Ông Phan Tôn Ngọc Văn (trái) chơi tennis sau giờ làm việc - Ảnh: Duyên Phan
Quý ông xuất tinh sớm nên tập môn thể thao nào?
Thể dục thể thao giúp nam giới ngăn ngừa bệnh ung thư
Thanh dinh dưỡng - thực phẩm "chất" của dân chơi thể thao
Sex trong thể thao: Hãy nhìn gương người Đức
Tuần nào cũng vậy, đúng 13g trưa thứ ba là ông Phan Tôn Ngọc Văn, chủ cơ sở may thêu ở đường Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh, TP.HCM), lại rủ rê anh em trong hội gom vô sân. Cả nhóm 6 - 8 người thay phiên nhau “quần” vợt giữa trời trưa nắng suốt ba giờ đồng hồ. Ai nấy mồ hôi mồ kê nhễ nhại, hết một “xê” thì vô ngồi nghỉ. Sân Hồ Văn Huê (đường Hoàng Minh Giám, quận Phú Nhuận) có cây bóng mát nên tha hồ “thở oxy” trong lành.
Bỏ tiền mua mồ hôi
Ngồi nhìn những giọt mồ hôi ròng ròng chảy xuống khắp người, ông Văn sảng khoái cho biết: “Số mồ hôi này kéo theo bao nhiêu chất độc trong người thải ra, kèm theo máu huyết lưu thông, gân cốt cứng chắc, trong người lâng lâng nhẹ nhõm rất nhiều. Rồi mình uống nhiều nước vô, coi như thanh lọc cơ thể, giống như cái máy được thay nhớt mới”.
Còn ông Ngọc Sơn, giám đốc một doanh nghiệp xử lý nước thải, nói rằng mình đã tiêu hao được một lượng axit uric đáng kể, cái thứ rất dễ tích tụ gây nên bệnh gút. Ông Sơn nói ông có mấy người bạn là doanh nhân bụng bự, nhậu nhẹt nhiều mà vận động ít; rủ ra sân hoài mà không nghe, giờ bị gút tùm lum, chân đi cà nhắc hoài. Ngoài ra, do hào hứng theo từng đường banh hay đẹp, được thoải mái hò hét cổ vũ nhau, mấy anh em cảm thấy đầu óc thư thả, thần kinh giãn ra, những mệt mỏi căng thẳng sau những tính toán làm ăn giờ tan biến đâu mất.
Ông Văn đúc kết: “Trước đây mình lo toan làm ăn hao mòn sức khỏe hổng hay, kiểu như đánh đổi sức khỏe để lấy tiền bạc. Giờ thì ngược lại, cần phải bỏ tiền ra mua lại sức khỏe. Mỗi tháng đóng tiền sân 150.000 - 200.000 đồng/người, tính ra mỗi lần ra sân tốn có 50.000 đồng mà mua được bấy nhiêu mồ hôi, lời chán”.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh - câu này hầu như ai cũng nghe cũng biết, nhưng để làm theo thì phải có ý thức và quyết tâm mới được. Ông Văn kể:
“Tui có ông anh cột chèo rất thân. Ảnh là một doanh nhân thành đạt, giàu có, tài sản có hơn trăm tỉ. Ba năm trước tui khuyên ảnh bớt kiếm tiền lại, ra sân chơi thể thao để duy trì sức khỏe. Ảnh cũng hứa hẹn sẽ ra nhưng công việc cứ cuốn lấy riết. Suốt ngày từ sáng tới tối ảnh chỉ biết có công việc, gặp đối tác, ký hợp đồng, tối đi nhậu. Người ảnh ngày càng bủng, da trắng bệch, bụng thì bự. Ảnh cũng biết nói “tiền càng tăng mà sức khỏe càng giảm” nhưng giống như bị cuốn vô vòng xoáy hổng dứt ra được.
Tới năm ngoái thì phát hiện ảnh bị ung thư dạ dày. Gia đình tốn cả triệu đôla đi nước ngoài trị mà hổng hết. Năm tháng sau thì ảnh mất. Lúc này tui rút ra bài học đau xót là tiền bạc dù có muôn vạn cũng không thể mua lại được sức khỏe một khi đã mất nó. Bây giờ cả con và cháu tui đều bắt phải chơi thể thao hết”.
Ngoài ra, theo ông Văn, thời buổi này đồ ăn thức uống kém an toàn, không khí thì ô nhiễm, cơ thể mình tích tụ chất độc hồi nào hổng hay, chơi thể thao là cách tốt nhất để thải độc cơ thể, phòng bệnh hơn chữa bệnh là vậy.
Tăng sân lớn, giảm “sân nhỏ”
Trong hội có hai đàn anh lớn tuổi - khoảng 56 - có cá tính rất “kiên cường” mà ai cũng nể. Đó là ông Tuấn Lai và ông Hoàng Báo, tuyệt đối hổng uống một giọt bia dù anh em có mời mọc, nài nỉ cách mấy. Hai ông sẵn sàng ngồi chơi tới tàn cuộc nhậu mà chỉ uống toàn nước ngọt.
Khi ra sân thì hai ông thật tuyệt vời. Họ chơi hay nhất hội, ít khi nào "hết pin”, đường banh thì vừa đẹp vừa lắt léo, vừa có sức bền. Nhiều khi anh em cũng nhìn vô đó làm tấm gương để tự nhủ mình... bớt nhậu. Cũng phải đặt câu hỏi tại sao mấy ảnh lớn hơn mình cả con giáp mà còn sức tốt vậy, còn mình mới chạy vài đường banh đã đuối như... trái chuối?
Ông Văn chơi quần vợt từ ba năm nay nhưng ông cho là đã trễ - lúc đó đã 40 tuổi rồi - nhưng có còn hơn không. Rồi ông lập ra hội này, đầu tiên là sáu người, những đồng hương Quảng Ngãi học cùng thời cấp III. Sau đó gom thêm mấy anh em cùng là doanh nghiệp, nay được gần 20 hội viên rồi.
Lúc đầu chỉ tính chơi vui xả stress thôi, ai dè do thói quen, anh em nhậu nhẹt cũng dữ lắm, “không say không về” mà. Ra sân lớn thì yếu nhưng vô “sân nhỏ” thì mạnh. Nhiều lần ông Văn thấy không ổn cho sức khỏe nên định “tốp” bớt lại. Nhưng hơi bị khó bởi anh em đã quen “đô” rồi, cỡ 5 - 7 chai mới gãi ngứa chứ chưa đã. Thành ra cũng phải mất một thời gian dài - như bao nhiêu hội quần vợt khác - ra sân thì ít mà nhậu nhẹt thì nhiều; sức khỏe đâu chưa thấy đã thấy tốn thêm tiền, mất thời gian, mà cái bụng ngày càng... bự.
Nhưng dần dà khi ra sân đấu với nhau, anh em cũng khá “máu” nên ai thua là bị chọc quê dữ lắm. Ngoài ra, ông Văn thường xuyên tổ chức những giải đấu, lúc đầu trong nội bộ, sau mở rộng ra bên ngoài, anh em phải nỗ lực nâng cao kỹ thuật và giữ gìn sức khỏe; thành ra mọi người tự giác bớt nhậu, để còn phong độ mà ra sân chớ.
Điều thấy rõ nhất sau gần một năm ra sân là anh em trở nên rắn rỏi, săn chắc hẳn ra, người hết bủng mà cái bụng cũng “nhon” trở lại. Ông Nguyễn Công Huynh, giám đốc một công ty hóa thực phẩm ở quận Tân Bình, chia sẻ: “Tui vốn có cái “thùng nước lèo” rất khó coi, nhưng mà giờ nó đã “nhon” lại rồi, nhờ ra sân bị “quần” quá xá. Tui mới tập chơi nên đánh cũng dở, nhờ có anh em kèm nên đã khá hơn nhiều rồi. Cũng phải ráng tập chớ để yếu hoài cũng hơi “nhụt”. Cơ bản là sức khỏe tốt lắm, chưa thấy bị bệnh gì, cả năm hổng tốn viên thuốc nào mà”.
Còn ông Lê Thiện Hùng, chủ doanh nghiệp xây dựng, thì phấn khởi: “Tui giảm được 3kg rồi đó. Trước đây có hơi mỡ máu nhưng giờ ra sân nó đốt hết. Tui còn cái được nữa là bà xã khen lắm”.
“Bây giờ thì hội đã tăng lên tuần ba buổi ra sân. Còn nhậu thì giảm 5 - 7 chai xuống còn 2 - 3, ai nói “không” càng tốt (không ép) - ông Văn cho biết - Qua các đợt đấu giải anh em hứng chí lắm, ra sân tập luyện đều hơn để đừng bị thua nhưng điều quan trọng nhất là để có sức khỏe tốt”.
Bình luận của bạn