ngôi thai chỉ có ý nghĩa tại thời điểm thăm khám và sẽ còn biến đổi khi thai phụ chuyển dạ. Ngôi thai được xác định chắc chắn nhất là khi tử cung đã mở từ 2 - 3cm trở lên.
Ngôi đầu được tiên lượng một cuộc sinh nở dễ dàng và đa số trường hợp sẽ sinh thường. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp dù là ngôi đầu nhưng vẫn phải sinh mổ. Chẳng hạn, ngôi đầu nhưng thai to trên 4kg, có nguy cơ kẹt vai khi sinh thường; Ngôi đầu nhưng đầu bé quá to (trường hợp bé bị não úng thủy)…
Khi đã xác định ngôi ngang nghĩa là không thể sinh thường theo ngả âm đạo và thai phụ cần chuẩn bị tâm lý cho một cuộc sinh mổ. Đa số trường hợp ngôi mông cũng phải sinh mổ. Tuy nhiên, vẫn có những ca ngôi mông có thể sinh thường, tỷ lệ khoảng 2%.
Vì sao ngôi thai bất thường?
Những bất thường của cơ thể mẹ, của thai hoặc phần phụ của thai là nguyên nhân dẫn đến ngôi thai bất thường. Những nguyên nhân có thể kể đến là: Hình dạng tử cung, xương chậu của mẹ bất thường; Mẹ bị nhau tiền đạo, u xơ tử cung, khối u tử cung chèn ép làm em bé không xoay đầu được. Thai nhi bị dị tật như có khối u, đầu to, bụng to; Thai to quá cũng khó xoay đầu hoặc nhỏ quá thai không đủ sức để bình chỉnh tư thế. Những bất ổn từ các phần phụ của thai có thể kể đến như: Dây rốn quá ngắn, quá dài hoặc quấn cổ, vị trí nhau bám không bình thường, nước ối ít. Những thai non tháng cũng thường gặp ngôi bất thường do thai chưa bình chỉnh được tư thế.
Thực tế cho thấy, khám thai định kỳ sẽ xác định được nguyên nhân khiến ngôi thai bất thường. Điều quan trọng là thai phụ cần tuân thủ những chỉ định của BS để kiểm soát tốt nguyên nhân nhằm đảm bảo sự phát triển của thai nhi.
Ngoài ra cũng có một tỷ lệ khá lớn các trường hợp không có nguyên nhân (gọi là vô căn).
Với những trường hợp ngôi thai bất thường, thai phụ thường được BS hướng dẫn cách vận động với những bài tập nhẹ phù hợp nhằm tác động để thai nhi quay đầu về ngôi thuận. Trước đây, trong dân gian và cả trong y khoa có áp dụng phương pháp ngoại và nội xoay thai với các bước thực hiện như sờ nắn, kẹp gối, đẩy dần cho em bé quay đầu. Tuy nhiên, việc này hiện nay không còn trong phác đồ điều trị sản khoa. Nguyên nhân, do thủ thuật này có thể gây hại cho cả mẹ lẫn con, gây ra những sang chấn tử cung như nhau bong non, vỡ tử cung, tắc dây rốn, đột tử thai…
Bình luận của bạn