Mùa nắng nóng, coi chừng kiệt sức vì “cạn nước”

Nắng nóng gây mệt mỏi, mất nước

8 loại nước uống chống say nắng tức thì

Bài thuốc dân gian chữa say nắng mùa hè

Làm gì để ngăn ngừa say nắng trong mùa hè? (P.1)

Làm gì để ngăn ngừa say nắng trong mùa hè? (P.2)

Sợ nhất là mất nước

Năm 2015, khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp không ít các ca sốc nhiệt, nhập viện trong tình trạng hôn mê. Bệnh nhân thường đứng ngoài nắng quá lâu, dẫn đến mất nước, mất nhiệt. Có trường hợp nông dân đi gặt lúa thuê, đứng dưới nắng gắt 39 - 40 độ C suốt 3 - 4 giờ đồng hồ. Đến lúc nghỉ bỗng dưng bệnh nhân nói năng lảm nhảm, không rõ nghĩa, được một lúc thì hôn mê. Đến lúc nhập viện thì toàn thân đã đỏ rực, sốt cao, hôn mê sâu.

Sau khi được đặt ống thở, chườm mát toàn thân, dùng thuốc hạ nhiệt độ và truyền dịch thì bệnh nhân mới đỡ. Theo bác sỹ Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, đứng dưới nhiệt độ cao quá lâu sẽ khiến mọi người có nguy cơ say nắng, đặc biệt là những người già trên 50 tuổi. Bác sỹ Chính cho biết, nhiều người chỉ nghĩ say nắng là cơn mỏi mệt, nóng bức, sau khi uống nước, nghỉ ngơi sẽ hồi phục. Nhưng thực tế say nắng có thể khiến người bệnh hôn mê sâu, nặng thì tử vong, nhẹ thì ảnh hưởng đến tế bào thần kinh hoặc các cơ quan nội tạng khác.

Chị Nguyễn Thu Lê (Ba Đình, Hà Nội) cho con trai 4 tuổi đi chơi công viên, chú bé mải mê chạy nhảy dưới trời nắng gắt. Khi về nhà thấy con có biểu hiện mặt đỏ bừng, trán nóng bỏng liền hốt hoảng đưa con đến bệnh viện. Thăm khám không thấy các dấu hiệu viêm nhiễm, các bác sỹ hỏi “tiền sử” mới biết con chị bị say nắng nên nhiệt độ tăng cao. Chỉ lau người bằng nước mát thì nhiệt độ cũng sẽ giảm.

Không nên lao động quá lâu ngoài trời nắng (ảnh minh hoạ). Ảnh: Diệu Linh

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - chuyên gia nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) nói, trời nắng nóng sẽ khiến nhiều bố mẹ phát hoảng khi con đang khoẻ lại sốt cao đến mức… dọa người. “Trẻ em có sức đề kháng kém, hiếu động, hay chạy nhảy nên nguy cơ mất nước (do toát mồ hôi), mất muối là rất lớn. Chỉ cần ở trong môi trường kín gió, bức bối hoặc mải chơi ngoài nắng là trẻ có thể bị sốc nhiệt. Nên để trẻ chơi ở chỗ mát, không chơi quá lâu ngoài trời, thường xuyên uống nước, nước hoa quả để bù lượng nước tăng cường sức đề kháng cho cơ thể”, PGS Dũng khuyến cáo.

Các dấu hiệu sốc nhiệt: Hơi thở nhanh và nông, nhịp tim tăng, tăng hoặc hạ huyết áp, ngừng ra mồ hôi (người khô bất thường), cáu gắt, lú lẫn, nói lảm nhảm, hoa mắt, đau đầu, hôn mê. Nếu gặp người bị sốc nhiệt nên đưa vào nơi râm mát, có điều hoà, cởi bớt quần áo, làm mát cơ thể bằng cách vẩy nước lên người, cho uống nước mát, nước rau quả nếu họ uống được, gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện” .

Bác sỹ Lương Quốc Chính

Mối nguy “điều hoà”

Không ít người cho rằng, nhiệt độ cao khiến người tăng huyết áp có nguy cơ “nóng máy” dễ bị đột quỵ. Tuy nhiên, GS Phạm Gia Khải – Nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết, mối nguy với người tăng huyết áp chính không phải nắng nóng mà là việc thay đổi nhiệt độ đột ngột.

“Rất nhiều người đi từ ngoài nắng 38 - 39 độ C rồi lại chui ngay vào phòng điều hoà chỉ 15 - 18 độ C hoặc tắm nước lạnh để hạ nhiệt. Lúc đó, mạch máu đang nở ra vì trời nóng gặp lạnh đột ngột sẽ co lại đột ngột, dòng lưu thông máu bị bóp nghẹt sẽ làm huyết áp tăng vọt, thậm chí gây vỡ mạch máu não, nhồi máu cơ tim…”, GS Khải nhận định. Do đó, khi đi từ trời nóng vào phòng, người dân nên nghỉ một lúc, giải nhiệt bằng quạt, uống nước, đợi khô mồ hôi mới nên vào phòng lạnh hoặc đi tắm. Khi bật điều hoà cũng không nên để nhiệt độ quá thấp, chênh lệch với thời tiết bên ngoài nhiều.

Theo GS Khải, nguy cơ cần đề phòng khi trời nắng nóng nhiều nhất là mất nước. Do đó, người làm việc ngoài trời lâu nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc lúc nhiệt độ ngoài trời quá cao. Khi phải làm việc cũng nên 1 - 2 giờ lại vào chỗ râm nghỉ ngơi 5 - 10 phút; Thường xuyên uống nước, tốt nhất là nên cho một chút muối vào trong nước để bổ sung lượng muối bị thoát ra do toát mồ hôi, làm cân bằng điện giải cho cơ thể.

PGS.TS Đỗ Doãn Lợi - Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nhiệt độ cao sẽ khiến con người mệt mỏi, gây stress, tác động lên hệ thần kinh giao cảm – hệ thần kinh làm tăng huyết áp. Do đó, người có tiền sử tăng huyết áp trong các ngày nắng nóng sẽ mệt mỏi và có nguy cơ tăng huyết áp. Người già, trẻ nhỏ, người có các bệnh mạn tính (tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch…) nên hạn chế ra đường lúc nhiệt độ cao, lao động ở nơi mát mẻ, mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước, không đến nơi đông người, chật chội, có thể uống nước rau quả, có pha chút muối.

 

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh thường gặp