Gặp ác mộng luôn để lại nỗi sợ hãi cho trẻ
Tại sao chúng ta thường gặp ác mộng?
Tại sao chúng ta thường gặp ác mộng?
Bạn biết gì về giấc ngủ REM?
Tiến sĩ Anis Rehman, chuyên gia nội khoa và cố vấn của Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ, nói rằng khoảng một nửa trẻ từ 3-6 tuổi và 20% trẻ từ 6-12 tuổi thường xuyên gặp ác mộng. Cả hai giới đều có xu hướng gặp ác mộng như nhau, tuy nhiên tình trạng này có thể phổ biến hơn ở các bé gái bắt đầu khoảng từ 13 tuổi.
Những cơn ác mộng là gì?
Theo Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ, cơn ác mộng thường xảy ra trong giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (giấc ngủ REM - Rapid Eye Movement). Trong giai đoạn ngủ này, mắt sẽ không tự kiểm soát mà chủ động di chuyển qua lại theo nhiều hướng khác nhau. Thông thường, mọi người sẽ bước vào giấc ngủ REM sau 90 phút chìm vào giấc ngủ. Đây chính là lúc mà não lọc lại toàn bộ những ghi nhớ trong ngày, do đó, các hình ảnh kỳ lạ cũng xuất hiện, chúng kết hợp tạo thành những giấc mơ.
Quái vật, ma quỷ, chó sủa, hổ rình mò... là những nhân vật chính trong cơn ác mộng của trẻ. Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ cho biết trẻ em cũng có thể có những giấc mơ đáng sợ về việc bị bắt nạt hoặc quấy rối.
Trái ngược với "cơn khiếp sợ trong đêm" (chứng kinh hoàng ban đêm), những cơn ác mộng điển hình không liên quan đến việc trẻ la hét hoặc hành động khi ngủ. Tuy nhiên, một khi thức dậy sau cơn ác mộng trẻ có thể cảm thấy dễ bị tổn thương, lo lắng và nhịp tim đập nhanh. Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ cho biết, đôi khi những cơn ác mộng có thể tồi tệ đến mức một đứa trẻ phát triển nỗi ám ảnh về việc ngủ.
"Cơn khiếp sợ trong đêm"
Tiến sĩ Anis Rehman giải thích, "cơn khiếp sợ trong đêm" khác với những cơn ác mộng. Khoảng 30% trẻ em gặp phải tình trạng này, thường phổ biến nhất ở độ tuổi từ 3-7 và hết khi 10 tuổi.
Khi gặp chứng kinh hoàng ban đêm trẻ thường có hành động la hét hoặc khóc khi đang ngủ và mơ thấy nó. Các chuyên gia cho biết, trong một số trường hợp "cơn khiếp sợ trong đêm" có thể kéo dài tới 90 phút.
Cha mẹ nên làm gì?
Những cơn ác mộng hoặc "cơn khiếp sợ trong đêm" có thể khiến trẻ sợ hãi. Khi gặp trường hợp này cha mẹ nên nhẹ nhàng trấn an trẻ rằng mọi thứ đều ổn. Giải thích cho trẻ biết ác mộng không có thật, chúng chỉ là những suy nghĩ do não tạo ra và thực ra vô hại.
Bên cạnh đó, có thể cho trẻ làm quen với "bạn ngủ" mới như búp bê hoặc thú nhồi bông. Cha mẹ hãy nói với trẻ rằng "bạn ngủ" đang sợ hãi, rất cần trẻ an ủi vào ban đêm hoặc "bạn ngủ" có khả năng bảo vệ con. Cả hai chiến lược can thiệp đều có thể xoa dịu nỗi sợ hãi vào ban đêm và cải thiện chất lượng giấc ngủ cho trẻ nhỏ.
Nếu cha mẹ nhận thấy trẻ đang trải qua nỗi sợ hãi hoặc tức giận trong ngày, hãy nói chuyện với chúng về những cảm xúc đó trong một không gian thoải mái trước khi đi ngủ. Theo các chuyên gia việc làm dịu đi những lo lắng có thể giúp ngăn ngừa ác mộng.
“Thở sâu hay thư giãn cơ bắp cũng có thể giúp trẻ ngủ ngon hơn”, Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ nói.
Khi trẻ gặp ác mộng ít nhất 2 lần/tuần trong 6 tháng trở lên hoặc những cơn ác mộng thường xuyên tiếp tục kéo dài quá 6 tuổi. Đây có thể là dấu hiệu trẻ cần sự giúp đỡ về mặt tâm lý từ những người có chuyên môn.
Bình luận của bạn